Sự cố thủy âm tàu chiến nguy cơ dội nước lạnh vào quan hệ Úc và Trung Quốc

12:12' 22-11-2023
Mối quan hệ Trung Quốc - Australia đang có dấu hiệu tan băng, song sự cố thủy âm giữa tàu chiến hai nước có thể xô đổ mọi kỳ vọng.


    Cách đây hơn hai tuần, Thủ tướng Australia Anthony Albanese tới Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nỗ lực "phá băng" quan hệ. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo Australia kể từ năm 2016, trong bối cảnh quan hệ song phương trải qua nhiều sóng gió.

    Sự kiện được truyền thông nhà nước Trung Quốc đề cao. Video Thủ tướng Albanese đi dạo ở Bến Thượng Hải hôm 5/11 thu hút sự chú ý của dư luận Trung Quốc đến mức Thủ tướng Lý Cường cũng khen ngợi người đồng cấp Australia là "soái ca".

    Chưa đầy một tuần sau, Thủ tướng Australia lại trò chuyện và bắt tay Chủ tịch Trung Quốc, lần này là ở San Francisco, Mỹ, bên lề hội nghị APEC. Những cuộc tiếp xúc cấp cao được coi là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ song phương dường như đang tan băng sau nhiều năm lạnh giá, khi các đường dây liên lạc chính thức gần như đều bị cắt đứt.

    Nhưng kỳ vọng về một thời kỳ nồng ấm đã bị lu mờ khi sự cố được mô tả là "rất nghiêm trọng" xảy ra giữa tàu chiến Trung Quốc và Australia, chỉ vài ngày trước cuộc gặp giữa hai lãnh đạo tại Mỹ.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đón Thủ tướng Australia Anthony Albanese ở Bắc Kinh ngày 6/11. Ảnh: AFP

    Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, tàu khu trục Ninh Ba của Trung Quốc hôm 14/11 tiếp cận tàu hộ vệ HMAS Toowoomba ở vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản, khi chiến hạm Australia triển khai nhóm thợ lặn để gỡ lưới đánh cá mắc vào chân vịt.

    HMAS Toowoomba đã thông báo cho phía Trung Quốc về hoạt động của nhóm thợ lặn và yêu cầu họ giữ khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, tàu Ninh Ba vẫn thu hẹp khoảng cách và bật thiết bị thủy âm (sonar), gây nguy hiểm cho nhóm thợ lặn và buộc họ hủy nhiệm vụ, theo Bộ trưởng Marles. Quân y Australia sau đó xác định một thợ lặn bị thương nhẹ, nhiều khả năng do chịu tác động từ tín hiệu thủy âm.

    Ủy ban Cố vấn Y khoa về Lặn, cơ quan độc lập có trụ sở tại Anh, cảnh báo sóng âm từ thiết bị sonar có thể khiến thợ lặn dưới nước bị choáng, hỏng thính lực và tổn thương nội tạng.

    Thủ tướng Albanese gọi hành động của tàu chiến Trung Quốc là "nguy hiểm", "không an toàn" và "thiếu chuyên nghiệp". Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Australia đưa ra những "cáo buộc liều lĩnh và vô trách nhiệm" về sự việc.

    Tại Bắc Kinh cách đây hai tuần, khi trả lời câu hỏi liệu ông có nghĩ Trung Quốc sẽ nhận cuộc gọi từ Mỹ nếu có sự cố xảy ra ở Biển Đông hay không, Thủ tướng Albanese cho biết ông hài lòng khi nhìn thấy mức độ kết nối giữa Australia và Trung Quốc đang ngày càng tăng.

    Nhưng hôm 20/11, Thủ tướng Albanese không xác nhận liệu ông có đề cập về sự cố thủy âm giữa hai tàu chiến trong cuộc hội đàm với ông Tập ở San Francisco hay không, mà chỉ nói rằng vấn đề đã được nêu ra "rất rõ ràng thông qua tất cả các kênh".

    Ông Tập trò chuyện với ông Albanese khi dự hội nghị APEC tại San Francisco hôm 17/11. Ảnh: Reuters

    "Hậu quả của những sự kiện này là chúng gây tổn hại cho mối quan hệ và chúng tôi đã nói rõ điều đó với Trung Quốc", ông Albanese cho hay. Giới quan sát cũng nhận định sự cố tàu chiến nhiều khả năng sẽ tạt "một gáo nước lạnh" vào quan hệ đang có chiều hướng ấm lên giữa hai quốc gia.

    Thượng nghị sĩ James Paterson, quan chức đảng Tự do đối lập phụ trách giám sát các vấn đề thuộc Bộ Nội Vụ Australia, nhấn mạnh người dân đang rất mong muốn quân đội và chính phủ sẽ có hành động kiên quyết nếu tàu chiến Trung Quốc cố tình thực hiện hành động như vậy.

    "Mối quan hệ mà chúng ta phấn đấu xây dựng với chính phủ Trung Quốc dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau. Họ đã công khai thể hiện thái độ thiếu tôn trọng đối với Australia thông qua hành động của mình. Nếu những hành động này không đối mặt hậu quả, chắc chắn họ sẽ lặp lại điều đó nhiều lần nữa", ông nói.

    Paterson cũng lưu ý rằng việc chính quyền Thủ tướng Albanese trì hoãn bày tỏ lập trường về sự việc đã đặt ra một tiền lệ xấu.

    "Rõ ràng Thủ tướng không muốn bị chất vấn khi đang ở nước ngoài", Paterson cho hay, đề cập đến việc chính phủ Australia không cung cấp thông tin về sự việc ngay khi nó xảy ra, vào thời điểm Thủ tướng Albanese dự hội nghị APEC tại Mỹ.

    Nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Australia Euan Graham cho biết câu hỏi quan trọng là trước khi kích hoạt hệ thống thủy âm, liệu thủy thủ tàu chiến Trung Quốc có biết các thợ lặn hải quân Australia đang làm việc dưới nước hay không. "Nếu họ biết thì hành động đó thực sự rất tệ", ông nói. "Song chúng ta chưa thể đưa ra giả định này".

    Dù vậy, Graham đánh giá việc chiến hạm Trung Quốc bật thiết bị thủy âm ở khoảng cách rất gần với tàu hải quân Australia hoàn toàn trái ngược với nỗ lực ngoại giao mà hai bên đang tiến hành nhằm cải thiện quan hệ.

    Giám đốc điều hành Hiệp hội Quốc phòng Australia Neil James đồng tình rằng sự việc lần này là "rất bất thường", bởi nó diễn ra không lâu sau chuyến thăm được coi là "rất tốt đẹp" của Thủ tướng Albanese tới Bắc Kinh.

    Nhưng theo tiến sĩ Benjamin Herscovitch từ Đại học Quốc gia Australia, sự cố vừa xảy ra không có nghĩa rằng Trung Quốc thiếu thành thật trong nỗ lực hàn gắn quan hệ với Australia. Ông cho rằng không thể đánh đồng lĩnh vực ngoại giao và an ninh của Trung Quốc.

    "Sự cố thủy âm cho thấy Trung Quốc sẽ không để việc cải thiện quan hệ với Australia cản trở họ theo đuổi các mục tiêu quân sự cứng rắn của mình", ông nói. "Việc hai nước nỗ lực cải thiện quan hệ ngoại giao sẽ không khỏa lấp được xu hướng nghi ngờ lẫn nhau trong lĩnh vực an ninh về lâu dài".

    Alessio Patalano, giáo sư về chiến tranh và chiến lược ở Đông Á tại Đại học Hoàng gia London, cho rằng đã đến lúc các nước như Mỹ và Australia phải có quan điểm thực tế hơn, đồng thời tách bạch mối quan hệ tích cực với Trung Quốc về các vấn đề như thương mại, đầu tư khỏi lĩnh vực quân sự, an ninh.

    "Bạn có thể có một cuộc gặp rất hiệu quả và tích cực với quan chức Trung Quốc, bạn có thể nói về biến đổi khí hậu và chuỗi cung ứng theo cách ít đối đầu hơn so với 18 tháng trước. Nhưng điều đó sẽ không thay đổi cách hành động của Trung Quốc về mặt quân sự, đặc biệt ở những nơi mà Bắc Kinh đã thể hiện rõ ràng rằng đó là một phần lợi ích cốt lõi của họ", Patalano nhận xét.

    Hải quân và không quân Trung Quốc gần đây tăng cường hoạt động ở eo biển Đài Loan và các vùng biển xung quanh, khiến sự cố chạm mặt trên biển xảy ra thường xuyên hơn.

    Hồi cuối tháng 10, Canada cáo buộc tiêm kích Trung Quốc thả mồi bẫy nhiệt, uy hiếp an toàn của trực thăng nước này trên vùng trời quốc tế ở Biển Đông. Các sự cố xịt vòi rồng, chạy cắt mặt giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tiếp tế Philippines, một đồng minh của Mỹ, cũng liên tục diễn ra ở Biển Đông.

    Tàu HMAS Toowoomba tiếp nhiên liệu tại căn cứ hải quân Mỹ ở đảo Diego Garcia trên Ấn Độ Dương hồi tháng 6/2020. Ảnh: Hải quân Mỹ

    Đầu năm 2022, quân đội Australia cáo buộc tàu chiến Trung Quốc chiếu tia laser vào một máy bay trinh sát nước này đang hoạt động ở biển Arafura, phía tây Thái Bình Dương.

    Tiến sĩ Herscovitch nhận định sự cố thủy âm mới nhất là dấu hiệu cho thấy nguy cơ về những cuộc chạm mặt tiềm ẩn nhiều rủi ro sẽ diễn ra thường xuyên hơn, khi quân đội Trung Quốc thể hiện thái độ cứng rắn hơn với lực lượng nước khác hoạt động trong khu vực.

    "Không rõ liệu hành động bật thiết bị thủy âm của tàu Ninh Ba có được các chỉ huy cấp cao trong quân đội Trung Quốc cho phép hay không, nhưng các sự việc không an toàn như vậy xảy ra trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách đẩy các lực lượng nước khác khỏi khu vực bằng cách gia tăng ngưỡng rủi ro đối với họ", ông nói.

    Đáp lại những chỉ trích này, Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bài bình luận ngày 19/11 chỉ ra rằng cáo buộc từ Australia là "phiến diện" vì không đề cập đến thông tin từ phía Trung Quốc khi hai bên liên lạc.

    "Do tàu chiến Australia thừa nhận có thiết lập liên lạc với phía Trung Quốc nên nhiều khả năng tàu Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo bằng lời mà tàu Australia phớt lờ. Vậy nên, tàu Trung Quốc buộc phải thực hiện bước tiếp theo là gửi cảnh báo thông qua sonar", tờ báo dẫn lời một chuyên gia giấu tên cho hay.

    Chuyên gia này giải thích mục đích chính của hệ thống sonar là phát hiện tàu ngầm và chướng ngại vật dưới nước, nhưng trong sự cố ngày 14/11, nó có thể được sử dụng để cảnh báo Australia.

    Theo nhà phân tích Rahman Yaacob từ Viện Lowy, Australia, cách phản ứng của Canberra đối với sự cố là rất quan trọng.

    "Nếu Trung Quốc có thể làm bị thương quân nhân một đồng minh theo hiệp ước với Mỹ mà không gặp bất kỳ hậu quả nào, họ có thể áp dụng hành động quyết liệt hơn với các nước khác trong khu vực. Một môi trường như vậy không phải là chỉ dấu tốt cho an ninh và ổn định hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông cho hay.

    "Ít nhất, Australia phải trao công hàm phản đối ngoại giao đối với Trung Quốc hoặc triệu đại sứ Trung Quốc tại Canberra để giải thích về sự việc", Yaacob nhấn mạnh. "Trong khi tìm cách thiết lập mối quan hệ thân thiện, Australia cũng phải báo hiệu cho đối phương rằng hành vi đe dọa tính mạng người khác là điều không thể chấp nhận được. Canberra phải học cách vừa hợp tác vừa đấu tranh với Bắc Kinh".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Concert Audio Visual Vùng: Maidstone. Phone: 9318 1234
Xem thêm

chuyên bán dụng cụ âm thanh và ánh sáng


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/su-co-tau-chien-nguy-co-doi-nuoc-lanh-vao-quan-he-trung-quoc-australia-4679272.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ