Tâm lý ngại đi làm sau kỳ nghỉ dài
Đây là hiện tượng phổ biến khắp thế giới. Vậy tại sao các kỳ nghỉ vốn được cho là cải thiện sức khỏe lại dẫn đến sự suy sụp về tinh thần sau đó?
Theo Jeroen Nawijn, nhà tâm lý tại Đại học Khoa học Ứng dụng Breda (Hà Lan), con người thường cảm thấy hạnh phúc hơn trong kỳ nghỉ vì được tự do làm điều mình muốn. Khi kỳ nghỉ kết thúc, cả sự tự do lẫn hạnh phúc đó đều biến mất.
Suzanne Degges-White, nhà trị liệu tâm lý kiêm chủ tịch Khoa Tư vấn và Giáo dục Cao cấp tại Đại học Bắc Illinois (Mỹ) đồng tình với quan điểm trên. "Khi trở về cuộc sống thường nhật, phần lớn chúng ta phải tiếp tục chuỗi ngày báo cáo với cấp trên về những gì đang làm, cách thức tiến hành và thời hạn hoàn thành", bà Degges-White phân tích.
Sợ đi làm lại sau kỳ nghỉ dài là hiện tượng phổ biến song có thể giải quyết. Ảnh: INC.
Bên cạnh đó, những khó khăn và trách nhiệm trong công việc không bao giờ tự biến mất. "Nhiều người sợ hãi khi kỳ nghỉ kết thúc vì biết rằng mình lại phải đối mặt với các vấn đề chồng chất. Chưa kể, họ có thể bị giao thêm các nhiệm vụ mới trong khi những nhiệm vụ cũ chưa xong", chuyên gia nói.
Degges-White cũng cho rằng sự chuyển đổi từ thời gian biểu linh hoạt trong kỳ nghỉ về thời gian biểu chặt chẽ, ăn ngủ đúng giờ cũng khiến con người căng thẳng. Với những ai lỡ ăn uống vô độ những ngày nghỉ lễ, việc trở về cuộc sống thường ngày càng khó khăn.
Dù vậy, vẫn có những cách để bạn bớt stress sau kỳ nghỉ lễ. Đầu tiên, hãy dành khoảng nửa ngày hoặc một ngày để suy nghĩ về công việc. Hãy soạn ra danh sách những thứ cần giải quyết trong tuần đầu đi làm, dọn dẹp bàn làm việc ở cả nhà lẫn cơ quan, chuẩn bị sẵn quần áo. Thay vì nghĩ đến những ngày làm việc, hãy đọc một cuốn sách, hoặc liệt kê lại những điều bạn đã làm được trong một năm qua, lên kế hoạch cho năm tới... Bất cứ việc gì khiến bạn cảm thấy thích thú đều khiến tâm trạng trở nên khá hơn.
Tiếp đến, bạn có thể lên ý tưởng cho kỳ nghỉ tiếp theo. Như vậy, bạn sẽ bớt cảm giác chán nản và thêm động lực làm việc. Đừng quên dành thời gian thư giãn phòng trường hợp căng thẳng, ví dụ như nghe vài bản nhạc hay hoặc rủ đồng nghiệp đi ăn uống.
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/vi-sao-nhieu-nguoi-so-di-lam-sau-ky-nghi-dai-4424447.html