Taliban tái tổ chức, đe dọa lợi ích của Trung Quốc
Trong bối cảnh đàm phán hòa bình giữa Taliban Afghanistan và chính phủ Kabul tiếp diễn, nhóm Taliban cầm đầu ở Pakistan tuyên bố đã thống nhất các phe phái hoạt động riêng rẽ thành một lực lượng thống nhất.
Các chuyên gia tin rằng việc Taliban thống nhất ở Pakistan sẽ gây ra những vấn đề an ninh đáng lo ngại cho chính quyền Islamabad, cũng như đe dọa tới các dự án thuộc sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc tại nước này, theo Nikkei Asia.
"Tại những khu vực xa xôi của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, nhiều dự án phát triển của Trung Quốc, chủ yếu là cơ sở hạ tầng và thủy điện, đang được triển khai. Sự thống nhất của Taliban ở Pakistan làm gia tăng lo ngại cho an toàn của các dự án, cũng như công dân Trung Quốc", một quan chức an ninh Pakistan cho biết.
Tái thống nhất để tồn tại
Jamaat-ul-Ahrar, Hizb ul-Ahrar, và Hakeemullah Mehsud là 3 lực lượng chính thuộc Taliban Pakistan trước khi tổ chức này phân tán thành các nhóm nhỏ năm 2014 do hệ thống chỉ huy tan vỡ.
Trong tháng 8, các nhóm này tuyên bố tái thống nhất, đồng thời kết nạp thêm nhóm mới có tên Lashkar-e-Jhangvi, tổ chức thần quyền bị cấm hoạt động ở phía tây tỉnh Balochistan.
Kể từ khi hình thành vào tháng 12/2007, Taliban Pakistan trở thành tổ chức bảo hộ cho các nhóm phiến quân, chịu trách nhiệm cho hàng loạt vụ tấn công khủng bố. Taliban Pakistan cũng là đồng minh ủng hộ mạnh mẽ cho hoạt động của Al-Qaeda.
Taliban Pakistan khởi phát hoạt động tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan, cũng như khu vực bán tự trị thuộc quyền kiểm soát của các bộ lạc ở biên giới với Afghanistan.
Quân đội Pakistan được triển khai để đối phó với các lực lượng Taliban ở Peshawar năm 2015. Ảnh: Reuters. |
Tổ chức khủng bố này sau đó mở rộng hoạt động tới các khu vực khác của Pakistan, nhưng bị trấn áp quyết liệt bởi chiến dịch quân sự quy mô lớn của chính quyền Islamabad vào tháng 6/2014.
Cuộc tấn công đã làm tan rã cấu trúc chỉ huy của Taliban Pakistan ở các khu vực bộ lạc, buộc tổ chức này chuyển sang hoạt động ở khu vực biên giới trong lãnh thổ Afghanistan.
Việc Taliban Pakistan tái thống nhất nhanh chóng khiến giới chuyên gia bất ngờ. Nhiều nhà phân tích tin rằng các nhóm khủng bố nay nhận ra chúng không thể tiếp tục tồn tại nếu hoạt động riêng rẽ tại Afghanistan.
Nhằm thực hiện cam kết không chứa chấp các chiến binh nước ngoài trong hòa đàm với chính quyền Kabul, Taliban Afghanistan sẽ không hỗ trợ cung cấp nơi ẩn náu cho Taliban Pakistan.
"Nhận thức về nguy cơ đối với sự tồn tại của mình trong bối cảnh biến đổi chính trị ở Kabul và sức ép từ Taliban Afghanistan đóng vai trò quan trọng phía sau tiến trình tái thống nhất", Abdul Sayed, nhà nghiên cứu về các tổ chức cực đoan ở Pakistan và Afghanistan, đánh giá.
Đe dọa lợi ích của Trung Quốc
Sự tái thống nhất của Taliban ở Pakistan là tín hiệu cảnh báo đối với Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh đã gây sức ép buộc Islamabad trấn áp các nhóm sắc tộc ly khai ở Balochistan và Sindh do lo ngại đe dọa tới Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan, một bộ phận của sáng kiến "Vành đai, Con đường".
Tại Khyber Pakhtunkhwa, các công ty Trung Quốc hoạt động trong nhiều dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng, bao gồm đường cao tốc Karakoram giai đoạn 2.
Trạm thủy điện Suki Kinari và cảng hàng hóa Havelian nằm dọc đường cao tốc Karakoram, với điểm kết thúc là đèo Khunjerab tại biên giới với Trung Quốc. Ở bên kia biên giới là đường cao tốc quốc gia 314 của Trung Quốc, nối Pakistan tới Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương.
Hoạt động quân sự gia tăng dọc đường cao tốc Karakoram có thể gây tổn hại tới sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Thời gian qua, các luận điệu chống Bắc Kinh đã được đẩy mạnh trên các kênh truyền thông của Taliban Pakistan và Al-Qaeda.
Trong nội bộ các nhóm ly khai ở Balochistan và Sindh, dự án Hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc từ lâu đã là mục tiêu công kích, bị coi là sự xâm nhập của nước ngoài, làm sống lại hình ảnh sự hiện diện của Công ty Đông Ấn của Anh trong thế kỷ 19.
Các chiến binh Taliban Pakistan bị lực lượng an ninh Afghanistan bắt giữ năm 2016. Ảnh: Reuters. |
"Taliban Pakistan thường đưa ra những tuyên bố chi tiết công kích Trung Quốc, lên án tình trạng hiện tại mà người Hồi giáo Trung Quốc đang gánh chịu. Quan trọng hơn, các dự án thuộc Hành lang kinh tế có thể tạo ra những vấn đề kinh tế trầm trọng cho Pakistan", ông Sayed nói.
Năm 2013, trước áp lực từ Bắc Kinh, nhà chức trách Pakistan đã cấm hoạt động đối với 3 tổ chức có liên quan tới Al-Qaeda, gồm Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, Phong trào Hồi giáo Uzbekistan, và Liên đoàn Hồi giáo Jihad.
Trung Quốc tin rằng những tổ chức này đã thiết lập căn cứ địa tại các khu vực bộ lạc ở Pakistan, dưới sự hỗ trợ của Taliban.
Các nhà phân tích tin rằng những nhân tố xuyên quốc gia hoạt động tại khu vực bộ lạc đã thúc đẩy Taliban Pakistan tấn công các dự án của Trung Quốc như đòn trả đũa chính sách Bắc Kinh ở Tân Cương.
Trong thông điệp năm 2014, một thành viên cấp cao của Al-Qaeda có tên Mufti Abu Zar al-Burmi tuyên bố Trung Quốc sẽ là mục tiêu tiếp theo của phong trào thánh chiến trong khu vực.
Taliban Pakistan đã bắt cóc và sát hại một số công dân Trung Quốc, chủ yếu ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và Balochistan. Với việc Taliban tái thống nhất, lực lượng an ninh Pakistan đã phải tăng cường quân số và đẩy mạnh thu thập thông tin tình báo để bảo vệ sự hiện diện của Trung Quốc tại nước này.
"Sự tái thống nhất của Taliban Pakistan có thể là mối đe dọa tại một số khu vực ở Punjab, Balochistan, và Khyber Pakhtunkhwa, bởi chúng có sẵn mạng lưới ở các khu vực này", Muhamamd Amir Rana, Giám đốc Viện nghiên cứu Pak có trụ sở ở Islamabad, cho biết.
Trong năm 2019, Taliban Pakistan và các nhóm phiến quân nhỏ lẻ của chúng đã gây ra 97 vụ tấn công khủng bố, chủ yếu ở Punjab, Balochistan, và Khyber Pakhtunkhwa, khiến ít nhất 209 người thiệt mạng.
Xem thêm
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/taliban-tai-to-chuc-de-doa-vanh-dai-con-duong-cua-trung-quoc-post1129215.html