Phương Tây hết biện pháp mới đối phó Nga

20:00' 28-03-2022
Lãnh đạo phương Tây họp bàn cách ứng phó Nga, nhưng giới quan sát nhận thấy họ chỉ xoay quanh các biện pháp đã có, thay vì tung ra phương án mới. 


    Tổng thống Joe Biden đã dự ba hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo phương Tây tại Brussels, Bỉ trong ngày 24/3 để bày tỏ lập trường thống nhất phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế, viện trợ cho người tị nạn, tăng cường lực lượng NATO đến Đông Âu và chuẩn bị cho tình huống Nga leo thang căng thẳng ở khu vực.

    Nhưng loạt hội nghị cũng cho thấy Mỹ và các đồng minh dường như đã đạt tới giới hạn trong nỗ lực tạo ra phản ứng thống nhất với cuộc xung đột lớn nhất châu Âu trong hơn nửa thế kỷ, theo Michael D. Shear và Matina Stevis-Gridneff, hai nhà bình luận của NY Times.

    Bốn tuần trước đó, ông Biden và đồng minh đã gây bất ngờ với phản ứng nhanh và mạnh, tập hợp phần lớn thế giới chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng qua ba hội nghị thượng đỉnh lần này, cảm giác bế tắc trên chiến trường Ukraine giờ đây cũng xuất hiện trong hành lang ngoại giao, nơi các lãnh đạo phương Tây gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện bước đi mới đầy ấn tượng để ứng phó Nga.

    "Trong khi tiếp tục mài dũa những công cụ mà họ đã sử dụng nhiều tuần qua để chống lại Nga, phương Tây dường như có rất ít vũ khí mới để tung ra", hai bình luận viên Shear và Stevis-Gridneff nhận định.

    Các nước châu Âu nói họ chưa sẵn sàng hứng chịu hậu quả từ lệnh cấm dầu và khí đốt Nga, nguồn năng lượng mà họ đang phụ thuộc rất lớn. Trong khi đó, ông Biden cũng nói rằng Mỹ không sẵn sàng đưa quân tới Ukraine và đối mặt nguy cơ leo thang đối đầu trực tiếp với Nga.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson, từ trái qua phải, tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ hôm 24/3. Ảnh: AFP.

    Từ trái qua: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ hôm 24/3. Ảnh: AFP.

    Hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo phương Tây diễn ra khi cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang tháng thứ hai. Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền cho biết ít nhất 1.035 dân thường đã thiệt mạng và 1.650 người bị thương kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Gần 3,7 triệu người phải di tản sang các nước láng giềng, trong tổng số hơn 10 triệu người rời bỏ nhà cửa ở Ukraine.

    Tổng thống Mỹ nói nước này sẽ tiếp nhận 100.000 người tị nạn Ukraine và hỗ trợ 1 tỷ USD cho các nước châu Âu ứng phó với làn sóng tị nạn. Ông và các lãnh đạo châu Âu cũng thông báo đợt hỗ trợ vũ khí mới cho Ukraine, nhưng không có tiêm kích như Tổng thống Volodymyr Zelensky đề nghị.

    Phương Tây lên tiếng thể hiện "quyết tâm chống lại nỗ lực phá hoại nền tảng an ninh và ổn định quốc tế của Nga", nhưng từ chối áp đặt vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine.

    Các lãnh đạo phương Tây cũng cam kết siết chặt biện pháp trừng phạt Nga, nhưng châu Âu lại từ chối áp lệnh ngừng nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga như Mỹ đã làm. Châu Âu phụ thuộc rất lớn vào năng lượng Nga, vốn mang lại cho Moskva nguồn thu khổng lồ.

    "Tôi nghĩ chúng ta đang thấy sự phân định có chủ ý giữa Liên minh châu Âu và Mỹ", Mujtaba Rahman, giám đốc phụ trách châu Âu của Eurasia Group, nói. "Không phải là rạn nứt hay chia rẽ. Thay vào đó là một thỏa thuận rằng Mỹ sẽ quyết liệt hơn châu Âu, bởi vì họ có khả năng làm như vậy".

    Phát biểu với phóng viên tối 24/3, Tổng thống Biden nói ông đã triệu tập các cuộc họp khẩn với lãnh đạo NATO, EU và nhóm G7 để Tổng thống Nga thấy liên minh sẽ không giảm quyết tâm gây sức ép kinh tế với Nga trong nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng và hơn thế nữa.

    "Chúng ta phải đoàn kết hoàn toàn, toàn diện và triệt để", Biden nói, thêm rằng ông ủng hộ loại Nga khỏi nhóm G20.

    Tuy nhiên, với Tổng thống Zelensky, những điều đó là chưa đủ. Ông ngày càng tỏ rõ bất bình khi phương Tây hạn chế viện trợ quân sự cho Ukraine, giữa lúc giao tranh vẫn diễn ra quyết liệt ở các thành phố nước này.

    Phát biểu qua video trước các lãnh đạo NATO, ông Zelensky cảm ơn sự ủng hộ của liên minh, nhưng chỉ trích họ không làm nhiều hơn. Ông mô tả đất nước của ông đang bị mắc kẹt trong "vùng xám" giữa phương Tây và Nga, theo nội dung bài phát biểu do chính phủ Ukraine công bố.

    "Hôm 24/2, tôi đã gửi cho các ông một yêu cầu hợp lý và hoàn toàn rõ ràng để giúp đóng cửa không phận của chúng tôi", Tổng thống Zelensky nói về đề nghị lập vùng cấm bay ở Ukraine. "Chúng tôi đã không nhận được câu trả lời rõ ràng".

    Ông cũng lặp lại lời kêu gọi hỗ trợ máy bay chiến đấu, dù Nhà Trắng và Lầu Năm Góc nói rằng động thái này có thể khiến phương Tây đối đầu trực tiếp với Nga. "Các ông có hàng nghìn chiến đấu cơ, nhưng chúng tôi không có", Zelensky nói. "Để cứu người dân và các thành phố của chúng tôi, Ukraine cần hỗ trợ quân sự không giới hạn".

    Bé gái người Ukraine quấn quốc kỳ quanh người khi tới biên giới Ba Lan hôm 23/3. Ảnh: Reuters.

    Bé gái người Ukraine quấn quốc kỳ quanh người khi tới biên giới Ba Lan hôm 23/3. Ảnh: Reuters.

    Nhưng phản ứng của Mỹ và các nước châu Âu không mới, khi chỉ tăng sức ép với Nga bằng các lệnh trừng phạt. Mỹ đã tung ra vòng trừng phạt mới hôm 24/3, nhắm vào hơn 300 thành viên của quốc hội và hàng chục công ty quốc phòng, đồng thời hạn chế khả năng sử dụng kho vàng dự trữ 2.300 tấn của Nga. Washington cũng áp các biện pháp trừng phạt đối với Herman Gref, chủ tịch Sberbank, một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga.

    Ông Biden và các lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng công bố một thỏa thuận cung cấp khí đốt hóa lỏng của Mỹ cho châu Âu trong năm nay. Họ cho biết thỏa thuận có thể giúp giảm phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga trong thời gian tới.

    Giới quan sát cho rằng với thực tế châu Âu không thể thống nhất về một lệnh cấm dầu và khí đốt Nga, phương Tây đã đạt tới "giới hạn mà họ tự đặt ra" trong cách phản ứng với Moskva liên quan tới chiến dịch quân sự ở Ukraine. "Lằn ranh đỏ" về nguy cơ đối đầu quân sự với Nga cũng được các lãnh đạo phương Tây thể hiện rõ hơn bao giờ hết.

    "Điều mà chúng tôi đến nay đã tránh và sẽ tiếp tục cần tránh là tình huống lực lượng NATO xung đột trực tiếp với quân đội Nga. Đó sẽ là một mức độ leo thang đáng tiếc", Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói đầu tháng này, khi cho rằng phương Tây sẽ tiếp tục tập trung vào các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga.

    Tuy nhiên, Eren Egehan Bagis, chuyên gia phân tích quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga, nhưng không răn đe được hành động quân sự của nước này. Thiếu các công cụ mới, phương Tây và NATO đang đứng trước một thất bại lớn về khả năng răn đe.

    "Các phản ứng của phương Tây đến nay không đủ để xoay chuyển tình thế", Bagis nói. "Hy vọng duy nhất là tình hình ở Ukraine sẽ không vượt khỏi tầm kiểm soát của một giải pháp ngoại giao, vốn đang ngày càng kém khả thi theo từng ngày".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Steve's Liquor Vùng: Springvale Sth. Phone: 9708 2535
Xem thêm

Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/phuong-tay-can-vu-khi-moi-doi-pho-nga-4443213.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ