Ta nói yêu nhau mà không yêu nỗi cô đơn của nhau
Người ta thường lấy lý do “hợp (nhau)” để nói về một xuất phát điểm cho tình yêu. Hòa hợp về sở thích, tính cách là một cơn gió nhẹ dễ dàng thổi bùng một ngọn lửa lớn. Không phải chỉ có trên phim ảnh hay trong những tiểu thuyết văn học lãng mạn mới có những tình yêu xuất phát từ một sở thích chung be bé nho nhỏ nào đó như cùng yêu động vật, cùng thích một quán café… Nhưng cũng phải nói luôn, từ “hợp” nhau đến “yêu” nhau chắc cũng còn xa, vì rất nhiều cặp đôi sau một thời gian yêu nhau thì đã chia tay vì “quá khác biệt” và “không hợp nhau”.
Tôi có một thói quen kỳ cục thỉnh thoảng xuất hiện, đó là tự vấn: “Điều gì khiến hai người đó yêu nhau?”. Có những chàng và nàng dường như đến từ hai thế giới hoàn toàn xa lạ, chàng thích viết lách; nàng thích shopping, chàng thích café đọc sách một mình; nàng thích lượn đường cùng bạn bè… Dường như không có điểm nào trong sở thích, tính cách của hai-người-đang-yêu-nhau-đó được xem là ‘giống nhau’ (chứ chưa nói là ‘hợp nhau’). Vậy thì, khởi điểm của tình yêu đâu phải lúc nào cũng là sự hòa hợp về sở thích, tính cách? Và còn những mối quan hệ thân thiết trên mức bình thường khác cũng bắt đầu từ sự hòa hợp này, đâu phải tất cả đều được gọi chung là tình yêu?
Tôi thường nghĩ, yêu thương một người là một quyết định có ý thức, chứ không phải là một cảm giác vô thức “không rõ từ khi nào.” Có rất nhiều trạng thái cảm xúc na ná như tình yêu, nhưng để trở thành một thứ tình cảm gọi là tình yêu, cần có một cam kết yêu thương giữa hai người. Những thiện cảm, những ấn tượng, những “say nắng” và nhớ nhung, những ngại ngùng rụt rè ban đầu chỉ là những cảm xúc nhất thời trong khi yêu thương thực sự bắt đầu khi đã trải qua những thử thách, ta hiểu và chấp nhận bản thân ta và người ta thương. Bởi vậy thường nói, có hiểu mới có thương. Khi đã thương rồi, thì không còn thấy bốn “giai đoạn” kia nữa. Thương là thương, là hiểu, là hợp, là yêu, là cần. Là tất cả, mà cũng có thể là chẳng có gì.
Cho nên xin đừng yêu quá vội vàng mà không hiểu vì sao ta yêu, có chắc ta đã hiểu người. Hiểu người thực ra chính là hiểu ta. Ta đang tìm kiếm điều gì ở người? Ta đã có chắc mình sẽ bao dung với những lỗi lầm của người? Ta đang yêu người hay yêu chính ta? Người ta cứ vồ vập yêu, cũng do vì nóng lòng quá đỗi chạy trốn nỗi cô đơn trong lòng, mà kết cục ai nấy ra đi với một tâm hồn đầy ắp thương tổn. Chạy trốn cô đơn, thì ở đâu cũng thấy cô đơn.
Đáng tiếc là ta thường nói yêu nhau mà không yêu nỗi cô đơn của nhau. Thậm chí còn chưa từng chạm tới.
Và cũng chưa bao giờ biết yêu nỗi cô đơn của chính mình.
Xem thêm
Article sourced from GUU.
Original source can be found here: https://guu.vn/chay-tron-co-don-thi-o-dau-cung-thay-co-don-a7hUbZrAq9hcA.html