Sai lầm khi sử dụng thuốc nhỏ mắt khiến mắt tổn thương
Với cường độ làm việc tiếp xúc nhiều với các thiết bị điện tử, đôi mắt của chúng ta rất dễ bị khô, bị mỏi, thậm chí còn khó chịu, đau đớn. Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý hay các loại thuốc khác nhau làm xoa dịu đôi mắt, giúp mắt thư giãn hơn.
Thuốc nhỏ mắt có rất nhiều loại nhưng rất ít người chú ý đến nên dùng loại nào cho phù hợp đôi mắt của mình, dùng thuốc nhỏ mắt trong bao lâu là hợp lý, dùng với tần suất như thế nào…
Sự tùy thích theo ý muốn của mình kéo theo hàng loạt sai lầm khi sử dụng thuốc nhỏ mắt khiến mắt đứng trước những rủi ro không hề nhỏ. Chúng ta cần chú ý và sửa ngay những sai lầm cơ bản khi sử dụng thuốc nhỏ mắt sau:
1. Dùng chung thuốc nhỏ mắt với người khác
Có thể có trường hợp, bạn không phát hiện ra mình bị viêm kết mạc, hay những người xung quanh bạn mắc căn bệnh này, nếu sử dụng chung thuốc nhỏ mắt là rất nguy hiểm cho cả hai.
Viêm kết mạc, nó cũng chia thành các loại như dị ứng, nhiễm trùng (vi khuẩn, vi rút)… nếu không chú ý mà sử dụng tùy tiện thuốc nhỏ mắt, có thể làm tình trạng mắt nặng thêm. Không chỉ vậy, sử dụng chung thuốc nhỏ mắt có thể gây ra nhiễm trùng chéo, lây bệnh cho nhau.
2. Thuốc nhỏ mắt chưa hết hạn vẫn có thể dùng được
Rất nhiều người không thường xuyên dùng thuốc nhỏ mắt nên có khi một lọ dùng đến tận mấy tháng. Hay có người trong quá trình điều trị về mắt, cảm thấy mắt đã tốt lên và không cần sử dụng thuốc nữa nhưng vì tiếc mà không vứt đi, để lúc khác sử dụng tiếp. Đó là các sai lầm khiến đôi mắt bạn đứng trước các rủi ro không hề nhỏ.
Trên thực tế, lọ thuốc nhỏ mắt khi được mở ra, rất dễ biến chất và sản sinh vi khuẩn. Bởi vậy, cần sử dụng càng sớm càng tốt và chỉ nên dùng trong khoảng 1 tháng. Sau 1 tháng, dù không dùng hết thì cũng nên vứt bỏ.
3. Tùy ý sử dụng thuốc nhỏ mắt
Nhiều người sẽ tự ý mua thuốc nhỏ mắt khi cảm thấy mắt khó chịu mà thậm chí không rõ tình trạng mắt mình như thế nào, nên dùng loại thuốc gì. Các thành phần trong thuốc nhỏ mắt là khác nhau, có những loại chủ yếu là nước muối sinh lý, có loại bổ sung thêm vitamin, các chất bổ mắt…
Ví dụ như sẽ có một vài loại thuốc chống chỉ định cho người bị tăng nhãn áp, nếu bị bệnh này mà không chú ý, sử dụng thuốc này rất dễ gây tổn thương mắt. Do đó, nếu mắt cảm thấy khó chịu, cần nên đến bệnh viện kiểm tra để bác sĩ kê thuốc nhỏ phù hợp nhất cho đôi mắt của bạn.
4. Sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc
Chúng ta cần phải thật cẩn thận nếu dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc. Không nên nhỏ cùng một lúc nhiều loại thuốc nhỏ mắt. Nếu phải sử dụng nhiều loại, dù là thuốc kê đơn hay thuốc không kê đơn, mỗi lần chỉ nhỏ một loại thuốc, các loại thuốc được nhỏ cách nhau ít nhất 30 phút.
5. Nhỏ thuốc vào thẳng lòng đen (giác mạc) của mắt
Thường mọi người sẽ có xu hướng nhỏ thẳng thuốc nhỏ mắt vào lòng đen, nghĩ rằng điều này sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn, nhưng thực tế không phải vậy. Điều này làm dung dịch thuốc kích thích giác mạc, khiến mắt chớp nhiều hơn, dung dịch thuốc khi đó sẽ chảy ra ngoài, làm giảm hiệu quả.
Ngoài ra, không nên chạm tay vào miệng lọ để tránh nhiễm vi trùng, vi khuẩn. Đồng thời cũng không để miệng lọ chạm vào mắt.
Cách đúng khi nhỏ mắt
- Ngửa đầu về phía sau, nhẹ nhàng kéo mí mắt dưới xuống, ánh mắt hướng lên trên; nhỏ thuốc cách mắt khoảng 1 – 2cm.
- Tiếp đó, nhỏ dung dịch ở phần lòng trắng, góc trong của mắt, chỗ rãnh mí mắt dưới (túi kết mạc).
- Kéo nhẹ mí mắt dưới để thuốc lan rộng hơn trên bề mặt nhãn cầu, tránh chảy ra ngoài. Sau đó, bạn hãy nhắm mắt nghỉ ngơi trong khoảng 5 phút.
6. Tần suất sử dụng thuốc nhỏ mắt quá nhiều trong một ngày
Nhiều người khi đang học tập hay làm việc, bỗng thấy mắt khó chịu, không thoải mái là lập tức nhỏ thuốc nhỏ mắt, thậm chí một ngày dùng hết cả một lọ. Điều này là một sai lầm. Bởi vì có một số loại thuốc nhỏ mắt có chứa các thành phần có thể gây kích thích mắt nếu sử dụng nhiều, sử dụng một cách tới tấp có thể làm tăng áp lực cho mắt.
Thông thường, thuốc nhỏ mắt không được dùng quá 5 lần/ngày. Tuy nhiên, có một số loại thuốc nhỏ mắt đặc trị, cần sử dụng theo chỉ dẫn riêng của bác sĩ để mang lại hiệu quả tốt nhất, tránh gây tổn thương cho mắt.
7. Một lần nhỏ quá nhiều
Vì một ngày không nên nhỏ nhiều hơn 5 lần, vậy chúng ta có nên tăng số lượng nhỏ mỗi lần không? Câu trả lời là không nên!
Bởi vì túi kết mạc chỉ có thể chứa tối đa 20 μL (microlit), một giọt thuốc nhỏ mắt rơi vào khoảng 30 – 40 μL, tức là một giọt là đủ. Ngoài ra, nếu lượng dung dịch thuốc nhiều sẽ làm kích thích giác mạc, gây tiết nước mắt, làm giảm nồng độ thuốc. Đồng thời, giọt thứ hai, thứ ba… nhỏ thường bị tràn ra ngoài làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mắt.
8. Dùng thuốc nhỏ mắt không đủ theo thời gian điều trị
Có trường hợp đã đi khám bác sĩ, được chẩn đoán viêm kết mạc hay bị nhiễm trùng mắt, được cho thuốc nhỏ mắt về nhà điều trị. Nhưng chỉ sử dụng trong vòng 2 – 3 ngày đã thấy mắt đỡ, không còn khó chịu nên không tiếp tục nhỏ nữa.
Tuy nhiên, thuốc nhỏ mắt để điều trị các bệnh nhất định phải tuân theo liều lượng và thời gian điều trị mà bác sĩ quy định. Nếu dừng thuốc giữa chừng, không chỉ khiến mắt chưa được điều trị dứt điểm, tăng tỷ lệ tái phát, thậm chí tăng nguy cơ kháng thuốc.
9. Cho trẻ em sử dụng thuốc nhỏ mắt của người lớn
Các cơ quan trong đó có đôi mắt của trẻ vẫn chưa phát triển hết, cần phải thận trọng hơn khi dùng thuốc. Có một số loại thuốc phù hợp dùng cho người lớn nhưng chưa chắc đã thích hợp cho trẻ em.
Ví dụ như thuốc nhỏ mắt chứa tobramycin hay levofloxacin chống chỉ định không dùng cho trẻ sơ sinh, mặc dù không đề cập đến trẻ nhỏ nhưng không nên dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.
Nếu trẻ em có khó chịu, đau, ngứa hay bất cứ vấn đề gì về mắt, nên đưa đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt. Đặc biệt không nên tùy tiện, tự ý chữa trị, sử dụng bừa thuốc nhỏ mắt để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/hang-loat-sai-lam-khi-su-dung-thuoc-nho-mat-ma-rat-nhieu-nguoi-mac-phai-20191124215210801.chn