Phú Thọ: Lạ lẫm bánh chưng đen chứa toàn vị thuốc quý, ăn một miếng thấy khỏe cả người
Đến Yên Lập những ngày này, chúng ta thấy không khí rộn ràng đón chào mùa xuân mới với những tiếng cười nói, những cánh đào đỏ thắm, những cây quất, cây mai được trưng trong nhà, đèn hoa đua sắc ngoài ngõ,...
Nói vậy để biết rằng, đời sống của người dân nơi đây đã "thay da đổi thịt", được hưởng một cuộc sống ấm no.
Tuy nhiên, điều khiến tôi ấn tượng, mong muốn được đến vùng đất này trong trời đông giá rét, mưa phùn, lại giáp Tết Nguyên đán, đó là vì được nghe về món bánh chưng thảo dược, vừa đẹp mắt, lạ lẫm, lại vừa thơm ngon bổ dưỡng của người Mường nơi đây.
Nguyên liệu để làm ra loại bánh chưng này bao gồm gạo nếp, đỗ, thịt lợn và những thảo dược của núi rừng
Đến Yên Lập bây giờ không mấy khó khăn, đường nhựa, đường bê tông đã cơ bản được trải đến tận thôn làng. Bên những sườn đồi, những ngôi nhà sàn của người Mường như điểm nhấn, tạo nét đặc trưng cho núi rừng nơi đây.
Trong ngôi nhà sàn nằm ngay bên vệ đường, từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng hát rộn ràng. Đó là những bài hát truyền thống của người Mường.
Lại gần, chúng tôi thấy những cô gái trong trang phục truyền thống người Mường đang tập trung làm bánh chưng, chuẩn bị cho những ngày Tết.
Những bàn tay thoăn thoắt rửa lá, đong gạo, thái thịt, gói bánh.
Gặp phóng viên Báo , bà Đỗ Thị Mận (xã Hưng Long, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) đon đả mời khách vào uống nước.
Theo bà Mận, mỗi độ Tết đến xuân về, ngoài việc chuẩn bị lương thực, thịt thà thì món quan trọng và mất nhiều thời gian nhất để làm, đó là món bánh chưng dược liệu (hay còn gọi món bánh chưng đen).
Công thức để làm ra bánh chưng thảo dược đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ
"Dù Tết to hay Tết nhỏ, nhà giàu hay nghèo khó, với người Mường nơi đây, bao giờ trên mâm cỗ cúng tổ tiên, đất trời cũng phải có món bánh chưng thảo dược. Món bánh chưng thảo dược này có từ lâu đời, được truyền qua bao thế hệ, đến nay vẫn giữ nguyên được nét truyền thống", bà Mận cho hay.
Cũng theo bà Mận, bánh chưng thảo dược không biết có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ khi bà còn rất nhỏ đã được ông bà, bố mẹ làm cho mà ăn.
Không những thế, như để gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình, mỗi khi gói bánh chưng thảo dược, tất cả mọi người đều tham gia. Những cháu nhỏ thì tước, rửa lá, lớn hơn thì vo gạo, thái thịt, vót lạt, những người khéo tay, có kinh nghiệm thì gói bánh.
"Nguyên liệu để làm bánh chưng thảo dược được người Mường nơi đây chọn lựa kỹ lưỡng. Đặc biệt, để tạo màu đen cho bánh, người dân chọn lá gù, lá gai, lá cầm trên rừng phơi khô rồi đốt, giã mịn hòa với nước rồi trộn vào gạo nếp, đảo đều sao cho gạo với bột than hòa quyện với nhau", bà Mận tâm sự.
Theo người dân nơi đây, các loại lá cây rừng để làm bánh chưng thảo dược không chỉ tạo cho chiếc bánh một hương vị riêng, màu sắc độc đáo, mà còn có tác dụng thanh nhiệt.
Bánh chưng dược liệu không chỉ có hương vị riêng, màu sắc độc đáo, còn có tác dụng thanh nhiệt
Để có một chiếc bánh chưng thảo dược thơm ngon, người Mường thường nấu bánh từ 8 – 10 tiếng.
Việc chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh, nấu bánh với người Mường nơi đây được xem là nét truyền thống, buộc các thành viên trong gia đình phải có mặt tham gia.
"Trong lúc chuẩn bị nguyên liệu, gói, nấu bánh, ông bà cha mẹ sẽ nói, sẽ giáo dục con cháu về truyền thống gia đình, truyền thống quê hương. Đặc biệt là động viên con cháu giữ gìn bản sắc dân tộc mình", bà Mận tâm sự.
Bánh chưng thảo dược không chỉ mang đậm chất núi rừng vùng cao, mà còn thể hiện sự sáng tạo, thành kính của người dân tộc mình với tổ tiên của mình mỗi độ Tết đến xuân về.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3068057