Sống ở trời Tây nhưng vẫn chỉ mê cơm Việt, bạn bè nước ngoài ăn phở 8X nấu toàn đòi bát thật to
Sang Canada định cư cùng chồng khoảng 6 năm, vô cùng bận bịu với công việc ở nhà hàng Việt Nam và ở đại lý du lịch nhưng chị Trúc Nguyễn (37 tuổi) vẫn chăm chỉ vào bếp nấu ăn cho chồng mỗi ngày. Chị Trúc tâm sự, bản thân hầu như không ăn ngoài trừ khi bạn bè rủ đi ăn hay tiệc tùng, còn lại 99% chị nấu ở nhà.
8X chia sẻ, ngay từ nhỏ mình đã rất thích nấu ăn, luôn muốn tìm hiểu để chế biến ra những món ăn khác nhau. Dù ngày đó ở quê ăn uống đơn sơ nên chị cũng không thể nấu ra được nhiều món phong phú. Khi học xong cấp 3, chị Trúc đã chọn học ngành công nghệ thực phẩm để học vì nghĩ có liên quan tới thực phẩm.
"Mình không có cơ hội học nấu ăn từ ai cả. Mình sinh ra ở vùng quê nhỏ ở Gia Lai, năm 7 tuổi mình về sống với ông ngoại và nấu ăn từ đó. Mỗi ngày mình đều vào bếp để nấu cho cả gia đình nhà ông ngoại có các cậu, dì và thợ nuôi ong cho cậu. Từ đó mình đam mê nấu ăn và tự tạo ra món. Bây giờ hiện đại, mình thỉnh thoảng lên facebook hay youtube để học thêm nhiều món mới", chị nói.
Vì không thích đồ ăn Tây nên năm 2017 dù mới chân ướt chân ráo sang Canada du học, chị đã tranh thù đi mua gạo và thực phẩm về để nấu món Việt. Những ngày đầu còn thiếu thốn, 8X thèm đồ Việt và rất nhớ quê nhà. Nhưng sau một thời gian, chị đã tìm được chợ Châu Á, hơn nữa khi sang Canada chị cũng mang theo 1 số loại mắm nên dần dần cũng đỡ thèm món quê. Hiện tại, chị rất may mắn khi thành phố mình đang sống có nhiều chợ Châu Á và chợ Việt nên cũng không thiếu thứ gì. 8X đã có nhiều lựa chọn để nấu đồ ăn Việt hơn nhiều.
Ở Canada, nhà chị chỉ có 2 vợ chồng không người thân nên mỗi bữa chỉ nấu cho 2 người ăn. Có lẽ vì quá bận bịu nên 1-2 tuần chị mới đi chợ 1 lần. Thực phẩm mua về như thịt, cá đều cô vợ đảm làm sạch và chia phần để đông lạnh, mỗi tối lấy để xuống ngăn mát, hôm sau đi làm về chị chỉ việc lấy ra nấu nên không mất quá nhiều thời gian. Riêng rau, 2-3 ngày chị Trúc sẽ đi chợ mua 1 lần. "Nhà mình gần chợ nên việc mua rau cũng tiện, đi bộ vài phút. Năm nay mọi chi phí cho thực phẩm tăng hơn rất nhiều so với mọi năm, thịt cá thì rẻ so với thành phố lớn ở Vietnam nhưng rau thì đắt, như năm ngoái 1 cây xà lách tầm 2-3 đô la, nhưng năm nay 5-6 đô la 1 cây", chị Trúc kể.
Là người đảm đang, nên chị Trúc vô cùng để ý đến những bữa ăn khoa học, tốt cho sức khỏe vì thế khi nấu, 8X luôn hạn chế tối đa dầu mỡ. Riêng các món chiên nướng chị sẽ dùng nồi chiên không dầu hoặc lò nướng. "Hầu như mình không chiên dầu ăn. Mình dùng dầu olive cho các món xào, salad và cũng hạn chế ăn mặn, mình thay muối trắng nấu hoàn toàn bằng muối hồng. Nhà mình đã chuyển hẳn từ cơm gạo trắng sang cơm gạo lứt được 1 năm. Vì 2 vợ chồng xa xứ nên mình chú trọng sức khoẻ nhất", chị nói.
Vì 99% ăn cơm nhà nên chị Trúc vô cùng chịu khó thay đổi thực đơn, ít khi lặp lại. Cũng vì vậy mà mỗi bữa, chị chỉ nấu vừa đủ cho 2 vợ chồng ăn, không để thừa sang hôm sau. Hơn thế, chị luôn nấu ăn theo sở thích của hai vợ chồng để bữa cơm thêm hấp dẫn hơn.
"Mình thích ăn cá, chồng mình thích thịt gà và thịt bò, do đó bữa ăn nào cũng có ít nhất 2 món cá và thịt. Rau thì không thể thiếu trong tất cả bữa ăn của nhà mình. Ngoài những bữa cơm thì mình xen bún phở, cháo, lẩu các loại…. để không bị ngán cơm. Ngoài những món Việt thì thỉnh thoảng mình nấu món Tây cho ông xã thay đổi như steak, seafood cajun… Ông xã mình là đầu bếp ở nhà hàng Nhật nên khi nào mình muốn ăn sushi hay sashimi thì ảnh sẽ làm", chị Trúc Nguyễn vui vẻ tâm sự.
Nhờ sự đảm đang, khéo léo, nấu ăn ngon mà rất nhiều bạn bè nước ngoài đến nhà chị thưởng thức, họ rất mê món chị nấu. Các món như gỏi cuốn, bún bò và phở được bạn bè nước ngoài yêu thích đặc biệt. Nhất là khi ăn món phở, họ luôn nói với chị, “Mày làm cho tao tô lớn được không? Mày có thể chỉ cho tao biết mày đã nêm cái gì vào mà nó ngon hơn khi tao ăn ở nhà hàng không?". Lâu lâu, nếu không mời họ đến nhà ăn họ sẽ nhắc đến 3 món này của chị. "Họ sẽ không bao giờ từ chối khi mình mời đến nhà ăn bún bò hoặc phở. Họ cũng xin công thức làm sốt chấm gỏi cuốn để khi ở nhà họ tự cuốn ăn", chị Trúc kể.
Với chị, bữa ăn gia đình là sự gắng kết các thành viên trong nhà với nhau. Như 2 vợ chồng chị đi làm mỗi ngày, rồi ngày nghỉ cũng không trùng nhau, vì vậy chỉ có bữa ăn tối chị và ông xã mới có thời gian bên nhau, vừa ăn vừa hàn huyên nói chuyện với nhau.
Hiện tại, sắp đến Tết Nguyên Đán ở Việt Nam nên cách đây vài ngày, chị đã trở về quê hương ăn Tết. Chị nói, đã 6 cái Tết mình không về, bản thân thật sự rất thèm, thèm được về quê với gia đình, thèm được ăn Tết cùng người thân.
"Tại Canada, mỗi khi đến Tết cổ truyền Việt Nam, sẽ có cộng đồng người Việt tổ chức tiệc để mọi người có dịp ăn Tết như khi còn ở quê nhà. Nhà mình thì không làm gì cầu kỳ, chỉ mua cái bánh chưng, nấu thịt kho trứng, làm ít dưa kiệu vì ngày Tết ở Việt Nam bên này vẫn đi làm bình thường. Mỗi cái Tết buồn và nhớ nhà lắm, nếu mình gọi cho mẹ ngày Tết, mẹ hay nói “Tội nghiệp 2 đứa quá, thương 2 đứa xa quê không được ăn Tết, thôi hay là về Việt Nam sống đi con…”. Lòng nặng trĩu chỉ muốn khóc nhưng mình không muốn cho mẹ thấy mình buồn". Chị Trúc cho biết. Thế nhưng, cuối cùng thật may, năm nay chị đã thực hiện được ước vọng đó trong niềm hân vui vẻ, hạnh phúc cùng người nhà.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3633622