Tại Anh, cứ mỗi tháng có một trẻ chết vì hóc nghẹn
Giáng sinh hay mùa nghỉ lễ Tết là khoảng thời gian để bé được tham gia các hoạt động vui chơi, được thoải mái tinh thần, xả stress sau những ngày học căng thẳng. Thế nhưng trong thời gian nghỉ lễ này trẻ lại có những nguy cơ cao bị hóc… đủ thứ từ hạt hướng dương, các loại kẹo đến đồng xu, hoa quả… Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của trẻ trong mùa lễ Tết.
Tại Anh, theo số liệu thống kê cứ mỗi tháng có 1 trẻ chết vì hóc nghẹn và hàng trăm trẻ phải nhập viện điều trị vì tai nạn này. Trẻ nhỏ vốn dĩ hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh bằng cách đưa các đồ vật vào miệng, mùa lễ Tết lại ngập tràn các món ăn, đồ chơi với màu sắc bắt mắt nên đây được coi là mùa cao điểm trẻ bị hóc dị vật.
Mùa lễ Tết còn có tên gọi khác là mùa hóc... đủ thứ với trẻ nhỏ vì có quá nhiều dị vật tiềm ẩn nguy cơ gây hóc, ngạt đường thở (Ảnh minh họa)
Cha mẹ cần đề cao cảnh giác với những dị vật dễ gây hóc cho trẻ sau đây:
- Thạch, kẹo dẻo: Trong số các trường hợp hóc dị vật thì hóc thạch là nguy hiểm nhất. Bởi miếng thạch mềm, dễ dàng thay đổi hình dáng ôm khít lấy đường thở khiến trẻ ngạt thở nhanh chóng, thiếu oxy lên não có thể gây tử vong.
- Các loại hạt: Vào dịp Tết các gia đình Việt thường mua nhiều loại hạt như hạt hướng dương, hạt dưa, hạt điều hay các loại trái cây có hạt nên trẻ em dưới 6 tuổi thường rất dễ bị hóc khi ăn.
- Đồ trang trí: Đồ trang trí lấp lánh cũng có thể làm trẻ ngạt thở nếu như nuốt phải và có thể nguy hiểm lập tức đến tính mạng của trẻ. Hãy để những đồ vật trang trí nhỏ này tránh xa tầm tay của trẻ và tốt nhất là không sử dụng nếu nhà có trẻ nhỏ.
- Mảnh xương: Khi mùa lễ Tết đến, mẹ sẽ chuẩn bị nhiều thức ăn ngon cho cả nhà. Những mảnh xương có thể mục nát lẫn trong canh hoặc thức ăn, mẹ lưu ý để tránh bé bị hóc xương trong dịp này.
- Thịt cuộn: Trẻ nhỏ có thể chưa có răng hoặc trẻ nhai không kĩ, những miếng thịt to cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ bị hóc nghẹn.
- Pin đồ chơi: Những món đồ chơi công nghệ thường có nút pin nhỏ, tròn, trẻ rất dễ đưa lên miệng và nuốt phải. Pin không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây hóc, ngạt thở mà còn chứa nhiều chất độc hại nếu trẻ ngậm trong miệng.
- Nắp chai: Sau khi bật nắp chai nước ngọt, chai bia, bé có thể nhặt nắp và cho vào miệng nuốt. Mẹ nhớ thu dọn hết nắp chai, tránh trường hợp bé nhặt được gây nguy hiểm.
- Phô mai: Phô mai có thể bị vón cục và dễ bị mắc vào cổ họng của trẻ nếu không được nhai kỹ. Mẹ có thể cho trẻ ăn nhưng hãy nhớ cắt miếng nhỏ vừa ăn và trông chừng bé.
Thạch, kẹo dẻo, các loại hạt... là những món dễ gây hóc cho trẻ trong dịp lễ Tết (Ảnh minh họa)
Vẫn biết lễ Tết là dịp để cả nhà quây quần, vui vẻ nhưng cha mẹ không nên vì thể mà nuông chiều trẻ vì vô tình chúng ta tạo nên thói quen không tốt thậm chí còn có thể gây nguy hiểm.
- Trẻ em dưới 6 tuổi không nên cho ăn các loại hạt như hướng dương, dưa, đậu phộng… vì trẻ chưa biết cách ăn nên rất dễ bị hóc.
- Hạn chế cho trẻ ăn các loại thức ăn có độ mềm, trơn, dễ hóc như thạch rau câu, kẹo tròn.
- Một số phụ huynh có thói quen chọc cười để con ngoan ngoãn há miệng ăn, tuy nhiên các chuyên gia, bác sĩ Nhi khoa khuyên không làm như thế vì bé dễ bị nghẹn dẫn đến sặc, hóc.
- Tránh cho trẻ ăn lúc đang khóc vì dễ dẫn đến khó thở hoặc sặc rất nguy hiểm.
- Để xa tầm với của trẻ với những loại thực phẩm, bánh kẹo, đồ dùng tiềm ẩn nguy cơ gây hóc.
Một phần các tai nạn ở trẻ thường xuất phát từ sự bất cẩn, lơ là thiếu kiểm soát của người lớn. Nếu như trẻ bị hóc các loại dị vật khiến bị ho, tím tái thì cha mẹ cần bình tĩnh sơ cứu cho con, tuyệt đối không được sử dụng tay để cố móc dị vật ra vì khi làm như vậy thì không những không ra mà có nguy cơ còn thụt sâu vào bên trong. Việc sơ cứu vô cùng quan trọng, nó ảnh hưởng tới sự sống còn của trẻ chỉ trong gang tấc.
- Với trẻ dưới 2 tuổi, dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực:
Cho trẻ nằm sấp trên cánh tay trái của người sơ cứu, đầu hướng xuống đất. Lưu ý giữ chắc để cổ và đầu trẻ khỏi bị tuột. Dùng gót bàn tay phải vỗ mạnh 5 cái vào vùng lưng giữa 2 xương bả vai của trẻ.
Nếu dị vật vẫn chưa ra ngoài hoặc trẻ vẫn chưa thở thì làm tiếp biện pháp ấn ngực. Lấy 2 ngón tay ấn vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Ấn mạnh 5 cái theo chiều từ trên xuống dưới liên tiếp.
- Với trẻ trên 2 tuổi, có thể dùng biện pháp ép bụng, còn được gọi là phương pháp Heimlich
Trường hợp trẻ còn tỉnh: Để cho trẻ đứng, người sơ cứu đứng phía sau lưng hoặc quỳ gối, choàng 2 tay ra phía trước ngang thắt lưng. Một tay nắm thành nắm đấm, một tay chồng lên tay còn lại, đặt ngay vào vị trí ở vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên 5 cái thật mạnh liên tiếp. Nếu dị vật chưa ra thì có thể lặp lại biện pháp này từ 6 đến 10 lần.
Trường hợp hôn mê, bất tỉnh: Đặt trẻ nằm ngửa, người sơ cứu nắm 2 bàn tay thành nắm đấm, ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh từ dưới lên trên 5 cái liên tiếp.
Trong tình huống trẻ hôn mê và không thở được thì trước tiên phải bắt đầu hà hơi thổi ngạt 2 cái. Nếu dị vật vẫn chưa ra, trẻ vẫn chưa thở được thì cần kết hợp vừa hà hơi thổi ngạt vừa dùng tay ấn ngực.
Article sourced from AFAMILY.
Original source can be found here: http://afamily.vn/ngay-le-tet-me-de-phong-nguy-co-cao-con-bi-hoc-nghen-du-thu-20200103220154287.chn