Những chiếc bánh dân dã của tuổi thơ, chẳng mấy ai quên
Bánh đúc
1. Bánh đúc
Bánh đúc là món bánh truyền thống Việt Nam và đặc biệt phổ biến ở miền Bắc. Bánh đúc làm từ gạo tẻ ngâm với nước vôi trong, nghiền nhỏ thành bột cho vào nồi nấu và quấy thật đều tay. Lúc gần được thì cho lạc rang vào trộn đều.
Bánh đúc lạc ngon không nát mà phải mềm, dẻo, giòn giòn, cầm không hề dính tay, mịn, bóng. Bánh đúc cứ bẻ miếng nhỏ ăn cũng đã ngon mà chấm tương ăn lại càng ngon hơn nữa. Cái bùi của lạc rang, cùng với vị gạo thanh thanh và đậm đà, beo béo của tương hòa vào nhau tuy dung dị nhưng lại đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ.
2. Bánh gio
Bánh gio (bánh gio, bánh tro ú) là thứ bánh không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Tuy từng địa phương mà bánh gio có hình dáng khác nhau, có nơi gói hình thuôn dài, có nơi gói hình chóp tam giác, có nơi gói vuông.
Bánh có thể được ăn kèm với đường hoặc mật mía. Những chiếc bánh có màu hổ phách, nồng nhẹ mùi nước tro tàu nhưng cắt nhỏ chấm với mật thì ngon đến khó tả. Đưa miếng bánh thấm đẫm mật mía vừa ngọt, vừa thơm, thấy miếng bánh mát lịm chui tọt vào bụng mới thấy cái ngon, cái lạ khó có thể kiếm ở món ngon nào khác.
3. Bánh đa kê
Từ khi nào bánh đa kê đã trở thành món quà vặt dân dã mà hết thảy trẻ con lẫn người lớn đều ưa thích, chẳng ai rõ nữa. Chỉ biết, món bánh đa kê dân dã vô cùng, chiếc bánh đa đã nướng giòn, nồi kê đánh nhuyễn, ít đỗ xanh đồ, chút đường.
Có thể thôi nhưng đố ai không xuýt xoa khi thưởng thức miếng bánh đa giòn tan có vị man mát, bùi bùi của kê, của đậu xanh, ngòn ngọt của đường. Một miếng bánh kê chỉ vài ngàn, nhưng những chiều thu, mua được miếng bánh ngồi thưởng thức, thấy cả trời tuổi thơ quay về.
4. Bánh đậu xanh
Bánh đậu xanh được coi là đặc sản của tỉnh Hải Dương. Từ lâu bánh đậu xanh đã trở thành món quà thơm thảo của người Hải Dương dành tặng bạn bè bốn phương. Bánh đậu xanh thì ngọt lắm, nhưng trẻ con thì có đứa nào không mê ngọt, cảm giác đưa miếng bánh vào miệng, đè lưỡi cho bột bánh tan ra, thơm lừng, ngọt lịm, béo mềm mới đã làm sao.
Còn người lớn, thường nhâm nhi bánh đậu xanh với trà. Miếng bánh đậu xanh mềm mịn thơm phức nhấm nháp cùng ly trà mạn nóng hổi cho buổi chuyện trò thêm phần thi vị.
5. Bánh cốm
Hiếm có ai đến Hà Nội mà không một lần thưởng thức món bánh cốm trứ danh đặc sản nơi đây - và thậm chí còn mang về làm quà cho người thân. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà món bánh này được yêu thích đến vậy.
Cái thứ mùi thơm ngây ngất, mát dịu quyện trong lớp vỏ bánh dẻo mềm xanh mướt cùng lớp nhân đậu xanh bùi ngọt tạo nên một ấn tượng khó quên đối với bất kì ai đã từng thử qua. Đây cũng là một món đặc sản Hà Nội được nhiều người lựa chọn làm quà biếu khách phương xa.
6. Bánh rán đường
Chẳng có gì xa xỉ, vô cùng giản dị và dân dã, nhưng món bánh rán đã trở thành món quà vặt tuổi thơ của biết bao lớp người ở khắp mọi miền. Bánh rán giòn thơm, nóng hổi, cái thì được ngào đường ngọt lịm, cái thì rắc vừng thơm bùi, bên trong có nhân đậu xanh trộn dừa mềm mịn, ngon tuyệt. Ngoài bánh rán ngọt, bánh rán mặn với lớp vỏ giòn, nhân thịt thơm, chấm cùng nước mắm chua ngọt cũng là thức quà ưa chuộng của nhiều người.
Không khó để bắt gặp một gánh hàng rong bán bánh rán đường. Thường chỉ từ 2 đến 4 ngàn là bạn đã có ngay chiếc bánh ngon lành mà tuổi thơ ai cũng mê.
7. Bánh Trung thu
Và dĩ nhiên không thể không nhắc đến món bánh Trung thu, thứ quà đặc trưng của mùa thu. Ngày xưa bánh Trung thu chẳng nhiều lựa chọn như bây giờ, chỉ có bánh thập cẩm, nhưng cái cảm giác háo hức khi cắt miềng bánh nướng thơm phức hay miếng bánh dẻo mềm mịn với nhân mứt bí, lạp xưởng, hạt sen, vừng trắng, lạc rang... nó mới thú làm sao.
Ngày nay, bánh Trung thu đa dạng hơn nhiều, đủ loại nhân đậu xanh, sen xát cho đến trà xanh, và nhiều loại nhân sáng tạo khác. Nhưng nhớ đến Trung thu, người ta vẫn nghĩ đến những chiếc bánh truyền thống bên mâm ngũ quả dịp phá cỗ trông trăng.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1903183