Nông dân Trung Quốc dùng lợn để vay thế chấp ngân hàng
Thịt lợn vốn là thực phẩm chính trong các bữa ăn của người Trung Quốc. Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào năm 2018, giá thịt lợn tại nước này tăng lên mức kỷ lục. Lo ngại giá cả tăng sẽ đẩy lạm phát lên cao, chính phủ Trung Quốc khuyến khích nông dân tái đàn và mở rộng phạm vi chăn nuôi tại các trang trại lớn.
Tuy nhiên, đối với những trang trại nhỏ, chiếm khoảng một phần ba trong hàng triệu trang trại nuôi heo tại Trung Quốc, lại đối mặt với nợ nần do không đủ điều kiện vay vốn.
Vào tháng 9/2019, giới chức ngân hàng và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc yêu cầu các tổ chức tài chính tăng cường hỗ trợ đối tượng này. Đáng chú ý, các chuyên gia đã đề xuất thử nghiệm chương trình cho vay vốn thông qua thế chấp lợn.
Giới chức Trung Quốc đề xuất các nhà băng thực hiện chương trình cho phép nông dân vay vốn thông qua thế chấp lợn. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Tới tháng 3 năm nay, các ngân hàng Trung Quốc bắt đầu cho phép nông dân sử dụng lợn, quyền sử dụng đất và máy móc nông nghiệp làm tài sản thế chấp. Đối với những nông dân có dưới 500 con lợn, nhiều ngân hàng còn giảm tới 90% tiêu chuẩn giúp họ có thể tiếp cận các khoản vay.
Tính tới tháng 6, nông dân tại 32 huyện trên địa bàn tỉnh Chiết Giang đã được tạo điều kiện vay tổng cộng 178 triệu NDT (26 triệu USD) bằng cách thế chấp lợn. Trong khi đó, một công ty chăn nuôi lợn tại Trùng Khánh còn vay được số tiền gấp 4 lần khoản vay thông thường nhờ thế chấp đàn lợn với ngân hàng địa phương. Lãi suất từ đó cũng giảm từ 7,4% xuống còn 5%.
Việc cho vay thế chấp bằng gia súc đã diễn ra ở nhiều quốc gia. Tại Mỹ, một số ngân hàng cho phép nông dân vay ngắn hạn thông qua tài sản thế chấp bằng gia súc hoặc mùa màng.
Tuy nhiên, số tiền mà nông dân vay được thông qua chương trình này còn chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với quy mô tài chính của toàn hệ thống ngân hàng. Một số tổ chức cũng không sẵn sàng thực hiện hoạt động cho vay này.
Yanyan Liu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Lương thực Quốc tế, cho biết các ngân hàng sẽ phải chịu rủi ro từ việc định giá lợn và thu giữ chúng nếu nông dân không trả được nợ. "Giao dịch với các trang trại nhỏ lẻ không mang lại nhiều ý nghĩa kinh tế với các ngân hàng. Và đó là lý do khiến họ e ngại”, bà giải thích.
Trong khi đó, Feng Yonghui, chuyên gia phân tích tại cổng thông tin về ngành chăn nuôi lợn Soozhu.com lại cho biết các ngân hàng thường định giá thấp các đàn lợn khi nông dân mang ra thế chấp. Bên cạnh đó, họ cũng yêu cầu nông dân nộp thêm các tài sản khác như máy móc, xe cộ.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: http://news.zing.vn/nong-dan-trung-quoc-the-chap-lon-vay-hang-chuc-trieu-usd-post1130864.html