Săn đặc sản còng gió càng đỏ như son ở vùng biển Gò Công
Còng gió là đặc sản của vùng biển Gò Công
Săn còng gió vừa để ăn vừa có thể mang đi bán để cải thiện cuộc sống. Loại còng có màu đỏ này, hiện nay, đang được nhiều thực khách gần xa ưa chuộng.
Còng gió là một loại giáp xác nhỏ hơn cua đồng, ba khía, thường sinh sống ở các bãi biển, ven sông hay dưới chân rừng ngập mặn. Từ thuở trong nôi, người miền Tây đã được nghe bên tai tiếng ầu ơ của mẹ: “Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng/ Về sông ăn cá, về đồng ăn cua”.
Còng chính là loại giáp xác tự nhiên quen thuộc và từ lâu trở thành đặc sản nơi miền Tây nói chung và của vùng biển Gò Công nói riêng. Còng có nhiều loại: còng nha, còng quều, còng xanh… thịt đều ngọt và có chất lượng gần giống nhau. Duy còng gió có thân to hơn, thịt béo hơn nên được dùng để chế biến thành nhiều món ăn độc đáo.
Còng gió thường tự làm hang trong cát để ẩn nấp
Tuỳ theo điều kiện và phương tiện hiện có mà người ta có thể có nhiều cách sáng tạo bắt còng gió khác nhau. Nếu bạn là khách tham quan du lịch thì bạn chỉ cần một cái thùng nhỏ để đựng còng, đợi thuỷ triều rút xuống là có thể cùng “đồng đội” đi dọc theo bờ biển để bắt còng gió.
Bắt còng gió theo cách này, bạn phải nhanh chân đuổi còng gió từ trong ra ngoài để cho còng gió không trốn kịp mà rút xuống ẩn mình trong cát ngay mé nước biển. Mùa này nước biển trong lắm, bạn không cần phải vội, chú ý quan sát nơi nào cát ùn lên thì thò tay xuống bắt. Bạn cần phải cẩn thận cầm hai bên mai còng, nếu chẳng may bị còng cắn thì… đau kêu váng trời.
Là loại giáp xác thuộc họ cua
Đuổi bắt còng là cách thu phục loại giáp xác này đơn giản nhất. Cách này thú vị ở chỗ bạn được vận động, trải nghiệm trực tiếp khi dùng tay chạm vào thân còng. Tuy nhiên, đây là cách chủ yếu dành cho khách thoả mãn sự tự do trải nghiệm.
Đối với những thợ săn còng chuyên nghiệp nơi vùng biển Gò Công, họ dùng cái bẫy lưới (gọi là 12 cửa ngục) để đặt còng. Khi còng di chuyển từ sông lên bãi cát thì rơi vào bẫy. Nhiều người dân chọn cách bắt còng gió làm nghề để gia tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Thân màu đỏ như son trông bắt mắt
Hiện nay, giá còng gió rơi vào khoảng vài chục nghìn đồng/ kg. Tuy nhiên, do người dân đánh bắt khá nhiều nên số lượng còng gió bị hạn chế. Do đặc điểm nhanh chết nên còng gió cũng ít khi được vận chuyển đi xa, dân quê bắt còng làm món ăn tại chỗ hoặc đông đá gửi tặng bè bạn. Cũng như các loại giáp xác thuộc họ cua khác, còng gió dù không có giá trị cao nhưng có thể chế biến thành nhiều món ngon độc đáo.
Những ai thích ăn kiểu dân dã thì nướng chính là món nhanh nhất. Còng gió bỏ mai và yếm sau đó được nướng trên bếp than củi, khi nào phảng phất mùi thơm là có thể dùng ngay. Món còng nướng này sẽ rất tuyệt vời nếu được thưởng thức ngay tại bãi biển với những cơn gió rì rào, âm thanh của những đợt sóng rền vang ắt sẽ mang đến cho bạn cảm giác thú vị.
Bún riêu còng gió
Ngoài món nướng đơn giản, con còng gió đặc sản xứ Gò Công còn có thể mang đi nấu cháo, rang muối, rang me. Nói chung, với mỗi món ăn được chế biến từ còng gió đều có những biến tấu riêng và tất cả đều lạ miệng, hấp dẫn. Đối với “dân nhậu” thì rang me hoặc rang muối làm cho tiệc rượu thêm nồng ấm phong phú hơn.
Mùi còng gió giống với cua biển, thịt mềm mang nặng vị nồng mặn xa xăm của biển khơi, nhất là 2 cái càng còng gió. Đặc biệt, còng gió có thể xay hoặc giã nhuyễn lấy nước để nấu cháo, nấu bún riêu cũng là những món ngon theo kiểu bình dân đặc trưng của người dân vùng biển.
Người dân ở Gò Công còn có một đặc sản độc đáo lấy nguyên liệu từ loại giáp xác này là làm mắm còng gió. Còng gió được đựng trong hũ, trước khi ăn cần lấy mắm ra đĩa trộn thêm chanh, ớt, đường… rồi từ từ thưởng thức dư vị đặc biệt của món ăn.
Muốn ngon hơn, bạn có thể trộn chung mắm với thịt ba chỉ ăn kèm với các loại rau sống miệt vườn thì đúng là tuyệt hảo. Nhiều bậc cao niên sở tại còn cho biết rằng, loại mắm còng này xưa kia đã được đưa vào cung dưới triều nhà Nguyễn ở Huế. Tại đây, loại mắm này được phổ biến ra khắp nơi, trở thành một đặc sản quý hiếm của vùng biển Gò Công.
Hội chợ Tết St Albans 2024
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2284047