Sát nhân mang tư tưởng bài ngoại ẩn náu trong rừng khiến nhiều người khiếp vía
Chiều 19/9/1992, đang dạo trong rừng Belanglo cách Sydney khoảng 150 km về phía tây nam, hai du khách ngửi thấy mùi lạ nên tò mò đi tìm xung quanh. Trong bụi cây rậm rạp là mô đất nhỏ phủ đầy lá rụng với một số quần áo giầy tất đã mục nát và một bộ xương. Hai người đánh dấu vị trí này trên bản đồ, sau đó hoảng hốt quay lại nội thành, đến đồn cảnh sát báo án.
Cảnh sát tới hiện trường khi trời đã muộn nên chỉ tiến hành khám nghiệm sơ bộ. Không ngờ hôm sau, họ còn phát hiện một thi thể khác cách đó không đến 30 m. Cả hai đều là phụ nữ đã phân hủy gần hết, khó xác định thân phận.
Căn cứ vị trí phát hiện thi thể và kiểu dáng quần áo còn lại, cảnh sát phán đoán hai người này rất có thể là khách du lịch bụi. Ban đầu, cảnh sát cho rằng đây chỉ là một vụ án giết người đơn lẻ, nhưng cùng với quá trình điều tra, càng ngày càng nhiều thi thể bị phát hiện.
Rừng Belanglo. Ảnh: toutiao
Sau quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn, cảnh sát xác định được hai bị hại đầu tiên là hai cô gái 21 và 22 tuổi, đều quốc tịch Anh, mất tích trên đường du lịch ngày 18/4/1992. Cơ thể đều có hàng chục vết đạn và dao đâm, song không thể phán đoán có bị xâm hại tình dục hay không.
Đặc điểm chung nhất của khách du lịch bụi chính là kinh phí có hạn, cho nên một lựa chọn vừa thuận tiện vừa tiết kiệm là xin đi nhờ xe. Nhưng không ai ngờ được lại có người chuyên nhằm vào những khách du lịch bụi xin đi nhờ xe này. Một năm trôi qua, cảnh sát vẫn không manh mối, vụ án rơi vào cục diện bế tắc.
Ngày 5/10/1993, thêm hai thi thể được phát hiện. Đối chiếu với danh sách những người mất tích, cảnh sát phát hiện họ là cặp tình nhân từ Melbourne đến đây du lịch bốn năm trước. Hai nạn nhân đều 19 tuổi, mất tích ngày 30/12/1989, chết với những vết thương tương tự những người được phát hiện trước đó. Cảnh sát bắt đầu nhận định, trong khu rừng này đang ẩn nấp một sát thủ nguy hiểm.
Để làm rõ rốt cuộc có bao nhiêu nạn nhân, cảnh sát điều động rất nhiều nhân lực, triển khai tìm kiếm kiểu trải thảm. Sau gần một tháng, cảnh sát phát hiện tổng cộng bảy người bị hại trong khu rừng này, từ năm 1989 đến 1992.
Vụ án gây ra chấn động cực lớn trong xã hội, nhiều khách du lịch bụi không dám đến rừng Belanglo. Khu rừng này vì vậy được gọi là "công viên chết chóc".
Ngày 11/11/1993, một cuộc điện thoại từ nước Anh gọi tới khiến vụ án xuất hiện cơ hội thay đổi cục diện. Người gọi xưng tên Paul, nói đã gặp hung thủ và sẵn sàng giúp phá án. Tháng 1/1990, Paul từng đến Australia du lịch một mình. Vì kinh phí có hạn nên trong lúc du lịch, anh vừa làm thuê kiếm tiền vừa tranh thủ đi đó đi đây.
Khi đến gần khu rừng đó, Paul đi nhờ xe, vui vẻ trò chuyện với tài xế là người đàn ông trung niên. Sau khi nghe nói Paul đến từ nước Anh, thái độ của tài xế đột nhiên thay đổi. Ông ta cực kì kích động, không ngừng chửi bới người di cư từ Anh và nói ra rất nhiều câu chữ mang tính thù địch người nước ngoài.
Paul sợ hãi nhưng xe vẫn đang chạy nên không biết phải làm thế nào. Khoảng một tiếng sau, xe đột ngột dừng lại ở nơi hẻo lánh bên đường. Paul nhanh mắt nhìn thấy tài xế lấy ra một khẩu súng ngắn nên vội vàng mở cửa xe bỏ chạy. Vài tiếng súng vang lên, Paul tiếp tục chạy về phía trước không quay đầu lại, cuối cùng gặp được một nữ tài xế xe tải hảo tâm.
Cô cho Paul lên xe, đưa đến đồn cảnh sát gần đó. Cảnh sát đi tới địa điểm xảy ra sự việc xem xét tình hình nhưng gã tài xế đã biến mất từ lâu. Vì Paul không nhớ biển số xe, vụ án này cũng chẳng đi đến đâu. Anh sau đó cũng về nước.
Cảnh sát lập tức mời Paul đến Australia, cùng nghiên cứu hồ sơ vụ án anh bị tấn công, tin chắc những vụ án này đều cùng một thủ phạm. Dù chủ động đề nghị phối hợp điều tra, nhưng Paul còn bận vài việc cần giải quyết nên chưa đến ngay. Hơn nữa, cơ quan điều tra cho rằng dù anh đến cũng chưa chắc thật sự giúp được gì nên cũng không yêu cầu tới ngay. Vì nguyên tắc bảo mật, cảnh sát cũng không gửi ảnh 32 kẻ tình nghi đã khoanh vùng được cho Paul.
Cảnh sát tiếp tục điều tra và phát hiện trong 32 người có một tài xế xe tải tên Ivan Milat, có mức độ tình nghi rất lớn. Ivan sinh năm 1944, từng nhiều lần ngồi tù vì tội trộm cắp, hơn nữa từng bị khởi tố vì tội Bắt cóc và Xâm hại tình dục nhưng được tuyên vô tội.
Ivan Milat. Ảnh: toutiao
Cảnh sát còn phát hiện, sau khi 7 nạn nhân được công bố, Ivan lập tức bán chiếc xe con màu bạc của mình. Điều này đúng với việc Paul từng nói, tài xế tấn công cậu ta lúc trước lái chiếc xe màu bạc. Sau khi Ivan đột nhiên bán xe, cảnh sát liệt ta vào diện tình nghi trọng điểm để triển khai điều tra.
Cảnh sát rất nhanh đã phát hiện những ngày bảy người bị hại mất tích và ngày Paul bị tấn công, Ivan đều không đến nơi làm việc. Ivan lập tức bị giám sát chặt.
Ngày 5/5/1994, Paul tới Australia, cảnh sát lập tức để lẫn ảnh của Ivan với hơn 30 người để cho nhận diện. Khi xem đến ảnh của Ivan, Paul không do dự, nói đây chính là người đã tấn công.
Ngày 22/5/1994, sau khi chuẩn bị kĩ càng, hơn 50 cảnh sát bao vây nhà Ivan, thu khẩu súng có cỡ đạn phù hợp và rất nhiều quần áo, ảnh, máy ảnh của bị hại.
Cảnh sát khám xét nhà của Ivan. Ảnh: toutiao
Ivan sau đó bị tuyên án tù chung thân không được ân xá vì tội Mưu sát. Ngày 27/10/2019, chết tại bệnh viện của nhà tù vì ung thư thực quản giai đoạn cuối.
Ivan Milat không chịu thú nhận tội ác cho đến phút cuối đời, hay tiết lộ nguyên nhân của sự căm thù vô cớ với các khách du lịch người Anh. Chuyên gia tội phạm cho rằng, cách giải thích duy nhất cho hành vi này là chủ nghĩa bài ngoại đến ám ảnh và bộ óc của một kẻ tâm thần.
Nhiều người vẫn nhận định Ivan có đồng phạm, bởi vì trong có những nạn nhân đi cùng nhau. Nếu không có người khác hỗ trợ, dù có súng, Ivan cũng rất khó đồng thời khống chế hai người.
Hiện nay phong trào du lịch bụi thịnh hành trong giới trẻ, họ vẫn thường xuyên xin đi nhờ xe để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên cũng nên đề phòng với những người tài xế xa lạ.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/sat-nhan-hang-loat-an-nau-trong-khu-du-lich-noi-tieng-4379528.html