Sự khác biệt giữa Chiến tranh Lạnh và cạnh tranh Mỹ - Trung

12:00' 20-11-2021
Tại phiên 2 Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông, các chuyên gia nhận định khó có khả năng xảy ra Chiến tranh Lạnh lần 2, đồng thời đề xuất giải pháp để hạ nhiệt căng thẳng khu vực.


    hoi thao quoc te bien dong lan thu 13 anh 1

    Trong phiên thứ hai của Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông thường niên lần thứ 13 diễn ra ngày 18/11, các diễn giả trao đổi khả năng xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với hai cực là Trung Quốc và Mỹ là không cao.

    “Nếu nhìn lại thời kỳ cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt cơ bản” với cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, Đại sứ Bilahari Kausika - cựu Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Singapore - nhận định.

    Các chuyên gia chỉ ra rằng cạnh tranh Mỹ - Trung chủ yếu thiên về lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ và ngoại giao. Ngoài ra, các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, có nhu cầu phát triển kinh tế và xu hướng hợp tác giữa nhiều bên nhằm tránh xung đột và hạn chế đối đầu. Sự cạnh tranh cũng diễn chủ yếu ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    Bên cạnh đề xuất giải pháp “hạ nhiệt” cho hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc, các diễn giả cũng đề cao vai trò của những nước hạng trung và ASEAN trong giảm và ngăn căng thẳng leo thang thành xung đột tại khu vực.

    Sự khác biệt giữa cạnh tranh Mỹ - Trung và Chiến tranh Lạnh

    Các diễn giả khẳng định tình hình hiện tại phức tạp hơn nhiều so với cục diện của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

    “Mỹ và Liên Xô dẫn đầu hai hệ thống khác nhau, họ cạnh tranh để xem hệ thống nào sẽ chiếm ưu thế hơn. Ngược lại, Mỹ và Trung Quốc hiện đều đóng vai trò chính trong một hệ thống duy nhất và phụ thuộc chặt chẽ với nhau”, theo Đại sứ Bilahari Kausikan.

    Đại sứ nói chuỗi cung ứng tồn tại trên nền kinh tế toàn cầu hiện nay có độ phức tạp và phạm vi chưa từng có trong lịch sử, với ví dụ là chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

    Theo đó, từ lâu chất bán dẫn đã trở thành điểm yếu nghiêm trọng của Trung Quốc. Người Trung Quốc cố gắng chế tạo và sản xuất chất bán dẫn trong thời gian dài nhưng không đạt được thành công đáng kể nào và sẽ rất khó để họ làm được điều này.

    “Một số loại vật liệu quan trọng nằm trong tay Mỹ và một số đồng minh. Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào chuỗi cung ứng này và Mỹ cũng không thể tránh khỏi thiệt hại nặng nề nếu cắt đứt chuỗi cung ứng”, nhà ngoại giao cho biết.

    Cùng quan điểm với Đại sứ Bilahari Kausikan, tiến sĩ Zach Cooper - chuyên viên cao cấp Viện doanh nghiệp Mỹ - cho biết Chiến tranh Lạnh không phải là phép so sánh tốt với những gì đang xảy ra. Ông cho rằng có sự khác biệt rất lớn giữa sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và Mỹ với Liên Xô trong quá khứ.

    “Trước tiên, trong Chiến tranh Lạnh ở châu Âu, ta thấy rõ có sự tham gia của hai khối cạnh tranh là NATO và Hiệp ước Warsaw với hệ tư tưởng đối lập, hệ thống kinh tế, chính trị hoàn toàn khác nhau", tiến sĩ Cooper cho biết. "Các quốc gia trong cùng một khối có chung mối lo ngại lớn về quân sự”.

    Tuy nhiên, "nếu nhìn vào châu Á hiện nay, chúng ta không thể thấy bất kỳ điểm tương đồng nào". Ông chỉ ra Nhật Bản lo ngại về biển Hoa Đông, Hàn Quốc quan tâm tới Bán đảo Triều Tiên, trong khi Đài Loan hay Việt Nam đều có những mối lo lắng riêng.

    Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh trên mọi lĩnh vực, chủ yếu là kinh tế, công nghệ, chính trị và ngoại giao. Trong đó, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nổi lên như “trận địa” cạnh tranh ảnh hưởng chính giữa hai cường quốc này.

    Theo tiến sĩ Cooper, do cục diện phức tạp, các nước cần phải linh hoạt hơn trong cách tiếp cận những vấn đề này.

    Chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới hiện nay, tiến sĩ Anna Kireeva - chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu châu Á và Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu quốc gia Moscow về quan hệ quốc tế - cho biết: “Mặc dù Mỹ và Trung Quốc là hai cực quyền lực lớn, vẫn có nhiều cường quốc khác trên thế giới. Các quốc gia này nhận thức được họ cần có vai trò và quan điểm của riêng mình”.

    Tiến sĩ Shang Hyun Lee, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Sejong của Hàn Quốc, cũng cho rằng có nhiều yếu tố khiến tình hình thế giới hiện này trở nên phức tạp hơn.

    “Trước hết, tính đến nay, dịch Covid-19 đã khiến hơn 5 triệu người chết. Các quốc gia vẫn chưa hoàn toàn khôi phục nền kinh tế. Nếu sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp diễn, nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng”, ông nhận định.

    Ông Lee cho biết Hàn Quốc lo ngại về ảnh hưởng nghiêm trọng của cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Quốc gia này được xem là đồng minh lâu năm của Mỹ, tuy nhiên Seoul cũng có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh.

    Cần hướng trọng tâm ra ngoài Trung Quốc và Mỹ

    Tại buổi hội thảo, bà Shuxian Luo - nghiên cứu viên tại Viện Brookings của Mỹ - đã sử dụng 3 từ để miêu tả chiến lược của các quốc gia thành viên ASEAN hậu thời kỳ Chiến tranh Lạnh: Phòng ngừa rủi ro, Ràng buộc và Cân bằng sức mạnh mềm (Soft balancing).

    “Một chiến lược như vậy đã giúp đạt được thành công đáng kể trong việc mang lại sự ổn định và phát triển cho khu vực. Điều đó cũng khiến ASEAN trở thành ‘người trung gian, nhà môi giới trung thực và cầu nối’ giữa các cường quốc”, bà Luo nhận định.

    Giữa căng thẳng Mỹ - Trung đang diễn ra, bà Luo chỉ ra những biện pháp mà ASEAN có thể giảm thiểu và ngăn chặn xung đột xảy ra trong khu vực. Về mặt đối ngoại, ASEAN cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ và ảnh hưởng với cả Trung Quốc và Mỹ, đồng thời thu hút và tập hợp những nước trung lập khác có chung mối quan tâm và mục tiêu với ASEAN.

    Trong khi đó, nội bộ ASEAN cần tăng cường sự gắn kết, khả năng phục hồi và điều phối chính sách, cũng như duy trì nguyên tắc dựa trên sự đồng thuận và lập trường trung lập rõ ràng.

    hoi thao quoc te bien dong lan thu 13 anh 6

    Hội thảo Khoa học Quốc tế Biển Đông diễn ra trong 2 ngày 18-19/11. Ảnh: Nghiên cứu Biển Đông.

    Về chính sách với 2 cường quốc, bà chỉ ra ASEAN cần đáp trả các hành động quyết đoán của Trung Quốc với sự đoàn kết và duy trì tính răn đe. Các nước cũng cần đối thoại rõ ràng rằng hành động của Bắc Kinh có thể kích động họ nghiêng về phía Mỹ.

    Bên cạnh đó, chuyên gia đến từ Viện Brookings cho rằng ASEAN cần làm rõ việc Mỹ gây sức ép hoặc coi Đông Nam Á là công cụ cạnh tranh với Trung Quốc sẽ vấp phải sự phản đối.

    Việc khuyến khích các nhóm trong khu vực do Mỹ dẫn đầu vượt ra ngoài cách tiếp cận theo định hướng an ninh - quân sự, hướng tới cung cấp hàng hóa và lựa chọn thay thế khác ngoài ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc cũng là biện pháp mà bà Luo gợi ý.

    Cả Mỹ và Trung Quốc đều phải hành động để giảm căng thẳng trong khu vực, bà Luo nói. Bắc Kinh cần đưa ra cam kết không tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, không cải tạo và triển khai thêm vũ khí tới thực thể nước này chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cần tôn trọng quyền tự do hàng hải của tàu nước ngoài.

    Với Mỹ, bà Luo nói cần giảm đáng kể tần suất các chuyến đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS), đồng thời không triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung tới chuỗi đảo thứ nhất.

    Trong khi đó, tiến sĩ Sang Hyun Lee đề xuất để tránh tái diễn Chiến tranh Lạnh, cần hướng trọng tâm ra bên ngoài Mỹ và Trung Quốc.

    “Chiến tranh Lạnh là cuộc chiến giữa hai phe. Do đó, chúng ta cần tạo ra cực thứ 3, thứ 4 trong quan hệ quốc tế, bên cạnh Mỹ và Trung Quốc”, ông Lee nói. “Các cường quốc tầm trung, bao gồm cả ASEAN, nên hình thành quyền lực thứ 3 để giảm bớt căng thẳng trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc”.

    Thứ 2, ông Lee cho rằng Mỹ và Trung Quốc phải thảo luận về “cơ chế quản lý khủng hoảng hoặc loại thủ tục giảm leo thang”. Theo tiến sĩ Lee, lý tưởng nhất là hai bên nên đồng ý cam kết không đơn phương thay đổi hiện trạng ở Đài Loan và Biển Đông. “Cả hai cần có thêm xu hướng và cơ chế giao tiếp để tránh xung đột, đặc biệt là ở Biển Đông”, ông nói.

    Cuối cùng, một bộ quy tắc ứng xử chung chính là giải pháp mà tiến sĩ Lee đề cập. Dù trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều đồng ý về tầm quan trọng của sự ổn định chiến lược giữa các quốc gia, ông Lee cho rằng loại cơ chế quản lý khủng hoảng nên mở rộng ở khu vực Thái Bình Dương.

    Các bên cũng cần hợp tác để giải quyết các vấn đề còn tồn tại như Covid-19, an ninh mạng, thách thức phi truyền thống khác. “Nếu đạt được tiến bộ trong những vấn đề này, chúng ta sẽ tránh được sự cạnh tranh”, ông nhấn mạnh.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Nhà hàng?
Crystal Jade Vùng: Melbourne. Phone: 9639 2633
Xem thêm

ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/my-trung-canh-tranh-nhung-chien-tranh-lanh-20-se-khong-den-post1278290.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ