Singapore nghiên cứu về vi khuẩn gây hại cho sức khỏe trên những đồng "tiền bẩn"
Tiền Singapore chứa nhiều vi khuẩn nhất là đồng tiền thu thập ở chợ thực phẩm tươi sống
Tiền bẩn như thế nào?
Đồng tiền của Singapore bẩn như thế nào, theo đúng nghĩa đen của nó? Đó là nghiên cứu mà Phó Giám đốc Viện Genome Singapore nghĩ rằng sẽ rất thú vị khi xem xét về mặt khoa học và theo ông biết thì điều này chưa từng được thử nghiệm ở Singapore. Một nghiên cứu như vậy đã được thực hiện ở thành phố New York hồi đầu năm 2017, trong đó thông tin đáng chú ý là các nhà khoa học đã phát hiện khoảng 3.000 loại vi khuẩn ẩn trong tờ 1 USD, gồm cả vi khuẩn có thể gây ra nhiễm trùng da, loét dạ dày và ngộ độc thực phẩm.
Tờ tiền của Mỹ được làm bằng cotton và linen, các vật liệu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, trong khi hầu hết các đồng tiền của Singapore được làm bằng polymer, ít tính hấp thụ hơn đồng thời có thể kết hợp các tính năng bảo mật. Theo Cơ quan Tiền tệ Singapore, đồng polymer cũng có độ bền gấp 3-4 lần so với tiền giấy. Nhưng độ “sạch” của chúng đến đâu? Để tìm hiểu vấn đề này, một chương trình của Kênh Truyền hình Channel NewsAsia đã gửi 300 mẫu tiền giấy đến các phòng thí nghiệm và kết quả đáng báo động.
Bẩn tương tự nhà vệ sinh, đế giầy
Các nhà nghiên cứu vi trùng học đã “làm việc” với các tờ tiền có mệnh giá từ 2 đến 50 đôla Singapore (SGD) được thu thập từ hơn 100 địa điểm, trong đó có cả tiền rút ra từ máy rút tiền tự động (ATM) để so sánh. Tỷ lệ vi khuẩn cao hay thấp có liên quan đến địa điểm người ta thu thập được như cửa hàng bán lẻ, bệnh viện, siêu thị và chợ thực phẩm tươi sống trên khắp Singapore.
Theo tổng kết của giảng viên cao cấp và nhà nghiên cứu, TS. Simon Tan, trường Bách khoa về Hóa học và Khoa học Đời sống Singapore, một số mẫu tiền giấy mang theo lượng vi khuẩn nhiều tương tự đế giầy hay bệ nhà vệ sinh, nghĩa là nhiều vi khuẩn hơn so với trên điện thoại thông minh hay miếng giẻ rửa bát. Trong tất cả các mẫu, tiền thu thập ở chợ thực phẩm tươi sống có lượng vi khuẩn cao nhất: trung bình 48.000 con trên mỗi tờ, gấp gần 1.000 lần so với tiền rút trực tiếp từ máy ATM. Số vi khuẩn trên tờ tiền của trung tâm bán lẻ và bệnh viện lần lượt là 3.500 và 1.000 con, trong khi ít nhất là tiền ở siêu thị: 120 vi khuẩn. Ngoài ra, trên giấy bạc 10 SGD có lưu dấu vết DNA của các loài động vật như gia súc, chó, cá, lợn, cừu và tất nhiên là DNA của con người.
Các nhà khoa học cho rằng, các gian hàng bán thịt sống và cá sống là nơi mà tờ tiền có nhiều vi khuẩn bị ô nhiễm chéo nhất vì tiền ướt là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển và lây lan. Nếu bạn có một tờ tiền ướt và để nó nằm trong ví, chính sức nóng của cơ thể tạo ra một môi trường hoàn hảo để vi khuẩn phát triển.
Những vi khuẩn này có hại thế nào?
Đáng nói, con người liên tục tiếp xúc với vi khuẩn ở môi trường xung quanh, nhưng con số không nói lên điều gì mà quan trọng là loại vi khuẩn nào. Trong trường hợp này, một trong những vi khuẩn được xác định là E. Coli, vi khuẩn chủ yếu sống ở ruột và có thể gây tiêu chảy nặng. Bên cạnh đó, có sự xuất hiện của tụ cầu khuẩn, chúng được cho là nguyên nhân gây ra viêm màng não. “Đó là những chủng có thể gây ra biến chứng chết người nhưng nếu nhiễm phải và bạn có một hệ thống miễn dịch cũng như đường tiêu hóa khỏe mạnh, bạn sẽ không gặp vấn đề gì”, TS. Simon Tan nói.
Có một điều chắc chắn, ở nước phát triển như Singapore, đồng tiền lưu thông qua tay người dân ngày càng nhiều. Người ta ước tính, nếu xếp lượng lớn tiền đang lưu thông ở Singapore, chúng sẽ bao quanh bờ biển nước này 633 vòng. Chính vì sự trao đổi liên tục như vậy nên không thể loại trừ khả năng lan truyền vi khuẩn.
Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hoặc đơn giản là những động tác dụi mắt, cầm đồ ăn sau khi vừa chạm vào tờ tiền. Ý thức được điều này, mọi người sẽ lưu ý đến sức khỏe cộng đồng hơn và hãy rửa tay sau khi cầm tiền.
“Một trong những vi khuẩn được xác định là E. Coli, vi khuẩn chủ yếu sống ở ruột và có thể gây tiêu chảy nặng. Bên cạnh đó, có sự xuất hiện của tụ cầu khuẩn, chúng được cho là nguyên nhân gây ra viêm màng não. Đó là những chủng có thể gây ra biến chứng chết người nhưng nếu nhiễm phải và bạn có hệ thống miễn dịch cũng như đường tiêu hóa khỏe mạnh, bạn sẽ không gặp vấn đề gì”.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2027853