Rủi ro của cuộc chiến kiểm soát lạm phát
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã phát đi thông điệp về khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới, nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát "leo thang", bất chấp nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể xảy ra.
Trong bài viết đăng tải trên tờ Sydney Morning Herald, chuyên gia Stephen Bartholomeusz cho biết, ngày 21/6, Thống đốc RBA Philip Lowe đã tiết lộ cơ quan này cam kết "làm mọi điều cần thiết", để đảm bảo rằng lạm phát của Australia, đang ở ngưỡng 5,2% và theo dự báo của RBA có thể sẽ đạt đỉnh 7% vào quý IV/2022, quay lại mục tiêu ổn định là từ 2-3%.
Một ngày sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố một cuộc suy thoái ở Mỹ, khi lạm phát đạt ngưỡng 8,6%, là hoàn toàn có thể xảy ra và việc "sắp xếp một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng" cho nền kinh tế nước này hiện rất khó khăn.
Ông Powell nói: "Có một rủi ro khác là chúng ta không thể khôi phục sự ổn định giá cả và chúng ta đã buộc phải cho phép lạm phát cao xâm nhập vào nền kinh tế. Nhưng chúng ta không thể thất bại trong nhiệm vụ lần này. Chúng ta sẽ quay trở lại mức lạm phát 2%".
Mặc dù khẳng định Fed không cố gắng kích động một cuộc suy thoái kinh tế mới, song vị Chủ tịch Fed nhấn mạnh rằng ông không tin điều này sẽ xảy ra, nhưng đó "chắc chắn là một khả năng".
Khi Thống đốc Lowe khẳng định RBA sẽ làm những gì cần thiết để đưa tỷ lệ lạm phát của Australia trở lại trong phạm vi mục tiêu, ông cũng xác nhận Australia sẽ tiếp tục tăng lãi suất, cho tới khi nguy cơ lạm phát ở mức cao không còn nữa.
Nhà lãnh đạo của RBA đã chỉ ra mối liên hệ rất trực tiếp giữa lạm phát và tiền lương, cho rằng lương tăng 3,5% là bền vững, nhưng mức tăng không nên dựa "một cách máy móc" trên tỷ lệ lạm phát. Bởi điều này có thể dẫn đến xuất hiện mô hình xoắn ốc tiền lương-giá cả-lãi suất.
Trước đó, Ủy ban Công bằng Việc làm (FWC) của Australia đã công bố mức tăng lương tối thiểu 5,2% cho người lao động, để bù đắp cho những tổn thất thu nhập do lạm phát gây ra. Động thái của FWC nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Công đảng mới, đồng thời làm dấy lên những lời kêu gọi từ phong trào công đoàn và ngay trong nội bộ Chính phủ Australia về việc cần tiến hành tăng lương phù hợp với tỷ lệ lạm phát trong tương lai.
Tuy nhiên, Thống đốc Lowe cảnh báo nếu có sự đột phá về tiền lương, điều đó có nghĩa là RBA sẽ buộc phải tăng lãi suất nhiều hơn mức có thể và về mặt thực tế, việc đó sẽ gây thắt chặt chính sách tiền tệ, từ đó tác động ngược trở lại thu nhập của người lao động và làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Cả ông Lowe và ông Powell đều đang báo hiệu một sự thay đổi cơ bản trong các chính sách tiền tệ của Australia và Mỹ. Từ việc cố gắng cân bằng lạm phát với kết quả của thị trường lao động, giờ đây, họ chỉ tập trung duy nhất vào lạm phát, chấp nhận rằng điều đó có thể dẫn đến việc nền kinh tế sẽ phục hồi chậm lại và gần như chắc chắn là sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và giảm tiền lương thực tế.
Hiện tỷ lệ lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm và tại Australia là cao nhất kể từ năm 2000. Cả hai ngân hàng trung ương đều không có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.
Họ không muốn đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nhưng chính sách tiền tệ là một công cụ thô sơ, do đó không thể triển khai cùng một lúc hai mục tiêu. Cùng với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, cả RBA và Fed đều đang tập trung hoàn toàn vào lạm phát, ngay cả khi điều đó có nghĩa là tăng trưởng thấp hơn và thất nghiệp nhiều hơn.
Quang cảnh bên ngoài trụ sở Ngân hàng Dự trữ Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông Bill Dudley, vào tuần trước, tuyên bố rằng suy thoái kinh tế của Mỹ sẽ xuất hiện trong vòng 12 đến 18 tháng tới, vì trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ của Fed tập trung vào lạm phát sẽ không dừng lại.
Ông Powell đang cố gắng tránh những sai lầm xảy ra vào các năm 1960 và 1970, khi lạm phát cao buộc Fed phải có một phản ứng rất gay gắt, dẫn đến kết quả là nền kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng.
Australia cũng đã trải qua hiện tượng tương tự vào đầu những năm 1990. Theo lời của cựu Thủ tướng Australia Paul Keating lúc đó là "Australia buộc phải suy thoái".
Thách thức đối với RBA và Fed, cũng như các đồng nghiệp của họ tại châu Âu hay một số quốc gia khác trên thế giới, nơi mà tỷ lệ lạm phát đang ngày càng leo thang, là có những yếu tố gây tăng tỷ lệ lạm phát toàn cầu vượt quá tầm kiểm soát của họ. Một số yếu tố có thể chỉ là nhất thời, nhưng một số yếu tố đã cho thấy xu hướng vĩnh viễn đáng chú ý.
Trên thực tế, rất khó có thể tách các yếu tố ảnh hưởng dài hạn và cấu trúc ra khỏi các yếu tố ngắn hạn. Thế giới đang trải qua thời kỳ đại dịch, phản ứng của các ngân hàng trung ương, cùng với chính phủ của họ gây ra tác động đáng kể cho hoạt động kinh tế toàn cầu và các chuỗi cung ứng. Toàn bộ các yếu tố này đã châm ngòi cho lạm phát, sau rất nhiều thập kỷ "ngủ Đông".
Một số yếu tố có thể là nhất thời, như sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng ngay cả khi có một số dấu hiệu tích cực, quá trình chuyển đổi vẫn có thể kéo dài hơn so với kỳ vọng hiện tại và tiếp tục dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa hay tăng giá. Điều này thể hiện rõ nét qua thời hạn chờ đặt hàng xe ô tô mới và giá xe tăng "chóng mặt".
Đại dịch COVID-19, các lệnh phong tỏa, cùng khuynh hướng thay đổi trong cấu trúc và hệ thống việc làm cũng được phản ánh trong thị trường lao động bị thắt chặt, với việc các công ty đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhân viên, tiền lương thì tăng lên.
Chính sách "Không COVID" (Zero COVID) của Trung Quốc, mặc dù gần đây đã có dấu hiệu "hạ nhiệt", nhưng vẫn tạo ra tác động đến sự sẵn có của một loạt các mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng, ngay cả khi nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn cầu đã tăng mạnh trở lại.
Để đối phó với đại dịch, chính phủ tại các nền kinh tế lớn đã "bơm" tiền vào nền kinh tế của họ bằng những chương trình hỗ trợ hào phóng và kích thích tài khóa rộng rãi hơn, bổ sung thêm vào một hệ thống các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng, lãi suất và chi phí tín dụng cực thấp, khiến người tiêu dùng có mức tiết kiệm kỷ lục.
Sau đó, cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra và phương Tây quyết định áp dụng hàng loạt lệnh trừng phạt với Nga, gây biến động thị trường nhiên liệu, đẩy giá năng lượng và lương thực tăng bùng nổ.
Với xu hướng phát triển của dịch COVID-19, không thể cho rằng đại dịch đã "ở sau lưng chúng ta" và chuỗi cung ứng sẽ sớm hoạt động bình thường trở lại. Cuộc xung đột ở Ukraine có thể tiếp diễn trong một thời gian khá dài.
Trong khi đó, năng lực cung cấp ngũ cốc và phân bón của Ukraine cho thị trường thế giới lại bị suy giảm nghiêm trọng và ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga đang bị suy thoái, do các lệnh trừng phạt, cũng như việc cắt đứt khả năng tiếp cận với công nghệ và chuyên môn của phương Tây.
Giá dầu đã giảm trở lại mức của hai tuần trước và có thể giúp giảm bớt một số áp lực lạm phát, nhưng lý do của sự sụt giảm đó là do thị trường dự đoán nhu cầu sẽ thấp hơn, vì các nhà giao dịch đã tính toán đến viễn cảnh suy thoái và nhu cầu giảm.
Việc lèo lái dòng tiền chảy trong nền kinh tế của các ngân hàng trung ương đòi hỏi sự tinh tế và khoa học. Nếu RBA và Fed có thể kiểm soát và đưa tỷ lệ lạm phát trở lại phạm vi mục tiêu của họ, mà không buộc nền kinh tế suy thoái, thì những nỗ lực của họ sẽ là "kiệt tác" của ngân hàng trung ương./.
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/cai-gia-phai-tra-cua-cuoc-chien-chong-lam-phat/249103.html