Những căn bệnh luôn 'rình rập' nếu bạn ăn thịt lợn quá nhiều

17:00' 23-09-2024
Ai hay ăn thịt lợn cần biết điều này để phòng bệnh tiểu đường, tim mạch và bệnh về gan, thận.

Điều gì sẽ xảy ra với cơ thể bạn nếu ăn thịt lợn không đúng cách?

Thịt lợn là loại thịt được ăn phổ biến nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, thịt lợn xuất hiện nhiều trong các bữa cơm gia đình bởi thơm ngon, hợp túi tiền nhiều người và dễ chế biến. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thực phẩm gây tranh cãi nhất về tác dụng và tác hại cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng Mỹ, trong 100 gam thịt lợn thì có đến 297 calo, chất đạm là 25,7 gam, chất béo (20,8 gam), carb, chất xơ và đường là 0 gram, cũng như chứa đựng nguồn chất đạm (protein) và vitamin B6, B12 rất tốt.

Ảnh minh họa

Thịt lợn cũng là một nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất tốt như phốt pho, selen và thiamine. Thiamine là một loại vitamin B cần thiết cho một loạt các chức năng của cơ thể. Chất này có trong thịt heo cao hơn nhiều thịt bò.

Vitamin B6 và B12 cũng được tìm thấy nhiều trong thịt lợn. Các vitamin này rất cần thiết cho sự hình thành tế bào máu và chức năng của não. Thịt lợn cũng là một nguồn cung cấp sắt tuyệt vời.

Selen trong thịt lợn giúp cho chức năng tuyến giáp hoạt động thích hợp. Một miếng thịt lợn nặng 170 gam có hơn 100% lượng selen được khuyến nghị hàng ngày.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, thịt lợn còn đem lại nhiều lợi ích khác. Cụ thể, các protein chất lượng cao trong thịt heo là các axit amin hoàn chỉnh dùng để tạo cơ bắp mới. Ăn thịt heo sẽ hỗ trợ cho việc tránh tình trạng thiếu cơ và thoái hóa cơ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều và thường xuyên thịt lợn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

6 bệnh "rình rập" nếu bạn ăn quá nhiều thịt lợn

Bệnh tim mạch

Thịt lợn, đặc biệt là các phần mỡ như da, thịt ba chỉ, và nội tạng, chứa một lượng đáng kể cholesterol và chất béo bão hòa. Khi bạn ăn quá nhiều thịt lợn mỡ, lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu có thể tăng lên, tích tụ trên thành động mạch, tạo thành các mảng bám xơ vữa. Các mảng bám này làm hẹp lòng động mạch, cản trở lưu thông máu, và làm tăng huyết áp. Nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như đau tim, đột quỵ, và các bệnh tim mạch khác.

Ảnh minh họa

Bệnh tiểu đường

Chế độ ăn nhiều thịt, nhất là các loại thịt lẫn nhiều mỡ, làm tăng axít béo và triglycerid – là nguyên nhân gây ra tiểu đường týp II. Bởi vì các axít béo dư thừa trong máu và triglycerid ức chế hoạt động của insulin, điều này dẫn đến kết quả xét nghiệm lượng insulin trong máu vẫn bình thường hoặc chỉ hơi tăng nhưng đường huyết của người bệnh lại trong tình trạng bị cao. Nếu sửa chữa sai lầm này bằng cách chuyển sang chế độ ăn chay thì lượng đường trong máu giảm hẳn và nồng độ axít béo cũng về mức an toàn.

Bệnh thận

Nhiều nghiên cứu cho thấy, để bài tiết các hợp chất nitơ độc hại do ăn nhiều thịt thì thận phải làm việc gấp trên 3 lần so với thận của người ăn chay. Urê và acid uric là hai chất thải của chế độ ăn thịt rất độc hại đối với cơ thể. Khi chúng ta còn trẻ, thận còn khỏe thì việc thải loại các chất này còn cố được, nhưng khi đã cao tuổi, thận của chúng ta đã suy yếu thì công việc thải các chất này trở thành gánh nặng cho thận và kết quả là thận không thể thải độc hiệu quả, nên tất yếu dẫn đến bệnh tật.

Bệnh gút

Khi thận không đủ khả năng lọc thải hết các chất chứa nitơ độc hại thì creatinin và acid uric tăng cao trong máu. Nồng độ acid uric tăng cao sẽ lắng đọng lại trong các khớp nhỏ như khớp ngón tay, ngón chân gây nên bệnh gút. Tại các khớp, acid uric đọng lại kết tinh thành tinh thể tạo ra phản ứng viêm, gây nhiều đau nhức cho bệnh nhân.

Bệnh gan

Chức năng của gan là tổng hợp các chất cần thiết cho cơ thể và thải bỏ các chất độc hại ra ngoài. Nhưng chế độ ăn nhiều thịt và mỡ động vật sẽ làm gan làm việc quá sức và tổn thương. Thịt và mỡ ăn vào sẽ làm cho gan bị nhiễm mỡ, hóa xơ, hóa sẹo.

Béo phì

Nguyên nhân của bệnh béo phì chủ yếu là do chế độ ăn quá dư thừa năng lượng calo như mỡ động vật, bơ, phomai, thịt, sôcôla, bột, đường... Khi đã béo phì thì người ta dễ lười vận động, từ đó năng lượng thừa không được tiêu hao lại tích trữ dưới dạng mỡ nên lại càng béo. Béo phì sẽ dẫn đến các bệnh vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, đau xương khớp.

4 điều cần biết khi ăn thịt lợn để tốt nhất cho sức khỏe

Ảnh minh họa

Kiểm soát lượng thịt ăn vào

Các hướng dẫn về chế độ ăn uống khuyến cáo nên kiểm soát lượng tiêu thụ thịt gia súc và gia cầm mỗi ngày, bao gồm cả thịt lợn, nên ở mức 40-75g. Nếu thích ăn gan động vật, bao gồm cả gan lợn, bạn có thể ăn 2-3 lần/tháng, 25g/lần.

Chú ý đến phương pháp nấu ăn

Mọi người nên hạn chế nướng, quay, rán thịt. Hãy sử dụng phương pháp nấu ở nhiệt độ thấp, không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Kết hợp thịt và rau

Khi chế biến món ăn có thịt lợn, cần kết hợp với các loại rau giàu vitamin C như cải, ớt chuông, mướp đắng… Nhờ vậy, bạn sẽ thúc đẩy hấp thu sắt, cân bằng dinh dưỡng, tránh ăn quá nhiều thịt lợn.

Hạn chế thịt lợn chế biến sẵn

Các sản phẩm chế biến như thịt xông khói, thịt nguội, xúc xích không chỉ chứa hàm lượng muối cao mà trong quá trình sản xuất còn sản sinh ra nhiều loại chất gây ung thư như hydrocacbon thơm đa vòng, nitrosamine… Giá trị dinh dưỡng của thịt lợn khi nấu như trên cũng bị giảm sút.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Michael's Fresh Food Market Vùng: MENTONE. Phone: 9559 9444
Xem thêm

Article sourced from EVA.

Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/ai-hay-an-thit-lon-can-biet-dieu-nay-de-phong-benh-tieu-duong-tim-mach-va-benh-ve-gan-than-c131a609615.html