Sự thật về vụ tàu tìm kiếm MH370 “biến mất”
Tàu Seabed Constructor. Ảnh: The Star
Trước đó, vào ngày 5-2, Daily Mail đưa tin Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) của Seabed Constructor, bị tắt vào ngày 31-1, chỉ 10 ngày sau khi bắt đầu chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370. Tuy nhiên, đến ngày 4-2 AIS của Seabed Constructor đã hoạt động trở lại.
Sự kiện tàu Seabed Constructor "biến mất" bí ẩn khi đang tìm kiếm máy bay mất tích mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã khiến cộng đồng quốc tế lo lắng.
Báo Straist Times ngày 8-2 trích dẫn Bộ trưởng Giao thông Malaysia Datuk Seri Liow Tiong Lai khẳng định tàu Seabed Constructor vẫn hoạt động bình thường và "không có vấn đề gì đáng lo ngại".
"Chúng tôi biết rằng có nhiều người theo dõi hoạt động của tàu Seabed Constructor. Vì thế, khi thiết bị tiếp nhận tín hiệu của nó bị tắt, sẽ có nhiều người tò mò và hỏi điều gì đang xảy ra. Nhưng vấn đề này hoàn toàn bình thường, nếu họ muốn tắt thiết bị đó, họ được quyền làm như vậy" – ông Liow khẳng định.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Datuk Seri Liow Tiong Lai phát biểu họp báo tại TP Kuala Lumpur vào ngày 10-1-2018. Ảnh: Malay Mail Online
Cũng theo ông Liow, tàu Seabed Constructor đang trên đường đến cảng Fremantle (Úc) để tiếp nhiên liệu theo lịch trình.
"Sau đó, con tàu sẽ quay lại khu vực tìm kiếm. Bộ Giao thông Malaysia, thông qua Cục Hàng không Dân dụng (DCA), sẽ cung cấp cho báo chí những thông tin mới về chiến dịch tìm kiếm MH370" – ông Liow .
Ông Liow cho biết thêm rằng 2 thành viên của Hải quân Hoàng gia Malaysia đang ở trên tàu Seabed Constructor để gửi báo cáo mỗi ngày cho DCA.
"DCA vận hành một trung tâm chiến dịch và báo chí được mời đến đây để có thể xem toàn bộ thông tin về nhiệm vụ tìm kiếm MH370 trong vài tuần qua, chẳng hạn như những vật dụng thu nhặt được từ đáy biển" – ông Liow cho biết, đồng thời tuyên bố rằng "toàn bộ quá trình tìm kiếm đang diễn ra rất suôn sẻ".
"Họ đang sử dụng 8 Thiết bị Tự động Dưới nước (AUV) và mỗi thiết bị này có thể rà soát một khu vực rộng hơn 1.000 km vuông mỗi ngày" – ông Liow khẳng định.
Công ty thám hiểm đáy biển Ocean Infinity (Mỹ) có 90 ngày để tìm kiếm máy bay MH370 theo hợp đồng "không tìm thấy, không trả tiền" với chính phủ Malaysia.
Nếu tìm kiếm thành công, công ty này sẽ nhận được từ 20 triệu USD đến 70 triệu USD, tùy thuộc vào địa điểm phát hiện máy bay MH370.
Tàu Seabed Constructor bắt đầu nhiệm vụ tìm kiếm máy bay MH370 vào ngày 22-1 ở Ấn Độ Dương.
Trước đó, vào ngày 8-3-2014, máy bay MH370 mất tích khi chở 239 hành khách đi từ TP Kuala Lumpur (Malaysia) đến TP Bắc Kinh (Trung Quốc).
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2059610