Nợ công Pháp đạt đỉnh 3.300 tỷ euro

14:25' 25-12-2024
Không có khả năng thắt chặt chi tiêu, nợ công Pháp đạt đỉnh 3.300 tỷ euro đến cuối quý III và dự báo tăng tiếp đến năm 2030. - VnExpress


    Theo thông tin của Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), quý trước, tổng nợ của nhà nước, chính quyền địa phương và an sinh xã hội tăng 71,7 tỷ euro. Con số này đưa quy mô nợ công Pháp lên 3.300 tỷ euro, tương đương 113,7% GDP.

    INSEE dự báo nợ công tiếp tục tăng trong ít nhất 5 năm tới và chiếm 120% GDP vào 2027. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cảnh báo nếu chính phủ Pháp không hành động kiên quyết, nợ công vẫn tăng đến 2030.

    Trước đó, hôm 14/12, Moody's bất ngờ hạ bậc tín nhiệm của Pháp xuống mức "Aa3", từ "Aa2". Mức này ngang với ngưỡng đánh giá xếp hạng các tổ chức khác như Standard & Poor's và Fitch.

    Nêu lý do, tổ chức này cho rằng hiện chính phủ mới của Pháp có rất ít khả năng giảm quy mô thâm hụt tài chính một cách bền vững sau năm 2025. "Chúng tôi dự báo tài chính công của Pháp sẽ yếu hơn đáng kể trong ba năm tới so với kịch bản cơ sở tháng 10/2024", công ty này cho biết.

    Máy kéo và cỏ khô của nông dân vây Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs-Elysees, Paris ngày 1/3. Ảnh: AFP

    Máy kéo và cỏ khô của nông dân vây Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs-Elysees, Paris ngày 1/3. Ảnh: AFP

    Trước mắt, nợ công của Pháp chắc chắn tăng trong năm 2025. Tại dự thảo ngân sách chưa được thông qua, chính phủ Pháp dự kiến thâm hụt khoảng 140 tỷ euro vào năm sau.

    Theo Thủ tướng François Bayrou, việc "luật đặc biệt" tối giản được thông qua tuần trước để duy trì các khoản chi tiêu trong ít nhất vài tháng tới chỉ làm tăng thâm hụt, nếu chính phủ không có các biện pháp chủ động tăng thuế hoặc giảm chi tiêu công. Đó là chưa kể đến chi phí phục hồi sau cơn bão Chino - thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất nhiều thập kỷ tại Pháp, đã tàn phá Mayotte ngày 14/12.

    Mức thâm hụt ngân sách của quốc gia này có thể dao động 5,5-7% GDP, thay vì mức 5% GDP như kỳ vọng, khiến họ phải vay thêm đáng kể. Antoine Deruennes, Tổng giám đốc Agence France Trésor - cơ quan chịu trách nhiệm bán nợ công của Pháp cho các nhà đầu tư - cho biết họ dự kiến huy động 300 tỷ euro vào 2025, bắt đầu từ ngày 6/1. Con số này cao hơn 15 tỷ euro so với năm nay.

    Trước khi trở thành thách thức, nợ công từ lâu đã là "người bạn" của Pháp, theo Le Monde. Nợ công giúp duy trì mức sống của đất nước và đảm bảo an sinh xã hội, ngay cả những giai đoạn khó khăn. Năm 1975, giá dầu tăng bất ngờ và kinh tế suy thoái, khiến chính phủ không thể cân bằng ngân sách.

    Dưới thời Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing (1974-1981), nước này bắt đầu vay nợ. Tuy nhiên, kể từ đó, chưa có chính phủ nào cân bằng lại được ngân sách. Kết quả, nợ công tăng dần, vượt 100 tỷ euro vào 1981, 1.000 tỷ euro hồi 2003, và 3.000 tỷ euro vào năm ngoái.

    So với quy mô kinh tế, nợ công tăng từ 14,5% GDP năm 1974 lên 114,8% vào 2020, khi chính phủ bơm mạnh tiền để tránh suy thoái do Covid-19. Sau đó, tỷ lệ nợ giảm nhẹ trong 3 năm, trước khi tăng trở lại.

    Theo Moody's, nợ công của Pháp tăng trong thời kỳ kinh tế khó khăn và ổn định khi thuận lợi, nhưng hiếm khi giảm thực sự. "Phản ứng thể chế với nợ gia tăng thường chậm chạp và thiếu quyết đoán, chủ yếu là những biện pháp nhỏ lẻ", nhóm chuyên gia tổ chức này nhận xét.

    Khó khăn trong việc giảm nợ khiến quốc gia này khác biệt so với các nền kinh tế lớn khác của châu Âu, đặc biệt là Đức. Giai đoạn 1991- 2007, nợ công hai nước tăng như nhau, từ 39% lên 67% GDP. Nhưng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, quỹ đạo dần tách biệt, theo nhà kinh tế Philippe Crevel.

    Cụ thể, Đức đã phản ứng mạnh mẽ và nợ công giảm cho đến năm 2019. Ngược lại, nợ của Pháp tăng ngày càng nhanh. Kết quả là tỷ lệ nợ công trên GDP hiện giới hạn ở mức 62% tại Đức, trong khi ở Pháp đang gần 114%.

    Nợ công ngoài tầm kiểm soát khiến Pháp gặp khó. Về chính trị, nước này không còn tuân thủ các quy tắc của EU mà chính họ đã cùng thiết lập, tức giới hạn nợ công ở mức 60% GDP. Trong số 27 quốc gia thành viên, chỉ Hy Lạp và Italy có tỷ lệ nợ cao hơn Pháp. Nhưng hai quốc gia này đang trên đà phục hồi, trong khi Paris thì tiếp tục đi xa hơn, làm ảnh hưởng tiếng nói của họ trong khối.

    Về mặt tài chính, nợ đang ngày càng đắt đỏ. Theo dự kiến, năm 2025 Pháp phải trả lãi 55 tỷ euro và tăng lên 72 tỷ euro vào 2027. Khi đó, trả lãi nợ công sẽ là khoản chi lớn nhất của nhà nước, vượt giáo dục.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/no-cong-phap-dat-dinh-3-300-ty-euro-4831466.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ