Nhựa là vấn đề đáng báo động tại Úc
Lượng nhựa mà người dân Australia sử dụng mỗi năm tạo ra lượng khí thải nhà kính tương đương với 5,7 triệu xe ôtô. Nguồn: Bloomberg
Hiệp hội bảo tồn biển Australia và Quỹ động vật hoang dã thế giới tại Australia vừa lần đầu công bố báo cáo đánh giá lượng khí thải nhà kính thải ra do quá trình sản xuất, sửa dụng và tái chế các sản phẩm từ nhựa.
Theo đó, trong năm tài chính 2019-2020, việc sử dụng nhựa tại Australia đã tạo ra khoảng 16 triệu tấn khí nhà kính, tương đương với lượng khí thải mà 5,7 triệu xe ôtô thải ra, tương đương với 1/ 3 lượng xe ôtô đang được sử dụng tại nước này. Kết quả nghiên cứu là một tín hiệu báo động cho thấy tại Australia việc sử dụng đồ dùng bằng nhựa tác động không nhỏ tới việc thải khí nhà kính.
Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Australia chỉ phải chịu trách nhiệm đối với lượng nhựa được sản xuất tại nước này, tương đương với 13% lượng nhựa được sử dụng tại đây.
87% lượng nhựa còn lại được sử dụng tại Australia được nhập khẩu từ nước ngoài nên theo Thỏa thuận Paris về biến đối khí hậu, nước này không phải chịu trách nhiệm với lượng khí thải do lượng nhựa này thải ra.
Tuy vậy, nếu Australia không có các biện pháp kịp thời để giảm lượng lượng khí thải từ các phương tiện giao thông và quản lý rác thải nhựa thì lượng khí thải nhà kính từ 2 đối tượng này tạo ra có thể đạt 42,5 triệu tấn vào năm 2050.
Trước thực trạng này, báo cáo cho biết để đạt được mục tiêu cắt giảm 70% khí thải nhà kính từ nhựa vào năm 2050, Australia nên cắt giảm ít nhất 10% việc sử dụng đồ dùng từ nhựa; gia tăng việc thu hồi, tái chế nhựa bằng năng lượng tái tạo và ngừng sản xuất nhựa từ các nhiên liệu hóa thạch nguyên chất.
Việc sử dụng nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần cũng đang là vấn đề được chính phủ Australia quan tâm. Vào tháng trước chính quyền liên bang và các bang tại Australia đã đạt được thỏa thuận về việc thay đổi quy định về bao bì vào năm 2025 để buộc các công ty đưa các sản phẩm nhựa ra thị trường phải có trách nhiệm trong việc xử lý rác thải nhựa.
Tuy vậy theo ông Shane Cucow, Giám đốc chiến dịch nhựa của Hiệp hội bảo tồn biển Australia, việc ban hành quy định về bao bì và việc tái chế nhựa là chưa đủ, Australia cần giảm và đặt hạn mức cho việc sử dụng nhựa thì mới tạo ra sự thay đổi lớn.
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VOV.