Phương Tây phớt lờ lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga

02:00' 07-06-2024
Lời đe dọa về vũ khí hạt nhân từ Nga dường như không còn khiến phương Tây quá lo ngại, khi họ tăng cường hỗ trợ Ukraine bất chấp lằn ranh đỏ của Moskva.


    Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/5 thông báo lực lượng nước này bắt đầu giai đoạn đầu tiên của cuộc diễn tập mà Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu, mô phỏng kịch bản triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở khu vực gần biên giới Ukraine. Vũ khí hạt nhân chiến thuật là những đầu đạn cỡ nhỏ, không gây ra sức hủy diệt quá lớn, có thể được dùng để đạt lợi ích cục bộ trên chiến trường.

    Mục tiêu của cuộc diễn tập là đảm bảo các đơn vị sẵn sàng cho trường hợp "sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để đáp trả và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cùng chủ quyền nhà nước Nga trước những tuyên bố khiêu khích và lời đe dọa của quan chức phương Tây".

    Giới phân tích cho rằng cuộc diễn tập hạt nhân của Nga được xem như tín hiệu cảnh báo phương Tây ngừng can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Ukraine. Thông điệp răn đe này được phát đi sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ý tưởng triển khai binh sĩ NATO tới Ukraine, điều mà nhiều đồng minh phương Tây phản đối vì lo ngại leo thang xung đột trực tiếp với Nga.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước tiếp tục cảnh báo các nước NATO không được phép "bật đèn xanh" cho Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tập kích lãnh thổ Nga. Ông đe dọa về những "hậu quả nghiêm trọng" phương Tây có thể phải đối mặt nếu vượt qua "lằn ranh đỏ" của Nga và nói rằng một số nước châu Âu "nên nhận thức rõ rằng họ có lãnh thổ nhỏ và đông dân", dường như ám chỉ về hậu quả của đòn tấn công hạt nhân.

    Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngay sau đó tiếp tục đưa ra thông điệp trực diện và gay gắt hơn. Ông nhấn mạnh phương Tây sẽ phạm "sai lầm chết người" khi nghĩ rằng Nga không sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm vào Ukraine.

    "Đây không phải hăm dọa hay nói đùa. Xung đột quân sự hiện nay với phương Tây đang diễn tiến theo kịch bản tồi tệ nhất có thể", ông nói.

    Tổng thống Nga Putin trong sự kiện kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít ở thành phố Volgograd hồi tháng 2/2023. Ảnh: Reuters

    Tổng thống Nga Putin trong sự kiện kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít ở thành phố Volgograd hồi tháng 2/2023. Ảnh: Reuters

    Dmitry Suslov, thành viên Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng ở Moskva, tháng trước thậm chí đề xuất Nga nối lại thử hạt nhân để cảnh báo phương Tây "không vượt lằn ranh đỏ".

    "Cần cân nhắc thực hiện một vụ nổ hạt nhân phô diễn sức mạnh để cho thấy ý định nghiêm túc của Nga và khiến các đối thủ của chúng tôi hiểu rõ Moskva sẵn sàng leo thang", Suslov nói.

    Nga sở hữu khoảng 1.558 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, có thể gắn trên tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm, ngư lôi, phóng từ máy bay hoặc bắn từ pháo, theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ. Theo học thuyết hạt nhân của Nga, Tổng thống Putin là người ra quyết định cuối cùng về sử dụng vũ khí hạt nhân. Điện Kremlin khẳng định học thuyết hạt nhân này quy định Moskva chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ khi quốc gia bị đe dọa, không khai hỏa "theo cảm tính".

    Nga đã nhiều lần phát thông điệp hạt nhân để răn đe phương Tây kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022. Tuy nhiên, sức nặng từ những thông điệp này đang suy giảm, theo Gideon Rachman, nhà phân tích của FT.

    Những lời cảnh báo về nguy cơ xung đột hạt nhân của Moskva đã không thể ngăn cản một số quốc gia NATO, trong đó có Mỹ, tăng cường hỗ trợ Ukraine bằng cách cho phép nước này sử dụng vũ khí phương Tây tập kích mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

    "Mỹ và các đồng minh châu Âu hiện không còn quá lo ngại về những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga như 18 tháng trước", Rachman cho hay.

    Giới quan sát cho rằng động thái của các nước NATO cũng phản ánh lo ngại của họ về tình hình chiến trường và khả năng Ukraine thua trận. Do đó, họ buộc phải chấp nhận rủi ro cao để giúp đồng minh Ukraine tiếp tục cuộc chiến với Nga.

    Đây là bước thay đổi lớn trong quan điểm của phương Tây so với thời điểm Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine. Khi đó, nhiều nước NATO thậm chí lo rằng việc cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho Ukraine cũng có thể khiến họ đối mặt xung đột trực tiếp với Nga, cường quốc hàng đầu thế giới về vũ khí hạt nhân.

    Mối lo này đã khiến các nước phương Tây liên tục tranh cãi về quyết định chuyển giao những khí tài hạng nặng như tên lửa tầm xa, xe tăng và tiêm kích cho Ukraine. Song tình hình chiến trường ở Ukraine đã buộc các nước phương Tây chấp nhận cung cấp những khí tài đó, vượt qua những giới hạn mà Nga coi là "lằn ranh đỏ".

    Mỗi lần như vậy, Nga đều phản ứng bằng những tuyên bố quyết liệt, nhưng phương Tây không phát hiện bất cứ thay đổi nào trong lực lượng hạt nhân của Moskva. Điều đó thúc đẩy các thành viên NATO tiếp tục hỗ trợ Ukraine nhiều hơn.

    Tuy nhiên, giới quan sát lưu ý điều này không đồng nghĩa Mỹ và đồng minh không còn lo lắng về nguy cơ hạt nhân từ Nga. Một số quan chức phương Tây vẫn e ngại khả năng leo thang xung đột hạt nhân từ việc cho phép Ukraine dùng vũ khí tập kích lãnh thổ Nga.

    Đây được coi là lý do hàng đầu Mỹ vẫn cấm Ukraine khai hỏa tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS vào lãnh thổ Nga, do lo ngại nguy cơ vũ khí này bị nhầm là đầu đạn hạt nhân.

    Xe bị thiêu rụi sau vụ tập kích ở thành phố Belgorod, Nga ngày 22/3. Ảnh: AFP

    Xe bị thiêu rụi sau vụ tập kích ở thành phố Belgorod, Nga ngày 22/3. Ảnh: AFP

    Các nhà hoặc định chính sách Mỹ tin rằng quyết định cho phép Ukraine dùng những vũ khí tầm bắn 70-80 km tập kích mục tiêu bên kia biên giới Kharkov khó có thể khiến Nga tung đòn đáp trả hạt nhân. Hai kịch bản được Washington đề cập nhiều nhất về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là trường hợp lực lượng của họ sắp bị đánh bại trên chiến trường hoặc quân đội Ukraine đe dọa Crimea, bán đảo mà Nga sáp nhập năm 2014.

    Lần gần nhất thế giới tiến sát ngưỡng cửa khủng hoảng hạt nhân vì Ukraine là vào tháng 10/2022, khi Nga hứng chịu nhiều thất bại trong cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine, khiến họ bị đẩy lùi khỏi Kharkov và Kherson. Các quan chức phương Tây khi đó đã thực sự lo ngại kịch bản Nga chuẩn bị tiến hành các cuộc tập kích bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật để ngăn đà phản công của Ukraine.

    Cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine cuối cùng cũng dừng lại do không có đủ quân và vũ khí để tiến xa hơn, tạo điều kiện để Nga củng cố phòng tuyến và đánh bại chiến dịch phản công mùa hè năm ngoái mà Kiev phát động.

    Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đó cũng giúp phương Tây thiết lập cách ứng phó với mối đe dọa hạt nhân của Nga, khi chúng có nguy cơ xảy ra cao, theo nhà phân tích Rachman.

    Bước đầu tiên mà NATO vạch ra là trao đổi trực tiếp với Nga bằng thông điệp mạnh rằng phương Tây sẽ can dự trực tiếp vào xung đột Ukraine nếu vũ khí hạt nhân chiến thuật được khai hỏa. Hai là nói chuyện với các cường quốc khác, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, để họ ra mặt cảnh báo Nga, bởi một cuộc xung đột hạt nhân sẽ gây hậu quả khó lường cho cả thế giới.

    "Hiện tại, cách thức ứng phó này chưa cần áp dụng, nhưng nó có thể phải được đưa ra lần nữa trước khi xung đột Ukraine thật sự chấm dứt", Rachman nhận định.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/thong-diep-hat-nhan-cua-nga-o-ukraine-giam-suc-nang-4753984.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ