Những người bị cuốn vào cơn say cờ bạc
Lần lượt, những người đàn ông và phụ nữ thay nhau kể về việc cuộc sống của họ đã bị hủy hoại ra sao, các mối quan hệ bị cắt đứt thế nào hay tài khoản ngân hàng trở nên trống rỗng khi họ bị cuốn vào cơn say cờ bạc.
Một người đàn ông nhìn chằm chằm lên trần nhà, kể lại với giọng hổ thẹn về hành trình "tái nghiện" cờ bạc của mình. Một người đàn ông vạm vỡ giọng run lên khi nhớ lại lần anh móc trộm heo đất của con trai để đổ tiền vào những cỗ máy đánh bạc. Một phụ nữ ôm chặt con mèo của mình vào lòng khi chia sẻ cuộc sống đã "rơi xuống đáy" ra sao vì cờ bạc.
Họ gặp nhau trong buổi chia sẻ chữa lành tại một nhà thờ ở ngoại ô Sydney. Điểm chung giữa họ là tất cả đều bị mê hoặc bởi những cỗ máy đánh bạc, hay "pokie" theo cách gọi của người Australia.
Những cỗ máy đánh bạc pokie ở Australia. Ảnh: Washington Post.
Ở những nơi khác trên thế giới, máy đánh bạc điện tử chủ yếu bị giới hạn trong các sòng bài. Tại Mỹ, hàng triệu người đổ về thành phố Las Vegas hay Atlantic City mỗi năm để bấm nút và nhìn bánh xe quay vòng với hy vọng đổi đời nhờ trúng giải độc đắc.
Nhưng ở Australia, chúng xuất hiện ở mọi ngóc ngách. Những cỗ máy pokie được đặt trong hàng nghìn khách sạn và quán rượu, ở các thành phố lớn và cả thị trấn nhỏ. Chúng đã biến các câu lạc bộ vùng ngoại ô xa xôi thành những "sòng bạc" lấp lánh. Ở nhiều thành phố, cứ vài dãy nhà là lại có một "Phòng VIP" hay "Phòng chờ VIP" với các cỗ máy pokie.
"Chúng phổ biến hơn cả McDonald's", cựu thượng nghị sĩ Australia Nick Xenophon nói. "Chúng ở mọi góc phố, đập ngay vào mắt bạn".
Australia là nơi sinh sống của chưa đầy 0,5% dân số thế giới nhưng có 20% dân số chơi pokie, và 80% trong số đó nằm bên ngoài các sòng bạc. Hệ quả là Australia trở thành quốc gia có tỷ lệ thua bạc trung bình tồi tệ nhất thế giới: Khoảng 1.000 USD cho mỗi người lớn một năm. Những người phản đối cờ bạc nói rằng pokie là nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử, bạo lực gia đình, vỡ nợ và tội phạm tài chính.
Theo Charles Livingstone, phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Monash, nếu so sánh với các quốc gia tương đồng, nạn cờ bạc đang gây ra những tác động tiêu cực nhất với Australia.
Vấn đề thậm chí đang trở nên tồi tệ hơn. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ người Australia có vấn đề về cờ bạc đã tăng gấp đôi trong 10 năm, lên hơn 1%. Nhưng ngành công nghiệp cờ bạc cho rằng pokie là hợp pháp, được quản lý và được hàng triệu người Australia hưởng ứng một cách có trách nhiệm.
Khi các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt chống Covid-19 được ban hành ở Australia, khiến các quán rượu, câu lạc bộ đêm và sòng bạc phải đóng cửa, nhiều người nghiện cờ bạc và người thân của họ đã cảm thấy nhẹ nhõm.
"Đó có lẽ là khoảnh khắc yên bình nhất trong cuộc đời tôi", người phụ nữ tên Sonia nói. Con trai bà đã tìm cách tự tử hai lần kể từ khi bị cuốn vào các trò chơi xèng khi còn là một thiếu niên ở Sydney.
Tuy nhiên, khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, thiệt hại tài chính của họ trước các máy pokie đã tăng lên mức kỷ lục. Giờ đây, chúng đã trở lại như mức trước đại dịch.
Không có nhiều quyết tâm chính trị ở Australia để thay đổi tình hình, khi ngành công nghiệp cờ bạc đã tài trợ hàng triệu USD cho các đảng phái lớn và nộp hàng tỷ USD tiền thuế.
Tại bang New South Wales, nơi chiếm một nửa trong 200.000 máy pokie của cả Australia, một quan chức quản lý ngành cờ bạc gần đây đã mất chức sau khi thúc đẩy những cải cách nhằm bảo vệ người chơi, nhưng gây thiệt hại cho ngành công nghiệp đỏ đen.
Điều đó đã khiến những người nghiện cơ bạc đang hồi phục như Emma suýt rơi xuống hố sâu thảm họa.
Khi đến lượt mình chia sẻ tại buổi gặp mặt "Những con bạc ẩn danh", người phụ nữ trầm lặng ngoài 30 cho biết đã 306 ngày trôi qua kể từ lần cuối cô đánh bạc, kể từ lần cuối cô tìm đến những chiếc máy pokie để quên đi những tổn thương tinh thần vì bị bạo hành và kể từ lần cuối cô ăn trộm tại nơi làm việc đến mức suýt bị đi tù.
"Sau ba trăm ngày, tôi vẫn bị thôi thúc bởi chúng", cô nói, đề cập đến những chiếc máy đánh bạc.
Sòng bạc trước cửa nhà
Phòng VIP của một khách sạn ở Sydney mở cửa chờ những "con bạc" vào ngày 4/3. Ảnh: Washington Post.
Vào một sáng thứ 7 mưa rả rích hồi tháng hai, hơn 20 người tụ tập trong một ngôi nhà ở phía tây nam thành phố Sydney, Australia, cùng uống cà phê và nghiền ngẫm những tấm bản đồ. 5 năm trước, họ đã thắng trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài nhằm ngăn dự án xây dựng một quán rượu pokie ở thành phố Casula. Nhưng giờ đây, một nhà đầu tư đã mua lại nhà nghỉ bình dân bên kia đường và đưa ra kế hoạch tương tự.
"Ảnh hưởng của những chiếc máy pokie đối với khu vực này sẽ rất lớn", Criss Moore, giáo viên địa phương, người tham gia vụ kiện trước đây, nói. "Sẽ phát sinh thêm 60-90 người nghiện pokie mới".
Casula không cần thêm bất kỳ máy đánh bạc nào nữa, bà quả quyết. Trong hai quán rượu bên đường và 4 câu lạc bộ đêm cách đó vài phút lái xe đã có gần 1.000 máy pokie.
Moore cũng lo lắng cho ba người đang nỗ lực "cai nghiện pokie" trong vùng. Một nạn nhân cho biết chồng bà đã đốt 20 năm tiền lương vì những chiếc máy đánh bạc.
"Nếu một quán rượu pokie mọc lên bên kia đường thì bất kể khi nào có cơ hội, ông ấy sẽ đến đó", người phụ nữ cho hay. "Những cỗ máy pokie giống như thỏi nam châm vậy".
Iris Capital, đơn vị phát triển dự án quán rượu pokie mới ở Casula, không trả lời yêu cầu bình luận.
New South Wales có số máy pokie gần bằng Canada, nơi có dân số nhiều gấp gần 5 lần bang này. Khoảng một nửa trong hơn 90.000 máy pokie của New South Wales được bố trí ở Sydney và các khu vực lân cận. Đa phần trong số đó đặt ở các vùng ngoại ô tập trung nhiều tầng lớp lao động phía tây và tây nam thành phố.
Những chiếc máy pokie bất hợp pháp đầu tiên xuất hiện ở Australia vào những năm 1930 và được mệnh danh là "kẻ cướp một tay". Đến năm 1956, chúng phổ biến đến mức giới chức New South Wales quyết định hợp pháp hóa chúng trong hàng trăm câu lạc bộ xã hội được mở ra trong thời kỳ bùng nổ sau Thế chiến II.
New South Wales bắt đầu cho phép các sòng bạc, quán rượu và khách sạn được bố trí máy pokie vào giữa những năm 1990. Các bang và vùng lãnh thổ khác sau đó cũng lần lượt phê duyệt chúng. Ngày nay, máy pokie có thể được tìm thấy ở khắp Australia, ngoại trừ Tây Australia, nơi chỉ một sòng bạc được phép lắp đặt chúng và là nơi ít có vấn đề về cờ bạc nhất ở nước này.
"Cờ bạc được bình thường hóa như việc bạn làm hàng ngày", Charishma Kaliyanda, ủy viên hội đồng ở tây nam Sydney, cho hay.
"Chúng ta trở thành đất nước cờ bạc nhiều nhất thế giới vì chúng ta có những cỗ máy pokie gần như ở khắp mọi nơi. Các nghiên cứu cho thấy càng sống gần những chiếc máy pokie, tỷ lệ đánh bạc và gặp vấn đề tài chính càng lớn", giáo sư Livingstone cho hay.
Peter Jankowski là một chủ doanh nghiệp gặp khó khăn vào những năm 1990 khi những cỗ máy pokie bắt đầu xuất hiện trong các quán rượu gần nhà ông ở Melbourne. Jankowski ban đầu tìm đến chúng để xả stress sau giờ làm, nhưng rồi tần suất chơi ngày càng tăng lên.
"Giống như có một sòng bạc ngay trước cửa nhà bạn vậy", ông nói. Jankowski ước tính ông đã mất khoảng 100.000 USD trong 6 năm đánh bạc, trước khi một nhà trị liệu giúp ông từ bỏ chúng. Bây giờ, ông làm việc như một nhà trị liệu. "Đây rõ ràng là một chứng nghiện", Jankowski nhấn mạnh.
Đối với Emma, cô tìm đến pokie như một lối thoát. Vài năm trước, bị bạn trai bạo hành dã man, cô rơi vào hôn mê suốt ba tháng. Hai năm sau đó, Emma hiếm khi rời khỏi nhà vì chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) nghiêm trọng.
"Cuối cùng, khi tôi gom đủ can đảm để bước ra thế giới, thứ đầu tiên tôi tìm thấy là một quán rượu", cô kể. Một quán rượu chứa đầy máy pokie.
Từ chỗ làm, cô tìm đến một trong 5 máy pokie gần nhà và bắt đầu nạp tiền vào máy. Emma chưa bao giờ uống rượu nhưng chơi pokie khiến cô như bị phê thuốc, theo lời cô mô tả.
"Giống như giữa một ngày hè nóng nực và bạn mở một thứ gì đó mát lạnh để uống vậy", Emma nói. "Đút tiền vào máy và bạn sẽ cảm nhận sự sảng khoái. Bạn quên đi công việc, quên đi cuộc sống".
Emma ngày càng chơi nhiều hơn cho đến khi cô nướng sạch tiền lương mỗi tuần. Cô nói dối bố mẹ là đi làm, nhưng cắm mặt vào những cỗ máy pokie ở quán rượu. Cô say sưa bên những cỗ máy đến mức quên ăn và giảm tới gần 23 kg. Khi tìm được một công việc mới là trực tại quầy thu ngân, cô bắt đầu ăn trộm.
Trong ba tháng, cô trộm hàng chục nghìn USD từ chủ và nướng vào cờ bạc. Khi người chủ phát hiện, họ cho cô một tuần để trả lại hoặc đối mặt với cáo buộc hình sự.
Cha mẹ Emma đã rút tiền từ quỹ hưu trí để giúp cô bồi thường. Họ yêu cầu cô đến hội "Những con bạc ẩn danh" để cai nghiện. Gần một năm sau, họ vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng cô.
Cô hy vọng một ngày nào đó có thể cùng họ đến quán rượu ăn tối mà không bị những cỗ máy pokie thu hút.
Các nhà phê bình nói rằng ngành công nghiệp cờ bạc của Australia đã không được cải cách trong hơn một thập kỷ qua. Vào năm 2010, cựu thượng nghị sĩ Xenophon và một nhà lập pháp độc lập khác, Andrew Wilkie từ Tasmania, đã thúc đẩy một dự luật cải cách ngành công nghiệp cờ bạc, yêu cầu mọi người sử dụng thẻ với mức thua tối đa được đặt trước khi chơi pokie. Dự luật này được thông qua nhưng chỉ tồn tại một thời gian ngắn sau khi liên minh đảng Tự do và đảng Quốc gia bảo thủ lên nắm quyền.
Truyền thông Australia năm ngoái đưa tin ngành cờ bạc đã quyên góp ít nhất 60 triệu USD cho ba đảng chính trị lớn trong hai thập kỷ qua.
Vào năm 2018, chi nhánh Công đảng ở Tasmania tuyên bố sẽ loại bỏ máy pokie khỏi các quán rượu và câu lạc bộ. Nhưng ngành công nghiệp cờ bạc đã phát động một cuộc vận động hành lang để phản công. Công đảng cuối cùng để thua trong cuộc bầu cử bang và không thể làm gì hơn.
Sonia lo sợ những cải cách sẽ đến quá muộn đối với con trai bà. Căn bệnh đa xơ cứng khiến anh lo lắng, không thể ngủ và dễ bị thay đổi tâm trạng, những yếu tố góp phần khiến anh nghiện cờ bạc. Bà đã phải thế chấp căn nhà của mình và rút 50.000 USD từ tài khoản hưu trí để trả nợ cho con.
Một ngày nọ, bà về nhà và thấy anh bất tỉnh sau khi dùng thuốc ngủ quá liều. Một lần khác, bà phải phá cửa phòng anh và phát hiện con trai đã cắt cổ tay tự tử.
Sonia đã cố gắng khiếu nại để các câu lạc bộ và quán rượu gần nhà cấm anh đến chơi pokie. Quá trình này mất tới nhiều tháng. Nhưng ngay cả như thế, các quán rượu pokie vẫn rất hiếm khi ngăn anh vào. 4 tháng phong tỏa vì Covid-19 hồi năm ngoái không đủ lâu để con trai bà cai nghiện.
"Các quán rượu đã quay trở lại và mời gọi nó. Tôi phải làm gì đây", Sonia tự hỏi.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tra-gia-vi-con-say-co-bac-o-australia-4456439.html