Nửa thế kỷ gia tộc Assad trỗi dậy và sụp đổ ở Syria

11:54' 12-12-2024
Gia tộc Assad đã điều hành Syria hơn 5 thập kỷ với nhiều chính sách cứng rắn, châm ngòi 14 năm nội chiến dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền.


    Sau Thế chiến II, Syria trở thành quốc gia bất ổn nhất ở Trung Đông, với ít nhất 8 cuộc đảo chính được thực hiện từ khi chế độ thực dân Pháp kết thúc vào năm 1946 cho đến năm 1970.

    Hafez al-Assad, một sĩ quan không quân, đã chấm dứt điều đó khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 1971. Là thành viên cộng đồng Alawite thiểu số ở quốc gia có 74% dân số là người Hồi giáo dòng Sunni, tổng thống Hafez duy trì quyền lực bằng cách khai thác khác biệt về hệ tư tưởng giữa các nhóm tôn giáo và dân tộc ở Syria.

    Tình trạng mất cân bằng quyền lực giữa người Alawite với người Sunni chiếm đa số cùng những nhóm sắc tộc lớn khác như Cơ đốc giáo, Druze và Kurd đã tạo ra chia rẽ sâu sắc trong xã hội Syria, buộc tổng thống Hafez phải đối phó bằng các biện pháp cứng rắn. Ông cũng gây tranh cãi vì trấn áp những người bất đồng chính kiến bằng mạng lưới trại giam trải khắp đất nước.

    Một trong những sự kiện đáng chú ý nhất dưới thời Hafez là việc quân đội Syria đánh bại phong trào phản kháng do tổ chức Anh em Hồi giáo khởi xướng ở thành phố Hama vào năm 1982 bằng chiến dịch khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

    Người đứng đầu gia tộc Assad cũng tìm cách thể hiện quyền lực trên khắp khu vực, biến đất nước thành một thế lực đáng gờm ở Trung Đông. Dưới thời Hafez, quân đội Syria đã cùng Ai Cập phát động cuộc chiến với Israel năm 1973 và can thiệp vào cuộc nội chiến ở Lebanon, chiếm đóng một số khu vực của nước này.

    Khi ông Hafez qua đời vào năm 2000, chính phủ đã thay đổi hiến pháp đất nước, hạ độ tuổi cần thiết để trở thành tổng thống từ 40 xuống 34 nhằm giúp con trai ông, Bashar al-Assad, lên nắm quyền.

    Vợ chổng tổng thống Hafez al-Assad (hàng trước) trong một bức ảnh chụp chung với các con vào năm 1993. Ảnh: Wikipedia

    Vợ chồng tổng thống Hafez al-Assad (hàng trước) trong một bức ảnh chụp chung với các con vào năm 1993. Ảnh: Wikipedia

    Là người ham đọc sách, có phần vụng về trong giao tiếp xã hội và được đào tạo với chuyên ngành bác sĩ phẫu thuật mắt, Bashar trở thành người kế nhiệm sau khi anh trai ông, Basil, qua đời trong một tai nạn xe hơi năm 1994.

    Sau khi lên nắm quyền, Bashar đã công bố các kế hoạch cải cách chính trị và xã hội, nhưng sớm từ bỏ khi nhận ra chúng đòi hỏi phải phá bỏ di sản của cha ông. Ông đã điều hành đất nước bằng chính sách cứng rắn trong 24 năm qua, giống như cách cha ông từng làm suốt 30 năm trước đó.

    Năm 2011, trong bối cảnh các cuộc nổi dậy nổ ra trên khắp Trung Đông vì phong trào "Mùa xuân Arab", nhiều thanh niên Syria phẫn nộ vì tình trạng thiếu việc làm đã tham gia biểu tình chống lại chính quyền Tổng thống Assad.

    Ông Assad đã ra lệnh cho lực lượng an ninh trấn áp mạnh tay, biến phong trào biểu tình đường phố phi bạo lực thành một cuộc nội chiến đẫm máu.

    "Bashar lên nắm quyền trong bối cảnh nhiều người nghi ngờ rằng ông không có đủ ý chí để điều hành đất nước bằng 'nắm đấm sắt' như cha mình đã làm", Firas Maksad, chuyên gia về Syria, học giả tại Viện Trung Đông ở Washington, cho biết. "Ông ấy muốn chứng minh mình xứng đáng là con trai của ông Hafez. Và theo cách nào đó, Bashar đã vượt qua cả cha".

    Năm 2015, khi quân nổi dậy do các nhóm vũ trang Hồi giáo Sunni dẫn dắt dường như sắp lật đổ ông, Tổng thống Assad đã quay sang Iran, Hezbollah và Nga để cầu cứu. Chiến dịch can thiệp của Nga cùng sự hỗ trợ của Iran và Hezbollah đã giúp quân đội chính phủ Syria đảo ngược tình thế, đẩy lùi các nhóm phiến quân và nổi dậy.

    Việc Assad vẫn duy trì được quyền lực bất chấp cuộc nội chiến khiến nhiều người tin rằng ông sẽ nắm quyền cho đến khi sẵn sàng truyền lại chiếc ghế lãnh đạo cho con trai mình.

    Gia tộc Assad xây dựng cơ sở quyền lực từ cộng đồng Alawite, nhóm thiểu số là một nhánh của Hồi giáo dòng Shiite. Những người ủng hộ ông đề cao câu khẩu hiệu "Assad hoặc chúng tôi sẽ đốt cháy đất nước".

    Vị thế của Tổng thống Assad suốt những năm qua không ngừng được củng cố bởi "vòng tròn thân tín" gồm các thành viên gia tộc, như em trai Maher, một chỉ huy quân sự nóng tính, chị gái Bushra, người mệnh danh là "quý bà thép", cùng chồng bà, Asef Shawkat, một quan chức tình báo nhiều toan tính, hay người vợ Asma.

    Maher al-Assad, 56 tuổi, là gương mặt chủ chốt trong cả quân đội Syria và liên minh với Iran khi nắm giữ vai trò chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Syria và sư đoàn trưởng Sư đoàn Thiết giáp số 4 tinh nhuệ nhất.

    Maher được mô tả là "bộ mặt cứng rắn của chính quyền", chịu trách nhiệm giám sát cả dân quân Shabiha, lực lượng bảo vệ lợi ích cho chính quyền Assad.

    Năm 2011, ông bị EU trừng phạt vì vai trò trong cuộc đàn áp người biểu tình chống chính phủ. Maher cũng bị cáo buộc có liên quan đến vụ nổ súng năm 1999 vào anh rể của ông, Asef Shawkat, và bị nêu tên là nghi phạm trong vụ ám sát thủ tướng Lebanon Rafik Hariri năm 2005.

    Sinh năm 1960, Bushra al-Assad là chị gái duy nhất của Tổng thống Assad và là một dược sĩ. Bà cũng được biết đến như một tiếng nói cứng rắn trong chính quyền và đóng vai trò quan trọng với nhiệm vụ thư ký cho em trai.

    Vào giữa những năm 1990, bà kết hôn với Shawkat. Bushra có mối quan hệ căng thẳng với vợ của Bashar, Asma. Theo cựu nhà ngoại giao Syria Mohammed Daoud, Bushra từ lâu đã ngăn cản Asma đảm nhận danh hiệu "đệ nhất phu nhân" Syria vì bà muốn giữ lại nó cho mẹ mình, Anisa Makhlouf.

    Anisa, góa phụ của cố tổng thống Hafez, là người kín đáo và ít được nhắc tên. Tuy nhiên, theo giới quan sát, bà luôn nắm quyền quyết định cuối cùng trong mọi vấn đề của gia đình.

    "Các quyết định đều được thảo luận tập thể trong vòng tròn thân cận của gia đình, nhưng Anisa luôn có tiếng nói định đoạt", Wael al-Hafez, thành viên phe đối lập Syria hiện sống lưu vong, cho hay.

    Asma là vợ ông Assad, kết hôn vào tháng 12/2000. Bà sinh năm 1975 tại London trong một gia đình ngoại giao Syria, có bằng khoa học máy tính và văn học Pháp tại Đại học Hoàng gia London.

    Bà đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hình ảnh của chồng như một nhà cải cách ôn hòa. Năm 2005, bà thành lập một tổ chức khuyến khích thanh niên Syria tham gia "quyền công dân tích cực".

    Tổng thống Bashar al-Assad phát biểu trước các thành viên mới của quốc hội tại Damascus, Syria, tháng 8/2020. Ảnh: Reuters

    Tổng thống Bashar al-Assad phát biểu trước các thành viên mới của quốc hội tại Damascus, Syria, tháng 8/2020. Ảnh: Reuters

    Dưới sự lãnh đạo của Assad và các thành viên trong gia tộc, Syria đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trước nội chiến. Tuy nhiên, kể từ khi nội chiến nổ ra năm 2011, kinh tế Syria trở nên trì trệ và liên tục sụt giảm. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2021, GDP Syria đã giảm tổng cộng 54%, với GDP thực tế dự kiến tiếp tục giảm 1,5% trong năm nay, theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (WB).

    Tính đến năm 2022, đói nghèo đã ảnh hưởng đến 69% dân số, tương đương khoảng 14,5 triệu người. WB cho biết đói nghèo cùng cực, gần như không tồn tại trước nội chiến, đã ảnh hưởng đến hơn 25% dân số Syria vào năm 2022 và có thể còn trở nên tồi tệ hơn do ảnh hưởng của trận động đất tháng 2/2023.

    Sau hơn 10 năm xung đột, hàng triệu người đã chạy trốn khỏi Syria đến các quốc gia lân cận, trong khi khoảng 500.000 người đã thiệt mạng hoặc mất tích.

    Nền tảng chống đỡ cho chính quyền Assad bắt đầu lung lay khi Iran và Hezbollah bị suy yếu nghiêm trọng vì cuộc xung đột với Israel, còn Nga thì ngày càng bị phân tâm vì chiến sự ở Ukraine.

    Quân đội chính phủ cũng ngày càng rệu rã, ngay cả khi Tổng thống Assad thực hiện nỗ lực cuối cùng để lôi kéo sự ủng hộ của họ bằng cách ra lệnh tăng lương 50% vào tuần trước.

    Chính quyền của ông đã sụp đổ hôm 8/12, chỉ sau 11 ngày nhóm vũ trang Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) cùng các lực lượng đồng minh nổi dậy. Khi phiến quân hướng về Damascus từ phía bắc và phía nam đêm 7/12, Tổng thống Assad đã lên máy bay rời khỏi đất nước, đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền được gia tộc ông xây dựng hơn nửa thế kỷ.

    Ông không có bài phát biểu công khai nào trong những ngày cuối cùng nắm quyền và không xuất hiện trước công chúng, ngoại trừ những bức ảnh chụp tại cuộc họp với Ngoại trưởng Iran.

    "Ông ấy không nói lời an ủi nào với chúng tôi, và chúng tôi rất thất vọng", một phụ nữ giấu tên ở Latakia, người vẫn ủng hộ nhiệt thành Tổng thống Assad, cho hay.

    Binh lính chính phủ và đồng minh bị các tay súng phiến quân bắt  trên con một con đường nối giữa thành phố Homs và thủ đô Damascus, Syria, hôm 8/12. Ảnh: AP

    Binh lính chính phủ và đồng minh bị các tay súng nổi dậy bắt làm tù binh trên con một con đường nối giữa thành phố Homs và thủ đô Damascus, Syria, hôm 8/12. Ảnh: AP

    Các nhóm nổi dậy, từng thất bại trước quân đội chính phủ, cuối cùng đã lật đổ được chính quyền Assad. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ giao tranh, các thành phố chính của Syria giờ đây chỉ còn là đống đổ nát với dân số nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 40 đã bị suy giảm nghiêm trọng.

    "Cả cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đều bị phá hủy hoàn toàn", Ayman Abdel Nour, bạn đại học cũ của Tổng thống Assad, người đã gia nhập phe đối lập vì phẫn nộ trước tình trạng trì trệ của đất nước, cho hay.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nua-the-ky-gia-toc-assad-troi-day-va-sup-do-o-syria-4825416.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ