Sức mạnh quân sự - 'thanh gươm bén' trong chính sách đối ngoại của Nga
Khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền đầu thập niên 2000, quân đội Nga bị phương Tây đánh giá là lực lượng "đông nhưng không mạnh", giống như một chiếc thùng rỗng được lớp vỏ duy nhất là vũ khí hạt nhân bảo vệ.
Hải quân Nga khi đó phải chật vật bảo đảm hoạt động cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân, trong khi lục quân gần như bó tay với phiến quân Chechnya. Sĩ quan cấp cao phải sống trong những khu nhà ẩm thấp đầy chuột bọ, còn lính nghĩa vụ không được huấn luyện đầy đủ và trang bị yếu kém.
Hai thập kỷ sau, một đội quân khác biệt hoàn toàn được triển khai gần biên giới Ukraine. Dưới thời Putin, lực lượng vũ trang Nga đã "lột xác" toàn diện, trở thành đội quân hiện đại, có khả năng triển khai nhanh chóng và thể hiện uy lực trong các xung đột thông thường.
"Đợt điều động lực lượng suốt nhiều tháng qua thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và dàn vũ khí uy lực, cho phép Nga gây sức ép đáng kể với Ukraine và phương Tây. Vũ khí hạt nhân đơn thuần không thể làm điều đó", Pavel Luzin, chuyên gia phân tích an ninh Nga, nhận xét.
Đội quân hơn 100.000 người này chưa nổ bất cứ phát súng nào, nhưng đã giúp Tổng thống Putin buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải dẹp bỏ nhiều ưu tiên đối ngoại và tìm cách giải quyết những lo ngại của Moskva mà Nhà Trắng từng phớt lờ từ lâu, đặc biệt là xu hướng Ukraine ngày càng ngả về phương Tây.
"Thanh gươm" đó đang được Putin sử dụng hiệu quả để giành lại sức ảnh hưởng toàn cầu mà Nga đánh mất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, theo giới quan sát. Không phải vũ khí hạt nhân, chính các đơn vị bộ binh cùng khí tài hiện đại triển khai gần biên giới đã giúp Nga giành lợi thế đàm phán trong khủng hoảng Ukraine.
Binh sĩ Nga duyệt binh Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ năm 2011. Ảnh: AP.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 Nga tập trung gần biên giới Ukraine được trang bị kính ảnh nhiệt và nhiều loại đạn chống tăng, tên lửa dẫn đường thế hệ mới, cho phép chúng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách gấp đôi các xe tăng cùng loại ở bên kia biên giới, theo chuyên gia Rob Lee thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) của Mỹ.
Tên lửa hành trình Kalibr triển khai trên tàu mặt nước và tàu ngầm ở Biển Đen, cùng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M đặt dọc biên giới có thể tiến công mọi mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine và gần như không thể đánh chặn.
Năng lực hiện đại của quân đội Nga được thể hiện qua chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria năm 2015 để chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Họ không chỉ thể hiện hiệu quả chiến đấu cao mà còn khiến nhiều chỉ huy quân đội Mỹ bất ngờ.
"Thật xấu hổ nhưng phải thừa nhận rằng tôi hoàn toàn bất ngờ khi tên lửa Kalibr phóng từ biển Caspian đánh trúng mục tiêu ở Syria. Tôi thậm chí không biết chúng tồn tại", tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng lục quân Mỹ ở châu Âu, cho hay.
Xe tăng T-72B3 Nga diễn tập ở thao trường tại tỉnh Nizhny Novgorod ngày 17/1. Ảnh: RIA Novosti.
Bộ Quốc phòng Nga cũng thay đổi tư duy về quy mô lực lượng. Quân đội Nga ngày càng giảm phụ thuộc vào binh sĩ nghĩa vụ, chuyển hướng sang lực lượng tinh gọn với nòng cốt là khoảng 400.000 quân nhân chuyên nghiệp.
Điều này cho phép cải thiện điều kiện đãi ngộ cho quân nhân. Tổng thống Putin cuối năm ngoái cho biết một trung úy hiện có lương tương đương 1.000 USD/tháng, cao hơn mức trung bình của nhiều lĩnh vực dân sự. Chính quyền liên bang cũng chi khoảng 1,5 tỷ USD để hỗ trợ nhà ở cho quân nhân.
Nga không chỉ hiện đại hóa trang thiết bị cho người lính, mà còn thay đổi học thuyết sử dụng quân đội. "Lực lượng vũ trang Nga đang hoàn thiện cách tiếp cận được gọi là 'lấn ép đa mặt trận', kết hợp giữa sức mạnh quân sự với biện pháp ngoại giao, công nghệ và tuyên truyền để đạt mục đích chính trị", Dmitry Adamsky, học giả ngành an ninh quốc tế ở Đại học Reichman tại Israel, nhận xét.
Chiến lược này đã được thể hiện trong khủng hoảng Ukraine vài tuần qua, khi Nga vừa tăng lực lượng ở biên giới, đồng thời đưa ra loạt đề xuất an ninh với phương Tây. Binh sĩ Nga dàn hàng dọc biên giới với Ukraine, trong khi số khác đến Belarus tập trận ở khu vực chỉ cách Kiev khoảng 160 km.
Hàng chục website chính phủ Ukraine hôm 14/1 bị tin tặc đánh sập, để lại thông điệp "hãy sợ hãi và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất". "Có thể thấy những hoạt động như vậy diễn ra song song với động thái quân sự. Tất cả đều liên quan đến nhau", Adamsky nói.
Quá trình hiện đại hóa quân đội Nga cũng phát thông điệp cảnh báo đến Mỹ, giúp Moskva mở rộng ảnh hưởng ra khỏi Đông Âu và khiến Washington nhiều lần bất ngờ.
Vận tải cơ Nga chỉ mất vài giờ để đưa 2.000 lính gìn giữ hòa bình cùng khí tài, trong đó có xe tăng chủ lực, đến vùng Nam Kavkaz sau khi Tổng thống Putin đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột đẫm máu giữa Azerbaijan và Armenia cuối năm 2020.
Quân đội Nga can thiệp quân sự vào Syria năm 2015 nhằm bảo vệ đồng minh là Tổng thống Bashar al-Assad trước IS và quân nổi dậy. Lực lượng này hạn chế triển khai bộ binh đối đầu với IS, thay vào đó tung ra những đòn không kích dữ dội hủy diệt mục tiêu phiến quân, cho thấy Moskva có thể triển khai hiệu quả nhiều loại vũ khí dẫn đường, yếu tố vốn được coi là lợi thế của phương Tây trước Nga.
"Họ đã chứng tỏ với thế giới rằng Nga có khả năng mở các chiến dịch quân sự quy mô lớn với vũ khí tầm xa có độ chính xác cao, cùng năng lực tình báo hỗ trợ hoạt động này", Adamsky nói.
Ba hướng binh lực Nga quanh Ukraine trước ngày 15/2. Bấm để xem chi tiết.
Giới phân tích nhận xét Nga sở hữu rất ít vũ khí được thiết kế mới hoàn toàn, phần lớn quá trình hiện đại hóa đều tập trung vào nâng cấp khí tài có sẵn trong trang bị hoặc niêm cất. Dù vậy, khí tài không quan trọng bằng cách quân đội Nga sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy qua hàng loạt lần thực chiến.
"Phải khen ngợi quân đội Nga, họ là lực lượng có khả năng học hỏi và thích ứng với thay đổi. Chúng ta chứng kiến sự cải thiện qua từng cuộc chiến mà họ tham gia", tướng Philip Breedlove, chỉ huy NATO khi xung đột nổ ra ở miền đông Ukraine năm 2014, nhận xét.
Khả năng tác chiến điện tử và thông tin liên lạc của Nga hiện nay được cho là ngang ngửa, thậm chí vượt trội quân đội Mỹ. "Giờ chúng ta phải chạy theo họ. Suốt 20 năm qua, Mỹ đã tập trung vào iPhone và các mạng lưới khủng bố, trong khi Nga phát triển năng lực chặn thu liên lạc và chế áp điện tử mạnh mẽ", tướng Hodges thừa nhận.
Giới phân tích cho rằng với những năng lực này, quân đội Nga đã hỗ trợ đắc lực cho Tổng thống Putin trong các tính toán chiến lược trên bàn cờ quốc tế, từ cuộc chiến ở Syria đến bất ổn ở Kazakhstan và gần đây nhất là khủng hoảng biên giới Ukraine. "Phương Tây sẽ ngày càng khó đối phó với công cụ đó của Putin", chuyên gia Boulegue nhận định. "Họ không thể răn đe một thế giới quan".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/quan-doi-nga-thanh-guom-trong-tinh-toan-chien-luoc-cua-putin-4422502.html