Nỗi ám ảnh của đội cứu hộ sau thảm kịch rơi máy bay ở Indonesia
Willy làm việc cùng đội tìm kiếm cứu hộ tại cảng Tanjung Priok, Indonesia sau vụ máy bay rơi. (Ảnh: SCMP)
Cảng Tanjung Priok ở Bắc Jakarta là nơi xử lý hơn một nửa giao dịch hàng hóa của Indonesia. Tuy nhiên sau khi xảy ra vụ máy bay mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Lion Air rơi ở ngoài khơi biển Java vào sáng ngày 29/10, cảng Tanjung Priok đã trở thành nơi tập kết thi thể của các nạn nhân, mảnh vỡ của máy bay và đồ đạc của những hành khách cũng như phi hành đoàn trên chuyến bay định mệnh.
Một trong những người tham gia công tác tìm kiếm cứu hộ các nạn nhân trong vụ rơi máy bay những ngày vừa qua là Willy. Anh là thợ ảnh làm việc cho Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia, hay còn gọi là Basarnas.
Trong khi các thợ lặn và những nhân viên cứu hộ khác đang lùng sục khắp khu vực rộng 15 hải lý để tìm kiếm manh mối về thân máy bay cũng như hộp đen chứa dữ liệu của máy bay Boeing 737 Max 8, nhiệm vụ của Willy là chụp ảnh các thi thể mà đội cứu hộ mang lên bờ tại cảng Tanjung Priok.
Trong quá trình làm việc, Willy đã chứng kiến nhiều bộ phận không còn nguyên vẹn trên cơ thể các nạn nhân, thậm chí cả thi thể của một trẻ sơ sinh.
“Thi thể của một đứa trẻ, tôi chỉ nhìn thấy còn lại phần thân. Tôi rất thương xót cho các hành khách. Chụp những bức ảnh như vậy khiến tôi rất đau lòng. Mỗi ngày tôi chụp tới hơn 1.000 bức ảnh. Ngoài các mảnh vỡ máy bay, tôi cũng chụp các vật dụng cá nhân được tìm thấy như ví, túi xách, thẻ căn cước, tiền, giày.
“Tôi sẽ làm việc ở đây cho tới khi tìm thấy hộp đen”, Willy nói, đồng thời chia sẻ rằng anh mới làm công việc này hơn một năm.
Wawan là một trong số các thợ lặn được triển khai tới khu vực gần cảng Tanjung Priok để tìm kiếm xác máy bay gặp nạn. Wawan ban đầu tới khu vực tìm kiếm vào lúc 8 giờ sáng, song không thể tiếp tục công việc do tầm nhìn bị hạn chế.
“Ở độ sâu từ 10-25m, tầm nhìn rất kém. Chúng tôi đã tìm thấy những đôi giày và dép, nhưng chúng tôi không thể lặn sâu hơn 25m vì dưới đó toàn là bùn”, Wawan chia sẻ.
Khi được hỏi cảm giác nếu tìm thấy các bộ phận cơ thể người trôi dạt trên biển, phản ứng của Wawan rất đơn giản.
“Đó là công việc của tôi. Cơ thể của tôi cũng có những bộ phận như vậy”, Wawan nói.
Thi thể một nạn nhân được đội cứu hộ đưa lên bờ. (Ảnh: Reuters)
Rahmat Awing, một đồng nghiệp của Wawan, cho biết anh đã lặn xuống độ sâu khoảng 22m nhưng vướng phải lưới đánh cá.
“Chúng tôi đã lặn xuống 4 vị trí nhưng vẫn chưa tìm thấy thân máy bay. Nhiệm vụ cuối cùng của chúng tôi là tìm kiếm các nạn nhân, thân máy bay và hộp đen”, Awing cho biết.
Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia Hadi Tjahjanto hôm nay 31/10 cho biết Basarnas đã xác định được vị trí được cho là nơi có xác máy bay JT610 dưới đáy biển. Trong khi đó, lãnh đạo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia Soerjanto Tjahjono cho biết đội tìm kiếm cứu hộ đã nghe thấy tiếng ping được cho là phát ra từ hộp đen của máy bay gặp nạn ở khoảng cách 30-40m dưới mặt nước ngoài khơi bờ biển phía bắc Indonesia.
Ông Tjahjono tin rằng đội tìm kiếm cứu hộ chắc chắn sẽ tìm thấy hộp đen của máy bay vì họ đã thấy “có tín hiệu mạnh”. Sau khi tìm được hộp đen, đội cứu hộ có thể phát hiện thân máy bay ở gần đó. Việc thu hồi hộp đen cũng giúp các nhà chức trách Indonesia biết được lý do máy bay chở 189 người rơi xuống biển sau 13 phút cất cánh từ sân bay ở Jakarta.
Tại cảng Tanjung Priok, những lều tạm đã được dựng lên để làm nơi nghỉ ngơi cho lực lượng Basarnas, Hội Chữ Thập đỏ, cảnh sát, quân đội, tình nguyện viên, phóng viên. Trong khi đó, các xe cứu thương và trực thăng cũng xếp hàng chờ sẵn để ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/noi-am-anh-cua-doi-cuu-ho-sau-tham-kich-roi-may-bay-o-indonesia-2018103121461702.htm