Phương Tây đối diện áp lực đẩy nhanh tốc độ cung cấp vũ khí cho Ukraine

10:00' 16-02-2023
Khi đồng minh chạy đua gửi thêm vũ khí cho Kiev đề phòng cuộc tấn công mới của Nga, việc đáp ứng nhu cầu của Ukraine đối mặt nhiều thách thức.


    Các thành viên Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine do Mỹ dẫn đầu hôm nay thảo luận ở Brussels về các biện pháp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Họ đối mặt với áp lực phải tìm cách đẩy nhanh tốc độ giao hàng và cung cấp nhiều vũ khí tiên tiến hơn nữa cho quân đội Ukraine.

    "Chúng tôi đã nhận được những tín hiệu tốt, cả về tên lửa tầm xa và xe tăng, cũng như cấp độ hợp tác tiếp theo của chúng tôi là tiêm kích", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói sau chuyến thăm châu Âu tuần trước.

    Dù hầu hết đối tác phương Tây cam kết tăng viện trợ cho Ukraine khi xung đột có nguy cơ leo thang, các nước cũng phải đối mặt nhiều rào cản trong nỗ lực này.

    "Chúng tôi rõ ràng đang trong cuộc đua về hậu cần. Các khoản viện trợ then chốt như đạn, nhiên liệu và phụ tùng phải đến được Ukraine trước khi Nga có thể giành thế chủ động trên chiến trường", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói ngày 13/2.

    Tổng thống Volodymyr Zelensky (trái), Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Olaf Scholz tại Điện Elysee ở Paris, Pháp, hôm 8/2. Ảnh: Reuters.

    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Thủ tướng Olaf Scholz tại Điện Elysee ở Paris, Pháp, hôm 8/2. Ảnh: Reuters.

    Nguồn cung vũ khí hiện tại và tương lai cho Ukraine sẽ được khoảng 50 quốc gia thảo luận trong cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại trụ sở NATO. Các thành viên NATO cũng tổ chức cuộc họp bộ trưởng quốc phòng ngay sau đó để nghe đánh giá mới nhất từ các đối tác của Kiev và thảo luận về những thách thức trong tương lai.

    Cuộc họp là dịp để quan chức Ukraine chia sẻ nhu cầu mới của họ với đồng minh phương Tây, từ phòng không đến hậu cần. Đồng thời, những bên ủng hộ Kiev cũng kiểm tra tiến độ thực hiện các cam kết và khả năng sẵn có các mặt hàng viện trợ trong tương lai gần.

    Mục đích của cuộc họp là "tăng cường hỗ trợ quân sự nhiều nhất có thể", không chỉ các cam kết mà còn là các mặt hàng cần thiết được chuyển giao nhanh, theo một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu.

    Một trong những vấn đề cấp bách nhất trên bàn họp ở Brussels là làm thế nào để duy trì nguồn cung đạn cho các loại vũ khí mà phương Tây đã chuyển tới Ukraine.

    "Thảo luận về những loại vũ khí mới là điều quan trọng, nhưng nhu cầu cấp bách nhất lúc này là đảm bảo tất cả khí tài đã hoặc sắp chuyển tới Ukraine đều hoạt động tốt", Stoltenberg nói.

    Trong các cuộc họp với lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tuần trước, Tổng thống Zelensky và các cộng sự đã đưa ra danh sách vũ khí và trang thiết bị mà họ mong muốn từ mỗi quốc gia phương Tây, dựa trên khả năng của từng nước.

    Nhưng có một điểm chung trong các danh sách này. "Mục đầu tiên trong tất cả danh sách là đạn", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói. "Nếu bạn có pháo mà không có đạn, điều đó chẳng có ích gì".

    Dù Ukraine cần nguồn cung đạn rất lớn để tiếp tục chiến đấu, nguồn dự trữ của các nước phương Tây dần cạn kiệt.

    "Đây là mối lo thực sự. Không ai trong chúng tôi, gồm cả Mỹ, có thể sản xuất đủ đạn ngay bây giờ", Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nói ngày 12/2.

    Đạn cũng là mối quan tâm hàng đầu trong phiên họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO ngày 15/2, khi họ thảo luận về tăng cường sản xuất vũ khí, đạn dược và thiết bị cùng các mục tiêu chi tiêu quốc phòng trong tương lai.

    Thúc đẩy dự trữ và tăng sản xuất "đòi hỏi các đồng minh phải chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn", Stoltenberg nhấn mạnh.

    Dù người đứng đầu NATO nói rằng kế hoạch tăng kho dự trữ vũ khí đã đạt tiến bộ, một số quan chức bày bỏ thất vọng về tốc độ thực hiện.

    Thủ tướng Kallas tuần trước nêu ý tưởng EU cùng đặt hàng mua chung vũ khí, đạn dược để giúp thúc đẩy sản xuất và đẩy nhanh chuyển giao cho Ukraine, nhưng không nêu rõ liệu kế hoạch này có nhận được nhất trí của cả khối hay không và tác động của nó tới đâu.

    Hodges cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng cần tín hiệu rõ ràng hơn về nhu cầu vũ khí từ chính phủ các nước.

    "Các công ty quốc phòng cần làm nhiều hơn, nhưng họ không phải tổ chức từ thiện", ông nói. "Họ là doanh nghiệp làm ăn vì lợi nhuận, nên các nước cần có đơn đặt hàng và tiền đặt cọc trước khi họ bắt đầu kế hoạch sản xuất".

    Tiêm kích cũng là một yêu cầu hàng đầu của giới chức Ukraine, dù phương Tây dường như chưa sẵn sàng chuyển giao loại vũ khí hiện đại này. Nhiều quốc gia đã để ngỏ khả năng cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, cho thấy đây không phải vấn đề hoàn toàn bất khả thi. Tuy nhiên, thái độ do dự vẫn còn.

    Anh hiện là quốc gia đi xa nhất trong vấn đề này, khi thông báo sẽ đào tạo phi công Ukraine lái tiêm kích. Tuy nhiên, khi nói đến thời điểm cung cấp máy bay, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cảnh báo đây không phải chuyện đơn giản.

    Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói rằng chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine cũng đối mặt nhiều thách thức, khi bản thân quốc gia này cũng không có đủ chiến đấu cơ cho nhu cầu của mình.

    Cuộc tranh luận về chuyển tiêm kích cho Ukraine còn xoay quanh cả vấn đề thời gian và tính thực tiễn.

    "Câu hỏi quan trọng là họ muốn làm gì với máy bay? Không có câu trả lời rõ ràng. Họ nghĩ rằng với 50 hay 100 tiêm kích, họ có thể giành lại Donbass sao?", một nhà ngoại giao Pháp nói.

    Nhà ngoại giao này cho biết việc huấn luyện phi công Ukraine sử dụng tiêm kích phương Tây cũng là vấn đề lớn. "Sẽ mất hơn 6 tháng để huấn luyện, nên tiêm kích sẽ không đáp ứng được yêu cầu trước mắt của họ", người này nói.

    Tuy nhiên, quan chức này thêm rằng một số nước có thể gửi tiêm kích MiG cho Ukraine vì đây là loại mà họ đã quen sử dụng. Đây là một lựa chọn đang được Slovakia cân nhắc.

    "Chúng tôi muốn làm điều đó. Nhưng chúng tôi phải nghiên cứu thêm về cách thức thực hiện", một quan chức Slovakia nói, thêm rằng họ cũng cần đàm phán với Ukraine.

    Giới quan sát nhận định các nước phương Tây sẽ không đưa ra thông báo mang tính đột phá nào về chuyển giao tiêm kích sau cuộc họp hôm nay, dù vấn đề này nhiều khả năng sẽ được thảo luận.

    Thủ tướng Scholz nói chuyện cùng các binh sĩ Đức trước xe tăng Leopard 2 tại buổi huấn luyện ở Ostenholz, Đức hồi tháng 10/2022. Ảnh: AFP.

    Thủ tướng Scholz nói chuyện cùng các binh sĩ Đức trước xe tăng Leopard 2 tại buổi huấn luyện ở Ostenholz, Đức hồi tháng 10/2022. Ảnh: AFP.

    Dù các nước phương Tây đã đạt thỏa thuận cung cấp xe tăng hiện đại cho Ukraine, câu hỏi về tiến độ giao hàng cũng có thể được nêu ra trong cuộc họp.

    Giới lãnh đạo Đức nhấn mạnh rằng đã đến lúc các quốc gia ủng hộ ý tưởng gửi xe tăng cho Ukraine phải thực hiện cam kết của họ.

    "Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo nhiều nước khác sẽ có hành động thực tế, theo những gì họ đã tuyên bố. Mục tiêu của Đức là Ukraine nhận được xe tăng vào cuối tháng 3 và quá trình huấn luyện đã bắt đầu", Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói tuần trước.

    Ngoài xe tăng, một yêu cầu vũ khí khác mà giới chức Ukraine có thể đưa ra trong cuộc họp lần này là tên lửa tầm xa.

    Hodges, người ủng hộ phương Tây cung cấp vũ khí cần thiết cho Ukraine để giành lại Crimea, cho biết ông tin tên lửa chính xác tầm xa chính là chìa khóa. "Đó là cách bạn dùng chất lượng để đánh bại ưu thế về số lượng của đối phương", ông nói. "Những loại vũ khí như vậy cần được ưu tiên cung cấp cho Ukraine".



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
St Albans Heights Primary School Vùng: St Albans. Phone: 9366 4211
Xem thêm

Chúng tôi cố gắng giúp tất cả học sinh phát triển thành những người tự tin trong quá trình học tập lâu dài.


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/phuong-tay-tim-cach-dap-ung-nhu-cau-vu-khi-cua-ukraine-4570292.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ