Quần đảo Solomon tức giận nói Úc can thiệp vào công việc nội bộ
Trước thực tế này, Australia đề nghị tài trợ cho cuộc bầu cử này tuy nhiên hành động này của Australia đã khiến cho chính quyền Quần đảo Solomon tức giận.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare. Nguồn: AP
Hôm 6/9, Chính phủ Quần đảo Solomon ra tuyên bố cho biết “thời điểm mà Ngoại trưởng Australia Penny Wong thông báo về việc Australia mong muốn được tài trợ cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở nước này là không phù hợp”.
Tuyên bố cũng cho hay “chính phủ Quần đảo Solomon đánh giá cao lời đề nghị của Australia” song Solomon cho rằng, Australia can thiệp vào công việc nội bộ của nước này khi tin tức về việc này được báo chí công bố đúng vào lúc Quốc hội Solomon chuẩn bị thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi nhằm lùi thời điểm bầu cử muộn hơn 7 tháng so với kế hoạch. Chính phủ Solomon cho biết hành động này “tấn công vào nền dân chủ nghị viện và là sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước này”.
Trước đó, chính phủ Solomon cho rằng, nước này không đủ nguồn lực để cùng lúc tổ chức 2 sự kiện lớn trong năm 2023 là Đại hội thể thao Thái Bình Dương và cuộc tổng tuyển cử vì vậy đã đệ trình lên Quốc hội dự thảo Hiến pháp sửa đổi để lùi thời điểm bầu cử chậm hơn 7 tháng so với kế hoạch.
Trước thực tế này, vào ngày 1/9 vừa qua, Australia đã gửi thư tới chính phủ Solomon đề nghị tài trợ để nước này tổ chức bầu cử. Thời điểm Australia chuyển lời đề nghị cũng đúng vào lúc dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đưa ra thảo luận lần đầu tiên tại Quốc hội nước này. Dự kiến, dự thảo Hiến pháp sửa đổi sẽ được thảo luận lần thứ 2 tại Quốc hội Solomon và báo chí Australia cho rằng nhiều khả năng dự thảo sẽ được thông qua tại phiên họp này.
Ngoại trưởng Australia Penny Wong cho biết, lời đề nghị hỗ trợ Solomon tổ chức tổng tuyển cử không phải là để đáp lời đề nghị của phe đối lập tại Solomon mà trong quá khứ Australia cũng đã từng hỗ trợ nền dân chủ tại Solomon và nay lại tiếp tục đưa ra đề nghị hỗ trợ. Ngoại trưởng Penny Wong cho biết Ausralia đưa ra lời đề nghị còn chính quyền quần đảo Solomon sẽ quyết định cách thức phản ứng đối với đề nghị này.
Theo truyền thông Australia, nước này từng đưa ra các lời đề nghị hỗ trợ về hậu cần và tài chính cho các cuộc bầu cử gần đây tại Quần đảo Solomon, trong đó có cả cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2019. Khi đó, Australia đã tài trợ 700.000 AUD thông qua Ủy ban Bầu cử Australia và 5 triệu AUD thông qua sáng kiến của Liên Hợp Quốc được thiết kế nhằm tăng cường các quy trình bầu cử đến năm 2024. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Australia cho biết, nếu cuộc bầu cử được tổ chức tại Quần đảo Solomon vào năm 2023 thì Australia sẽ tiếp tục ủng hộ nước này để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra thành công.
Quan hệ giữa Australia và Quần đảo Solomon gia tăng căng thẳng sau khi Solomon ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc vào hồi đầu năm 2022 khiến dư luận khu vực lo ngại thỏa thuận này có thể mở đường cho việc Trung Quốc hiện diện hải quân ở nước này, nơi cách Australia chưa đầy 2.000km./.
Article sourced from VOV.