Những mẫu tên lửa phương Tây hỗ trợ Ukraine

11:00' 08-04-2022
Những tên lửa do phương Tây cung cấp như Javelin, NLAW và Stinger góp phần không nhỏ giúp Ukraine đối phó lực lượng thiết giáp và không quân Nga.


    Khoảng 20 quốc gia, hầu hết là thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU), đã rót nhiều vũ khí cho Ukraine từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước này hồi cuối tháng 2. Trong số đó, bộ ba vũ khí gồm tên lửa diệt tăng Javelin và NLAW, cùng tên lửa phòng không vác vai Stinger được coi là những khí tài chủ lực giúp Ukraine đối phó với ưu thế áp đảo về lực lượng của Nga.

    Xe tăng, thiết giáp là trọng tâm trong học thuyết quân sự Nga. Phương Tây nhận định Moskva đã huy động 75% đơn vị chiến thuật cấp tiểu đoàn (BTG) trong biên chế cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, chủ yếu là các đội hình cơ giới sở hữu hỏa lực mạnh để đè bẹp khả năng kháng cự của đối phương.

    Tuy nhiên, các BTG rất dễ tổn thương trước vũ khí chống tăng dẫn đường (ATGM) hiện đại của phương Tây, vốn cho phép kíp vận hành rời khỏi trận địa ngay sau khi phóng, thay vì phải ở yên một chỗ để dẫn bắn như các tên lửa đời cũ và có nguy cơ bị đối phương bắn trả.

    Lính Ukraine huấn luyện với tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp tại một thao trường ở miền đông. Ảnh: AFP.

    Lính Ukraine huấn luyện với tên lửa Javelin tại một thao trường ở miền đông hồi năm 2021. Ảnh: AFP.

    FGM-148 Javelin là tên lửa chống tăng vác vai tự dẫn được Mỹ biên chế từ năm 1996, trang bị đầu nổ lõm xuyên giáp (HEAT) kép để xuyên thủng nóc, sườn và đuôi các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực. Đây được coi là một trong những "sát thủ diệt tăng" nguy hiểm nhất thế giới, đủ sức đánh bại nhiều loại xe tăng hiện đại do Nga và các cường quốc khác sản xuất.

    Quân đội Ukraine nhận lô Javelin đầu tiên từ Mỹ hồi tháng 3/2018, gồm 37 ống phóng và 210 quả đạn có tổng trị giá 47 triệu USD. Bộ Ngoại giao Mỹ cuối năm 2019 phê duyệt lô thứ hai gồm 150 quả đạn và 10 bệ phóng.

    Kíp vận hành Javelin thường có hai người, gồm xạ thủ và người mang đạn kiêm cảnh giới. Trong trường hợp cần thiết, xạ thủ có thể độc lập tác chiến, nhưng không thể mang theo quá hai tên lửa. Đầu dò tên lửa sẽ khóa mục tiêu trước khi phóng, dựa vào nguồn nhiệt phát ra từ động cơ xe tăng đối phương.

    Quả đạn áp dụng phương thức tấn công đột nóc, nhằm vào phần giáp mỏng nhất trên tháp pháo xe tăng, nhưng cũng có thể bắn trực xạ để tấn công bộ binh địch hoặc mục tiêu nấp sau vật cản. Tên lửa Javelin cũng có khả tăng tiêu diệt trực thăng ở chế độ bắn trực xạ.

    Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, lính tăng Nga đã gắn giáp lồng trên nóc tháp pháo một số xe tăng, nhằm giảm khả năng xuyên phá của tên lửa Javelin khi tấn công đột nóc. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này chưa được xác định rõ ràng.

    Javelin có tầm bắn khoảng 2,5 km, được trang bị hệ thống dẫn đường hồng ngoại tự bám bắt mục tiêu. Điều này cho phép xạ thủ ẩn nấp từ khoảng cách an toàn, khóa mục tiêu rồi khai hỏa. Trong quá trình tên lửa tự lao tới mục tiêu, xạ thủ và người cảnh giới nhanh chóng rời khỏi trận địa, tránh được hỏa lực bắn trả của đối phương.

    Tuy nhiên, Javelin có giá thành khá đắt, gần 200.000 USD một quả, nên ngay cả ở trường quân sự Mỹ, chỉ những học viên ưu tú mới được bắn Javelin thật sự, phần còn lại của lớp sẽ học "bắn chay" bằng ống phóng không có đạn.

    Các lực lượng Ukraine cũng sử dụng Vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW) do Anh cung cấp. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hồi tháng 1 tiết lộ nước này đã bàn giao 2.000 tổ hợp NLAW cho Ukraine và triển khai 30 binh sĩ huấn luyện sử dụng chúng.

    Lính Ukraine vác tên lửa NLAW tại thủ đô Kiev hồi đầu tháng 3. Ảnh: AP.

    Lính Ukraine vác tên lửa NLAW tại thủ đô Kiev hồi đầu tháng 3. Ảnh: AP.

    NLAW, còn được gọi là MBT-LAW hoặc RB-57, do Anh và Thụy Điển hợp tác sản xuất năm 2002 và biên chế từ năm 2009 nhằm thay thế các vũ khí thời Chiến tranh Lạnh. Nó được thiết kế để giúp bộ binh tăng cường khả năng phòng thủ tầm gần trước xe tăng. Loại vũ khí dùng một lần này nặng 12 kg, có tầm bắn hiệu quả 600 m với mục tiêu cố định hoặc 400 m với mục tiêu di động.

    Khác với hầu hết vũ khí chống tăng hạng nhẹ, NLAW ứng dụng cơ cấu dẫn đường "Dự báo đường ngắm" (PLoS), trong đó người điều khiển bám bắt mục tiêu trong 3-5 giây trước khi khai hỏa.

    Tên lửa được đẩy khỏi ống phóng bằng liều sơ cấp, sau đó kích hoạt động cơ để tăng tốc lên 708 km/h. Điều này cho phép binh sĩ phóng đạn từ không gian kín, không bị thương bởi luồng hỏa khí phụt sau đuôi. Quả đạn dùng hệ thống dẫn đường quán tính để bay đến nơi mà thuật toán dự đoán mục tiêu sẽ xuất hiện, dựa trên dữ liệu ngắm bắn trước đó.

    Ngoài chế độ bắn trực tiếp, NLAW cũng có tính năng tấn công đột nóc nhằm vào phần giáp mỏng nhất trên nóc xe tăng hoặc mục tiêu nấp sau vật cản.

    Hệ thống dẫn đường của NLAW ít bị tác động bởi mồi bẫy hoặc các hệ thống phòng thủ thụ động, nhưng quả đạn có thể bắn trượt nếu xe tăng đối phương đội ngột đổi hướng hoặc thay đổi tốc độ di chuyển.

    NLAW dễ bị vô hiệu hóa bởi các hệ thống phòng vệ chủ động, nhưng vũ khí này rất dễ vận hành và sở hữu đầu đạn uy lực. Trong môi trường đô thị bị hạn chế tầm nhìn, vũ khí tầm ngắn như NLAW có thể gây thiệt hại nghiêm trọng với lực lượng tăng thiết giáp đối phương.

    Kể từ đầu chiến dịch, quân đội Nga đã tập kích hàng loạt trận địa phòng không tầm xa, phá hủy nhiều hệ thống S-300 và Buk của Ukraine. Tuy nhiên, không quân Nga lại chịu nhiều thiệt hại bởi tên lửa phòng không vác vai Stinger, nhất là khi trực thăng và chiến đấu cơ phải bay thấp.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16/3 thông báo gói hỗ trợ an ninh bổ sung 800 triệu USD cho Ukraine, trong đó có 800 tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger. Trước đó, Washington cũng cho phép các nước chuyển tên lửa này cho Kiev.

    Tên lửa phòng không Stinger do Mỹ sản xuất. Ảnh: Military Analizer.

    Tên lửa phòng không Stinger do Mỹ sản xuất. Ảnh: Military Analizer.

    Tên lửa vác vai Stinger được Mỹ phát triển vào cuối thập niên 1970, đưa vào biên chế năm 1981 và liên tục nâng cấp cho tới nay. FIM-92 được thiết kế chuyên để bắn hạ mục tiêu bay thấp, đặc biệt nguy hiểm với trực thăng và máy bay vận tải.

    Stinger được coi là bước tiến lớn so với dòng FIM-43 Redeye trước đó. Tên lửa được tăng tầm bắn, khả năng đánh chặn mục tiêu bay nhanh và trang bị hệ thống nhận diện địch - ta. Mẫu FIM-92 cơ bản có tầm bắn 4,5 km, trong khi các biến thể hiện đại nhất của quân đội Mỹ có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách 8 km.

    "Với tầm bắn hiệu quả 4,5 km, nó có thể bắn trúng mọi mục tiêu bay dưới 3,5 km. Đầu dò hồng ngoại có thể dẫn đường cho tên lửa đến đến mục tiêu nhờ bám bắt tín hiệu nhiệt trên phi cơ, thường là động cơ", chuyên gia quân sự Stavros Atlamazoglou đánh giá.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?
Bardo Le Noureddine Lawyers Vùng: Footscray. Phone: 7008 5084
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ba-mau-ten-lua-phuong-tay-giup-ukraine-ung-pho-luc-luong-nga-4448187.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ