Omicron ảnh hưởng lâu dài đến người bệnh như thế nào?
Nhiều quan chức y tế công cộng thường chú ý đến bằng chứng ban đầu cho thấy biến chủng Omicron có xu hướng gây Covid-19 ít nghiêm trọng hơn so với biến chủng khác.
Tuy nhiên, một câu hỏi quan trọng khác được đặt ra là liệu việc nhiễm Omicron - bao gồm cả trường hợp lây nhiễm đột phá ở người đã được tiêm chủng - có thể dẫn đến tình trạng Covid-19 kéo dài (hội chứng ảnh hưởng đến thể chất, thần kinh và nhận thức của con người trong suốt nhiều tháng dù đã âm tính với virus) hay không, theo New York Times.
Vẫn còn quá sớm để các nhà khoa học kết luận về mối liên hệ giữa Omicron, tiêm chủng, và hội chứng Covid-19 kéo dài. Một số nghiên cứu đã phác thảo được sơ bộ vấn đề này, dù nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp.
Omicron có thể gây ra Covid-19 kéo dài không?
Biến chủng Omicron lần đầu tiên được xác định vào cuối tháng 11/2021, nên còn quá sớm để xác định các triệu chứng có thể tồn tại trong bao lâu. Hiện cũng chưa có bằng chứng cho thấy liệu Omicron có thể dẫn đến sương mù não hoặc mệt mỏi thường xuyên sau khi người bệnh âm tính với virus hay không.
Người mắc Covid-19 kéo dài thường mệt mỏi, yếu cơ, khó ngủ, lo lắng... Ảnh: Financial Times. |
Dù các báo cáo gần đây cho thấy Omicron có thể gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với biến chủng khác, các triệu chứng cơ bản khi nhiễm Omicron cũng tương tự nhiễm các chủng còn lại.
Nghiên cứu từ những làn sóng dịch trước đó chỉ ra rằng nhiều người có triệu chứng ban đầu nhẹ hoặc không có triệu chứng vẫn phải chịu đựng Covid-19 kéo dài trong nhiều tháng.
Vì vậy, rất có thể Omicron cũng gây ảnh hưởng lâu dài tương tự cho người bệnh.
Vaccine có thể ngăn ngừa Covid-19 kéo dài không?
Theo các nhà khoa học , vaccine chủ yếu ngăn ngừa bệnh nặng hoặc tử vong do nhiễm SARS-CoV-2. Với một số biến chủng trước đó, vaccine dường như làm giảm khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, vaccine có hiệu quả rất thấp trong việc ngăn chặn lây nhiễm Omicron, khiến số lượng ca nhiễm đột phá ngày càng phổ biến.
Một nghiên cứu lớn, công bố trên tạp chí về bệnh truyền nhiễm của Lancet, đã được thực hiện dựa trên dữ liệu của 1,2 triệu người trưởng thành ở Anh nhận được ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19 từ tháng 12/2020 đến tháng 7/2021. Nghiên cứu cho thấy chỉ có 5% người lây nhiễm đột phá sau khi đã tiêm 2 liều vaccine báo cáo triệu chứng Covid-19 kéo dài ít nhất 28 ngày. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người không tiêm là 11%.
Một nghiên cứu lớn khác cũng cho thấy kết quả tương tự. Nghiên cứu của Arcadia - một công ty dữ liệu chăm sóc sức khỏe - và Liên minh Phục hồi Bệnh nhân Covid-19 (CPRA) đã phân tích hồ sơ của khoảng 240.000 bệnh nhân Covid-19 vào tháng 5/2021.
Người nhiễm Omicron dù thường ít bị bệnh nặng hơn so với nhiễm các biến chủng khác, nhưng vẫn có thể mắc các triệu chứng Covid-19 kéo dài. Ảnh: Getty. |
Nghiên cứu phát hiện ra rằng những người đã tiêm dù chỉ một liều vaccine ngừa Covid-19 trước khi bị bệnh có khả năng báo cáo từ 2 triệu chứng Covid-19 kéo dài từ 12 đến 20 tuần thấp hơn từ 7 đến 10 lần so với người không tiêm.
Nghiên cứu - do Giám đốc khoa học dữ liệu Michael Simon và Giám đốc y tế Richard Parker của Arcadia thực hiện - cũng phát hiện ra rằng những người nhận liều vaccine đầu tiên sau khi nhiễm virus có ít khả năng gặp phải Covid-19 kéo dài hơn người chưa được chủng ngừa.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác - do các nhà nghiên cứu ở Anh thực hiện - phân tích hồ sơ bệnh án của khoảng 20.000 bệnh nhân ở Mỹ. Nghiên cứu so sánh khoảng 10.000 người đã tiêm vaccine Covid-19 với 10.000 người chưa tiêm ngừa Covid-19 nhưng đã tiêm ngừa cúm.
Nghiên cứu cho thấy việc tiêm vaccine trước khi bị nhiễm virus không làm giảm nguy cơ mắc các triệu chứng Covid-19 kéo dài. Dữ liệu gợi ý rằng những người được tiêm chủng có thể có ít nguy cơ mắc các vấn đề lâu dài về nhận thức và hô hấp bất thường, nhưng những kết quả đó chưa đủ để kết luận.
Các tác giả nói rằng họ thu thập dữ liệu dựa trên hồ sơ sức khỏe điện tử, nên nghiên cứu chỉ có thể ghi nhận những bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng nhất, chứ không thể tiếp cận được những trường hợp không tư vấn khám chữa.
Vaccine có cải thiện các triệu chứng Covid-19 kéo dài không?
Khi vaccine lần đầu tiên được tung ra, một số bệnh nhân Covid-19 kéo dài nói rằng các triệu chứng như sương mù não, đau khớp, khó thở và mệt mỏi của họ đã được cải thiện sau khi tiêm phòng.
Tuy nhiên, nhiều người không thấy sự khác biệt nào về các triệu chứng của họ sau khi tiêm chủng, và một tỷ lệ nhỏ cho biết họ cảm thấy tồi tệ hơn.
Tàn tích của virus trong cơ thể được cho là một nguyên nhân của hội chứng Covid-19 kéo dài. Ảnh: AFP. |
Một nghiên cứu của Văn phòng Thống kê Quốc gia ở Anh cho thấy một liều vaccine có thể làm giảm 13% tỷ lệ mắc Covi-19 kéo dài, và liều thứ 2 làm giảm tỷ lệ này thêm 9%. Nghiên cứu được khảo sát người trong độ tuổi 18 - 69 báo cáo các triệu chứng trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 9/2021.
Các chuyên gia cho biết nguyên nhân gây ra Covid-19 kéo dài vẫn chưa rõ ràng. Một số giả thuyết hàng đầu cho rằng tình trạng này có thể liên quan đến tàn tích của virus hoặc vật chất di truyền còn sót lại của chúng, hay do các vấn đề về viêm nhiễm, lưu thông máu từ phản ứng miễn dịch quá mức.
Akiko Iwasaki, một nhà miễn dịch học tại Yale, nói rằng vaccine có thể giúp giảm các triệu chứng đau do dấu tích của virus gây ra, nếu kháng thể do vaccine tạo ra loại bỏ được những tàn dư đó. Tuy nhiên, ở những người có triệu chứng do phản ứng miễn dịch, vaccine có thể chỉ giúp ích tạm thời và các vấn đề như mệt mỏi có thể tái phát.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/omicron-gay-benh-nhe-nhung-con-mot-cau-hoi-quan-trong-khong-kem-post1291058.html