Quá trình Ukraine gia nhập EU có thể kéo dài hơn chục năm nữa
Liên minh châu Âu (EU) cuối tháng 6 khởi động đàm phán kết nạp Ukraine, một thập kỷ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea trong động thái phản đối nỗ lực xích lại gần phương Tây của Kiev. Chỉ vài giờ sau, EU cũng khởi động quy trình tương tự với Moldova.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal mô tả đây là "ngày lịch sử" đánh dấu chương mới trong quan hệ của Kiev với EU, đặc biệt là khi cuộc chiến của Nga đang diễn ra.
"Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trên con đường gia nhập. Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi đã chứng minh rằng mình có thể hành động nhanh chóng và đạt được điều tưởng như không thể", ông Shmyhal nói.
Từ trái qua phải: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels, Bỉ hồi tháng 2/2023. Ảnh: AP
Việc khởi động quá trình đàm phán gửi đi tín hiệu đoàn kết mạnh mẽ với Ukraine, ngoài hỗ trợ tài chính ước tính 100 tỷ USD mà EU đã cung cấp. Đây cũng là biểu hiện ủng hộ dành cho Moldova, quốc gia cũng phải đối mặt với những thách thức từ Nga.
Hai nước nộp đơn xin gia nhập EU vào năm 2022, không lâu sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine. Dù khối ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, con đường gia nhập EU của cả hai nước dự kiến đều không dễ dàng.
Hungary, thành viên EU nhưng cũng giữ lập trường thân thiện với Nga, đã trì hoãn một số đề xuất của khối dành cho Ukraine, trong đó có viện trợ quân sự và tài chính.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói ông sẽ chặn bất kỳ nỗ lực khởi động đàm phán nào của Ukraine. Ông Orban cuối cùng không dùng quyền phủ quyết, song giới quan sát cảnh báo lãnh đạo Hungary có nhiều cơ hội để có thể khiến Ukraine thất vọng. Hungary sẽ tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên của EU vào tháng 7, với nhiệm kỳ 6 tháng.
"Chúng tôi vẫn trong giai đoạn đầu của quá trình xem xét. Rất khó để nói Ukraine đang ở giai đoạn đầu. Theo những gì tôi thấy, họ còn lâu mới đáp ứng tiêu chí gia nhập", Bộ trưởng Bộ các vấn đề châu Âu của Hungary Janos Boka nói.
Con đường trở thành thành viên EU yêu cầu các ứng viên phải đáp ứng loạt tiêu chí trước khi tham gia chương trình đàm phán chi tiết, gồm nhiều vấn đề từ tiêu chuẩn kinh tế tới pháp quyền. Tổng cộng có 35 chương đàm phán và phải nhận được đồng ý từ tất cả 27 quốc gia thành viên EU. Quá trình khởi động, đàm phán và hoàn tất 35 chương dự kiến mất hơn 10 năm đối với Moldova và Ukraine.
Tuy nhiên, cả Moldova và Ukraine đều chưa đáp ứng được các tiêu chí để đạt đến giai đoạn đàm phán này, theo Luke McGee, nhà phân tích của CNN. Việc đáp ứng tiêu chí đặc biệt phức tạp với Ukraine, khi nước này vẫn đang trong cuộc chiến ác liệt với Nga.
Moldova cũng đối mặt những khó khăn, thách thức riêng trong nước. Vùng ly khai Transnistria đang tìm cách xích lại gần Nga, trong khi chính phủ nước này hướng về châu Âu.
"Transnistria vẫn được quốc tế công nhận là một phần của Moldova, song không phải không hợp lý khi một số người cho rằng quốc gia này không thể gia nhập EU khi vấn đề này chưa được giải quyết", McGee nói.
Ngoài ra, giới quan sát cho rằng còn một khía cạnh chính trị có thể làm phức tạp thêm quá trình gia nhập EU của Moldova và Ukraine. Việc kết nạp thêm hai nước Đông Âu được cho là sẽ mang thêm gánh nặng tài chính cho các thành viên còn lại, khi Ukraine và Moldova nhiều khả năng trở thành bên nhận nguồn ngân sách của EU. Điều đó sẽ khiến các nước EU hiện tại phải tăng ngân sách chi tiêu.
Vị trí các nước thành viên và ứng viên EU. Đồ họa:
Ukraine là nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu. Sau khi gia nhập, nước này dự kiến tác động rất lớn đến chính sách nông nghiệp chung của EU. Những tranh cãi đã phát sinh liên quan tới Ukraine và Ba Lan là một ví dụ.
Ba Lan là một trong những nước ủng hộ Ukraine nhiệt thành nhất kể từ khi xung đột bắt đầu. Tuy nhiên, Ba Lan đã cấm Ukraine xuất khẩu ngũ cốc sang nước này vì điều đó gây tổn hại lợi ích của nông dân trong nước. Cuộc cãi vã leo thang tới mức Warsaw từng đình chỉ hỗ trợ quân sự cho Kiev.
Giới phân tích thêm rằng các quốc gia đông Âu có quan điểm chính trị khá khác biệt so với nhóm tây và nam Âu. Điều đó có thể khiến một số thành viên EU muốn trì hoãn hoặc thậm chí cản trở quá trình kết nạp thành viên mới, nếu liên minh không đưa ra một số biện pháp bảo vệ vị thế của họ.
Khởi động quá trình đàm phán là thời điểm quan trọng đối với những nước hy vọng gia nhập khối. Song các nhà quan sát cho biết trên thực tế, các cuộc đàm phán ban đầu này chủ yếu mang tính biểu tượng và vẫn còn chặng đường dài chờ đợi hai quốc gia để có được tư cách thành viên đầy đủ.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/chang-duong-dai-cho-ukraine-trong-tham-vong-gia-nhap-eu-4762661.html