Tài chính số và công nghệ tài chính trở thành phao cứu sinh trong cuộc khủng hoảng COVID-19
Theo báo cáo do Lực lượng đặc trách về tài chính số của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres công bố ngày 26/8, tài chính số đã trở thành "phao cứu sinh" trong cuộc khủng hoảng toàn cầu do dịch COVID-19 gây ra.
Báo cáo nhận định, cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm nổi bật vai trò của tài chính số trong hoạt động cứu trợ cho hàng tỷ người dân trên khắp thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ việc làm và sinh kế của người dân.
Đặc biệt, công nghệ thanh toán bằng di động đã biến chiếc điện thoại thành công cụ tài chính cho hơn 1 tỷ người.
Để ứng phó với đại dịch, hàng tỷ người trên toàn thế giới đã sử dụng các công cụ số để làm việc, chi tiêu và tương tác xã hội. Do đó, đây là cơ hội mang tính lịch sử để thúc đẩy quá trình số hóa đối với người dân, chủ nhân thực sự của nguồn lực tài chính trên thế giới, đồng thời đẩy mạnh kiểm soát tài chính nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay và trong tương lai.
Lực lượng đặc trách về tài chính số của Liên hợp quốc đã xác định 5 cơ hội giúp khai thác quá trình số hóa, song song với hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) bao gồm: Thúc đẩy lưu thông vốn thông qua các thị trường vốn toàn cầu nhằm đáp ứng các mục tiêu SDG; Tăng hiệu quả và tính minh bạch của tài chính công; Kết nối các khoản tiền tiết kiệm được tích lũy trực tuyến trong nước thành nguồn tài chính để phát triển dài hạn; Phổ biến cho người dân về cách thức kết nối chi tiêu với SDG; Thúc đẩy nguồn tài chính cho lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Báo cáo chính là lời kêu gọi hành động tới các doanh nghiệp, giới hoạch định chính sách, cơ quan giám sát tài chính trên thế giới nỗ lực hết sức để đem lại những cơ hội này. Báo cáo kết luận rằng việc khai thác chuyển đổi số là một sự lựa chọn đúng đắn, xu hướng tất yếu do công nghệ thúc đẩy.
Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc cũng đã nêu ra các hành động cần thiết để vượt qua những rủi ro liên quan đến số hóa. Nếu không có biện pháp khống chế, những nguy cơ này có thể khiến tình trạng phân biệt đối xử, bất bình đẳng, độc quyền trở nên nghiêm trọng hơn, tách lĩnh vực tài chính khỏi nhu cầu phát triển bền vững và toàn diện.
Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc kiêm Chủ tịch Lực lượng đặc trách về tài chính số Achim Steiner đánh giá, đại dịch COVID-19 đang hé lộ các tiềm năng của tài chính số.
Xu hướng số hóa cho phép chính phủ hỗ trợ những người thực sự cần, khu vực dư thừa vốn có thể điều tiết tài chính cho để hỗ trợ vật tư y tế và các hoạt động cứu trợ khẩn cấp hay thiết lập các công cụ cho vay dựa trên thuật toán để các doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận vốn nhanh hơn.
Ông Steiner nhấn mạnh mức độ phổ biến của những công nghệ này là đáng kinh ngạc. Để chuyển đổi số có thể trở thành động lực thực sự cho việc đạt được các mục tiêu SDG, những bước tiến về công nghệ cần có sự phối hợp với chính sách đúng đắn, giúp trao thêm quyền cho người dân, cho phép hệ thống tài chính đáp ứng các thách thức khẩn cấp về đầu tư, từ đó xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Theo ông Steiner, ví dụ điển hình nhất về cách thức công nghệ tài chính mở rộng sự tham gia của các thành phần trong xã hội chính là việc hàng trăm triệu người dân tại Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ và Kenya lần đầu tiên có thể tương tác với hệ thống tài chính chính thức. Đây là một bước ngoặt phát triển giúp định hình đáng kể hệ thống tài chính.
Lực lượng đặc trách tài chính số do Tổng Thư ký Liên hợp quốc thành lập vào năm 2018, bao gồm các nhân vật cấp cao trong lĩnh vực công nghệ, tổ chức tài chính, chính phủ và các cơ quan Liên hợp quốc. Nhiệm vụ chính của nhóm này là nâng cao hiểu biết về các lợi ích và nguy cơ trong lĩnh vực tài chính số và công nghệ tài chính đang phát triển nhanh chóng./.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/tai-chinh-so-phao-cuu-sinh-trong-cuoc-khung-hoang-covid19/659851.vnp