Philippines không kịp trở tay trước siêu bão Rai
Số người tử vong tại Philippines tiếp tục tăng nhiều ngày sau khi siêu bão Rai quét qua. Đến ngày 21/12, giới chức nước này xác định được ít nhất 375 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Hơn 400.000 người vẫn kẹt lại trong các khu sơ tán do nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại nặng nề.
Siêu bão Rai, còn mang tên Odette tại Philippines, là cơn bão thứ 15 và có sức tàn phá lớn nhất mà quốc gia này phải hứng chịu trong năm nay.
Một gia đình ở tỉnh Cebu, miền trung Philippines, ngày 18/12 thu gom tài sản còn sót lại sau khi nhà bị phá hủy do bão Rai. Ảnh: AP.
Các chuyên gia khí tượng cho hay Rai hình thành vào thời điểm bất thường, trễ hơn mùa bão từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm ở Philippines. Bão cũng đến sát kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới, khi người dân nước này kéo tới các hòn đảo du lịch để tận hưởng kỳ nghỉ.
Một trong những địa phương chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất là Bohol, điểm thu hút nhiều du khách mỗi năm nhờ bãi biển hoang sơ và các điểm lặn khám phá.
Thống đốc Arthur Yap cho biết Bohol đã ghi nhận ít nhất 96 trường hợp tử vong. Hòn đảo phải tuyên bố tình trạng thảm họa, kêu gọi chính phủ cấp ngân sách mua thực phẩm và nước sạch giải cứu người dân. Yap mô tả mức độ thiệt hại trên đảo tương đương siêu bão Hải Yến năm 2013.
Dù Philippines có nhiều kinh nghiệm ứng phó, khi hứng chịu trung bình 20 cơn bão mỗi năm, Rai vẫn là một cơn bão có diễn biến rất khó lường, khiến các địa phương khó sơ tán và chuẩn bị ứng phó kịp thời.
Khi bão Rai hình thành ở vùng biển phía đông Philippines, Cơ quan Khí tượng Quốc gia (Pagasa) sáng 16/12 nhận định đây là một cơn bão nhiệt đới và chưa chắc chắn về khả năng bão tăng cấp lúc đổ bộ vào đất liền.
Nhưng Rai tăng sức mạnh nhanh chóng ngay trước khi vào Philippines. Trong vòng 24 tiếng trước khi ập đến đất liền, Rai bất ngờ tăng cấp thành siêu bão. Khi đổ bộ vào đảo Siargao ngày 16/12, bão có sức gió 260 km/h kèm gió giật hơn 300 km/h.
Sau khi quét qua Siargao, siêu bão Rai suy yếu nhẹ và tiếp tục tràn vào các hòn đảo khác của Philippines trên đường di chuyển sang phía tây. Pagasa ghi nhận bão Rai 9 lần đổ bộ lên các đảo khác nhau của nước này với sức gió và lượng mưa khác nhau trước khi tiến ra Biển Đông, nhưng vẫn gây mưa lớn và ngập lụt trên diện rộng vài ngày sau.
Tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi người dân bình tĩnh chờ đợi hỗ trợ từ chính phủ. Ông thừa nhận các cơ quan ứng phó thiên tai không kịp trở tay trước diễn biến khí hậu cực đoan bất thường.
"Không ai lường trước được bão mạnh đến vậy", ông chia sẻ với báo giới trong chuyến thị sát vùng thiên tai cuối tuần qua.
Theo Lucio Lim Jr, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Duyên hải Philippine (PCSA), nhiều chủ tàu ở nước này chọn tránh bão ở những nơi vốn an toàn khi bão thông thường ập đến, như thị trấn Getafe và Loon ở Bohol, vịnh Cansaga ở Cebu và thành phố cảng Cebu. Tuy nhiên, sức gió mạnh và sóng lớn hơn dự báo của Rai khiến ít nhất 120 tàu bị chìm hoặc mắc cạn.
Rai là siêu bão thứ ba của Philippines trong hai năm qua và là siêu bão thứ hai ập vào nước này trong năm nay. Theo chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Richard Gordon, Rai nằm trong nhóm những cơn bão mạnh nhất lịch sử Philippines, dù mức độ tàn phá tổng thể chưa bằng siêu bão Hải Yến năm 2013 với khoảng 6.500 người thiệt mạng.
"Cuộc đời tôi chưa từng thấy cơn bão nào kinh hoàng đến vậy. Xếp loại siêu bão là vẫn còn nhẹ", Giám mục vùng Surigao Antonieto Cabajog ngày 21/12 chia sẻ.
Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines (CBCP) đã ấn định Ngày Cầu nguyện Toàn quốc cho các nạn nhân siêu bão Rai trùng với dịp lễ Giáng sinh 25-26/12.
Giới chức chính phủ lo ngại số người thiệt mạng trong đợt thiên tai này có thể tiếp tục tăng trong vài ngày tới, khi lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp cận sâu hơn những khu vực chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Nước sông ở Talisay, tỉnh Cebu, miền trung Philippines ngày 17/12 dâng cao do mưa lớn từ siêu bão Rai. Ảnh: AP.
Các chuyên gia cho rằng tình trạng bão mạnh lên đột ngột trong một thời gian ngắn đang ngày một phổ biến do biến đổi khí hậu.
Theo nhà khí tượng học Kerry Emanuel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ, những cơn bão trên thế giới trong ba thập kỷ qua đã tăng gấp đôi sức tàn phá trung bình. Nhiệt độ toàn cầu tăng khiến biển mất đi khả năng tự điều hòa. Nước biển càng ấm lên, các cơn bão càng được tiếp thêm sức mạnh.
Philippines từ sau siêu bão Ketsana vào năm 2009 đã xây dựng hệ thống cảnh báo và ứng phó khẩn cấp thiên tai toàn quốc, đặt tên là Kế hoạch Giảm rủi ro và Ứng phó Thảm họa Quốc gia (NDRRMP) có hiệu lực đến năm 2028.
Tuy nhiên, truyền thông Philippines nhận định siêu bão Rai là minh chứng cho thấy quy mô những cơn bão trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu là thách thức quá lớn đối với một chương trình ứng phó ra đời từ một thập kỷ trước.
Trong khi hàng chục nghìn nhân viên cảnh sát, quân đội và cứu hộ Philippines đang chật vật khắc phục hậu quả từ bão Rai, quốc gia này lại đang chuẩn bị hứng chịu thêm một trận bão mới tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Văn phòng Điều phối Nhân đạo Liên Hợp Quốc (UNOCHA) cho biết hiện tượng thời tiết hình thành trên Thái Bình Dương từ ngày 19/12 nhiều khả năng sẽ gây mưa lớn ở các vùng Visayas và Bicol của Philippines trong hai ngày 24 và 25/12. Hệ thống ứng phó thiên tai nước này thêm một lần báo động ngay trước thềm năm mới.
"Philippines cần mở rộng quy mô hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp, đảm bảo các cộng đồng đã bị ảnh hưởng không bị đe dọa và chịu tổn hại thêm bởi thời tiết cực đoan", UNOCHA cảnh báo.
ẩm thực đồ biển Trung Hoa ngon nhất vùng Melbourne
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/ly-do-philippines-thiet-hai-nang-truoc-sieu-bao-rai-4406337.html