Nước Mỹ sục sôi tranh cãi để cứu lấy Internet
Sự việc xảy ra trước lễ Tạ ơn vài ngày đã dấy nên một làn sóng phản đối dữ dội trên cả cộng đồng Internet và bên ngoài đời thực. Reddit, một trong những trang web sở hữu cộng đồng mạng lớn dường như muốn nổ tung khi tất cả bài viết đều xoay quanh chủ đề này và dán nhãn đỏ "khẩn cấp".
Tính chất nghiêm trọng của sự việc lớn đến nỗi tất cả các bài viết lên trang nhất hôm ấy của New York Times đều xoay quanh chủ đề bảo vệ Net Neutrality. Theo BattleForTheNet.com, trong vòng 24 giờ, có hơn 200.000 cuộc gọi đến văn phòng Quốc hội Mỹ nhằm phản đối quyết định trên.
"Cộng đồng mạng lúc này đang bốc hỏa. Trong suốt sự nghiệp của một nhà hoạt động cho sự phát triển Internet, tôi chưa từng gặp chuyện nào như thế này cả", Evan Greer, thủ lĩnh của Fight for the Future chia sẻ.
Net neutrality là gì?
"Net neutrality" (tính trung lập của Internet) thuật ngữ ra đời lần đầu năm 2003, được đặt bởi giáo sư luật truyền thông Đại học Columbia Tim Wu, là một nguyên tắc cho rằng mọi loại dữ liệu trên mạng Internet đều có tính chất bình đẳng như nhau.
Do đó, các nhà cung cấp mạng không có quyền ưu tiên bất cứ loại dữ liệu thuộc bất kỳ công ty, tập đoàn nào, cũng như tính phí phát sinh khi người dùng truy cập các trang web nhất định.
Nếu như việc bãi bỏ quy định về Net Neutrality được thông qua, các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) sẽ có quyền chặn các ứng dụng, website mà họ không thích hoặc yêu cầu người dùng trả thêm phí nếu muốn truy cập các dịch vụ này. Khi đó, người dùng có thể phải trả thêm tiền để được truy cập các trang web như Google, Reddit, Facebook, Wikipedia, Netflix…
Hình ảnh minh họa cho tốc độ truy cập Internet khi Net Neutrality bị xóa bỏ. |
Năm 2007, Hiệp hội báo chí Mỹ phát hiện Comcast, nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn thứ hai nước Mỹ cố ý làm giảm tốc độ kết nối trong mạng lưới mạng ngang hàng (peer to peer) làm người dùng không thể chia sẻ dữ liệu.
"Dù vô tình hay hữu ý, Comcast đã vi phạm nguyên tắc Net Neutrality", Peter Svenson, cây bút của NBC News cho hay.
Theo Fotune, dự luật bãi bỏ Net Neutrality được khởi xướng vào năm 2015 dưới thời tổng thống Barrack Obama và bị bác bỏ. Tuy nhiên, Ajit Pai, chủ tịch FCC từng có thời gian làm việc cho nhà cung cấp dịch vụ mạng Verizon lại là người khơi lại sự việc trên. Bộ luật bãi bỏ Net Neutrality hiện chỉ có 5 người thuộc FCC có quyền quyết định thông qua và thực thi. Tuy nhiên, đã có 3 trong số 5 người đồng ý thông qua dự luật.
"Một trong số ba người kia phải thay đổi ý định trước khoảng thời gian 14/12, ngày quyết định số phận của Internet", một người dùng trên Reddit chia sẻ.
Lễ Tạ ơn không nghỉ của dân Mỹ
"Internet luôn đề cao tính tự do và cạnh tranh. Những hành vi chặn đứng hay cắt giảm tốc độ hoặc thu thêm phí truy cập đối với bất kì loại dữ liệu nào trên Internet là đi ngược lại quy luật phát triển thời đại số", đại diện Google phát biểu.
Chính vì thế, vấn đề trên vấp phải làn sóng phản đối và quyết liệt của đa số người dùng Internet tại Mỹ. Nổ phát súng đầu tiên là cộng đồng người dùng Reddit, họ đăng tải các bài viết phân tích tính đúng sai, những hình ảnh châm biếm nhằm giúp người dùng hiểu sâu hơn vấn đề, đồng thời kêu gọi mọi người cùng biểu tình phản đối vào ngày 13/12.
Reddit nhuộm đỏ trong ngày Net Neutrality dự tính bị xóa bỏ. |
Tiếp theo, trang web Change.org cho khởi động nhiều bài kêu gọi kí tên phản đối. Chỉ trong vòng 2 ngày, đã có hơn 21 bài viết cùng với hàng ngàn chữ kí được ghi nhận.
Tất cả các tập đoàn lớn Facebook, Google, Netflix đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề trên qua việc gửi tâm thư đến Ajit Pai mong FCC có biện pháp phù hợp cùng với một nhóm 1.000 các công ty khởi nghiệp.
"Bảo vệ Net Neutrality là bảo vệ sự phát triển trường tồn của nước Mỹ" là thông điệp mà họ gửi đến Ajit Pai.
Vấn đề trên không chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng Internet tại Mỹ. Theo trang Medium, Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về tương lai của Internet nếu như dự luật này được thông qua, ông khẳng định cần phải giữ lại Net Neutrality bằng bất cứ giá nào.
"Chúng ta cần phải bảo vệ Net Neutrality. Đây điều rất cần thiết đối với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ nhằm nâng cao tính cạnh tranh và giúp họ tránh khỏi nguy cơ cá lớn nuốt cá bé", ông Justin Trudeau trả lời.
Làn sóng phản đối xóa bỏ Net Neutrality còn lan rộng trong nội bộ FCC. Theo tờ Los Angeles, Jessica Rosenworcel, một nhân viên trong FCC đã đăng bài phản đối trên tờ báo này có tựa đề "Tôi làm việc ở FCC. Xin mọi người hãy ngăn chúng tôi lại".
'Chúng tôi ủng hộ bãi bỏ Net Neutrality'
Tuy nhiên, có rất nhiều công ty, tập đoàn ủng hộ dự luật bãi bỏ Net Neutrality, đa số họ đều thuộc lĩnh vực bưu chính viễn thông như AT&T, Verizon, CenturyLink.
"FCC không phải muốn triệt tiêu Net Neutrality hoàn toàn, họ chỉ muốn kiểm soát môi trường Internet vốn rất hỗn loạn một cách hợp pháp và những ISP như chúng tôi đương nhiên luôn muốn điều tốt nhất cho Internet", Craig Sillman, chủ tịch hội đồng tập đoàn Verizon chia sẻ.
Biếm họa về việc chính phủ loại bỏ Net Neutrality vì một môi trường Internet trong sạch. |
Đồng thời, các nhà mạng đinh ninh rằng họ không hề có ý định cắt giảm tốc độ truy cập hay bắt người dùng trả thêm phí, hoặc cố ý chặn những trang web gây bất lợi cho chính họ nếu như dự luật bãi bỏ Net Neutrality được thông qua vào 14/12 năm nay.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/nuoc-my-suc-soi-tranh-cai-de-cuu-lay-internet-post799361.html