Những yếu tố cản trở nỗ lực bứt phá của đồng đô la Úc

17:00' 17-06-2022
Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) đã gây bất ngờ cho thị trường khi tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm, cao gấp đôi so với mức được dự báo trước đó.


    Đồng đôla Australia. Ảnh: Forecast/TTXVN

    Đây là đợt điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất của RBA trong 20 năm qua. Động thái này đã khiến đồng đô la Australia (AUD) hồi phục, song đà tăng trên thị trường chỉ kéo dài trong một giờ.

    Sự đảo chiều nhanh chóng đã phản ánh việc đồng AUD vẫn chưa thể bứt phá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/6, đồng AUD được giao dịch ở mức 0,712 USD đổi 1 AUD, thấp hơn 1,4% so với tỷ giá của hai đồng tiền được ghi nhận trong phiên giao dịch đầu tuần trước. Đồng AUD đã giảm 8% trong một năm qua.

    Nhìn bề ngoài, có vẻ như điều này khá khó hiểu. Australia là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn trên thế giới, trong khi giá các mặt hàng cũng đang tăng cao ở thời điểm hiện tại. Australia cũng đang đạt thặng dư thương mại và thặng dư tài khoản vãng lai. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I/2022 là 0,8%, vượt kỳ vọng của thị trường. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974.

    Tuy nhiên, những yếu tố chi phối kinh tế toàn cầu vẫn đang hiện hữu. Trong cuộc họp mới nhất, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định quyết định nâng phạm vi lãi suất cơ bản của ngân hàng lên 1,5-1,75%. Đây là lần tăng lãi suất với mức tăng 0,75 điểm phần trăm đầu tiên của Fed kể từ năm 1994.

    Junichi Ishikawa, chiến lược gia về ngoại hối cấp cao tại công ty IG Securities, nhận định động thái cứng rắn của Fed và tiếp theo sau là sự tăng giá của đồng USD đang là trở ngại lớn đối với đồng AUD. Ông cho rằng: “Lãi suất tại Mỹ là yếu tố chi phối nhiều nhất đến thị trường. Mặc dù RBA cuối cùng cũng quyết định tăng mạnh lãi suất, nhưng động thái này vẫn chưa theo kịp Fed”.

    Các nhà giao dịch ngoại hối cũng đang hồi hộp dõi theo những diễn biến mới nhất từ Thượng Hải và Bắc Kinh (Trung Quốc), hai thành phố đã áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Biến động của đồng AUD phần lớn phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia.

    Lệnh phong tỏa kéo dài 2 tháng mà Trung Quốc áp đặt đối với thành phố Thượng Hải mới được dỡ bỏ cách đây hai tuần và tốc độ phục hồi kinh tế nước này sau “cú sốc” COVID-19 vừa qua sẽ là vấn đề then chốt.

    Andrew Ticehurst, chuyên gia kinh tế cao cấp tại công ty dịch vụ tài chính Nomura Australia, vẫn “nghi ngờ” triển vọng kinh tế Trung Quốc khi nước này áp dụng chính sách “Không COVID-19”. Ông Andrew Ticehurst nhận định: “Động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc còn tương đối yếu. Đà tăng trưởng sẽ không thể hồi phục hoàn chỉnh chừng nào Trung Quốc còn chưa mở cửa hoàn toàn nền kinh tế và chưa tự phát triển hay sử dụng vaccine mRNA”.

    Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5/2022 đạt 49,6 điểm, ở dưới ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng thứ ba liên tiếp. Trung Quốc cũng chứng kiến sản lượng công nghiệp trong tháng 4/2022 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức giảm lớn nhất trong hơn hai năm qua.

    Mặc dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã diễn biến xấu đi trong những năm gần đây, song Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất của Australia và cũng là nhà tiêu thụ hàng tiêu dùng lớn nhất trên toàn cầu. Chẳng hạn, Australia hiện đáp ứng khoảng 60% nhu cầu quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc. Đây là nguồn nguyên liệu thô quan trọng phục vụ cho ngành công nghiệp luyện thép lớn nhất thế giới của nước này.

    Tuy nhiên, lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc từ tháng 1-4/2022 đã giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021. Do nhu cầu tiêu thụ tương đối yếu của kinh tế Trung Quốc, giá quặng sắt tiêu chuẩn đã giảm 18% xuống còn 133 USD/tấn trong giai đoạn từ tháng 4 -6/2022.

    Các mặt hàng xuất khẩu chính của Australia là than đá, khí đốt và lúa mỳ vẫn tăng giá, nhưng các nhà giao dịch quan tâm nhiều hơn đến quặng sắt bởi vị thế của mặt hàng này gắn liền với thị trường Trung Quốc, đồng thời là dấu hiệu cảnh báo đối với đồng AUD. Trong năm nay, các nhà giao dịch cũng ưu tiên giao dịch tiền tệ của các quốc gia sản xuất hàng hóa khác như đồng real của Brazil hay thậm chí đồng đô la Canada (CAD).

    Giá hàng hóa toàn cầu đang tăng cao do lạm phát và các động thái hạn chế xuất khẩu của một số quốc gia nhằm đảm bảo nguồn cung và ngăn chặn đà tăng giá trong nước. Cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra cũng đã làm gián đoạn nguồn cung và kích hoạt các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu của Nga.

    Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu tình trạng bùng nổ giá hàng hóa sẽ kéo dài bao lâu, nếu lãi suất tăng cao làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, kéo theo đó là vấn đề lạm phát.

    Phản ứng tiêu cực của đồng AUD trước động thái tăng lãi suất của RBA vào tuần trước đã phản ánh tình thế “tiến thoái lưỡng nan” đối với các nhà hoạch định chính sách không chỉ ở Canberra mà còn ở các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Theo sau động thái tăng lãi suất của RBA, Ngân hàng Commonwealth Bank (CBA) của Australia ngày 9/6 đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Australia trong bối cảnh thị trường nhà ở tại nước này đối mặt với khó khăn do lãi suất tăng cao.

    Trong một thông báo do Bloomberg đăng tải, Gareth Aird, Trưởng bộ phận kinh tế Australia tại CBA cho rằng ý định rõ ràng của các nhà hoạch định chính sách thuộc RBA là muốn nhanh chóng giảm tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, cái giá phải trả có thể là tăng trưởng tổng cầu sụt giảm, đặc biệt là chi tiêu hộ gia đình.

    Ngoài vấn đề kinh tế Trung Quốc, kinh tế Mỹ cũng đặt ra những thách thức khác. Daisaku Ueno, chiến lược gia hàng đầu về ngoại hối tại công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, đánh giá: “Rủi ro lớn nhất là kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trì trệ do Fed tăng lãi suất quá mức. Điều này sẽ dẫn đến suy thoái toàn cầu, giá hàng hóa sụt giảm và giá trị đồng AUD cũng sẽ suy giảm”.

    Cùng quan điểm này, Marcel Thieliant, nhà kinh tế học cấp cao tại công ty phân tích về kinh tế Capital Economics ở Anh, cũng cho rằng “nếu giá hàng hóa giảm trở lại vào cuối năm nay, có nghĩa là sức mạnh của đồng AUD cũng sẽ suy yếu”.

    Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều cho rằng thị trường sẽ đi xuống. Các nhà kinh tế của ngân hàng Barclays (Anh) thừa nhận khoảng thời gian tăng giá ngắn ngủi của đồng AUD sau khi xuất hiện thông tin tăng lãi suất là do thị trường vẫn lo ngại rủi ro. Mặc dù vậy, các chuyên gia của Barclays vẫn kỳ vọng có thể sẽ có một đợt thắt chặt lãi suất trong thời gian tới.

    Thị trường đang dự đoán lãi suất tại Australia sẽ tiếp tục được nâng thêm 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong hai tháng Bảy và tháng Tám tới, sau khi Thống đốc RBA Philip Lowe tuyên bố lãi suất của nước này “vẫn đang ở mức rất thấp”.

    Thời gian tới, động thái tiếp theo của RBA có thể sẽ nhằm tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa đồng AUD và đồng USD. Khoảng cách từng được thu hẹp sau khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2022. Theo các chuyên gia kinh tế của Barclays, động thái tăng lãi suất lần này của RBA có thể hỗ trợ đồng AUD trong ngắn hạn./.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Relax For Life Japanese Massage Chairs Vùng: Peakhurst. Phone: 02 8307 0878
Xem thêm

Article sourced from BNEWS.

Original source can be found here: https://bnews.vn/nhung-yeu-to-can-tro-no-luc-but-pha-cua-dong-do-la-australia/247809.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ