Nhiều siêu thị và cửa hàng tìm cách bảo vệ khách hàng lớn tuổi và khuyết tật
Do tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm, những người cao niên, đối tượng có sức đề kháng yếu nhất trước đại dịch Covid-19, không kịp chen chân để mua đồ. Vì vậy, một số siêu thị và cửa hàng đang tìm cách để bảo vệ tập khách hàng này.
Woolworths, chuỗi tạp hóa lớn nhất Australia với 995 cửa hàng, mở cửa sớm hơn 1 tiếng so với thường lệ dành cho những người già và tàn tật.
Trên trang chính thức, tập đoàn này thông báo: “Động thái này của chuỗi tạp hóa chúng tôi xuất phát từ nhu cầu mua sắm chưa từng thấy trong tuần vừa qua. Trong đó, nhiều người cao niên và người yếu thế trong xã hội không mua được những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống của họ”.
Người già không có khả năng chen chân vào cuộc mua sắm tích trữ ồ ạt. Ảnh: Helena Ellis. |
Khung giờ đặc biệt này của Woolworths bắt đầu từ thứ ba đến thứ sáu hàng tuần. Khách hàng phải có thẻ Người cao niên do chính phủ Australia cung cấp.
Bên cạnh đó, một trung tâm mua sắm ở Bắc Ireland cho biết tạp hóa Iceland Foods cũng mở bán vào khung giờ đặc biệt dành cho những khách hàng cao tuổi hoặc khuyết tật.
Thành phố Jersey (bang New Jersey, Mỹ) thông báo họ đang làm việc với các cửa hàng tạp hóa tại đây để tạo điều kiện cho tập khách hàng yếu thế trong xã hội, bao gồm cả phụ nữ mang thai.
Thị trưởng thành phố Lorain (bang Ohio, Mỹ) cho biết một số cửa hàng tại đây sẽ sắp xếp khung giờ riêng dành cho người cao niên.
Cửa hàng tạp hóa Iceland Foods mở cửa sớm cho người già hoặc người khuyết tật. Ảnh: Paul Doherty. |
Đầu bếp nổi tiếng José Andrés, hiện sống và làm việc tại Washington (Mỹ), đã đóng cửa các nhà hàng của anh để điều hành một số bếp ăn cộng đồng và bán các món ăn mang đi với giá phải chăng. Anh cũng kêu gọi các chuỗi tạp hóa Mỹ học tập phong trào mở cửa khung giờ đặc biệt này.
Andrés viết trên Twitter: “Các siêu thị nên mở cửa sớm hơn 2 tiếng dành cho người già trên 60 tuổi nhằm bảo vệ họ khỏi tiếp xúc với đám đông những người trẻ hơn. Đồng thời hệ thống tình nguyện viên mua hộ và giao hàng tận nơi nên được triển khai”.
Tuy nhiên, chuỗi H-E-B với 400 cửa hàng ở Mexico và bang Texas (Mỹ) cho biết họ không tổ chức giờ mua sắm đặc biệt dành cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội.
“Đội ngũ lãnh đạo của chúng tôi đã nghiên cứu về lựa chọn này với các quan chức y tế. Từ đó, chúng tôi xác định đây không phải lựa chọn tốt nhất và an toàn nhất cho các khách hàng. Chúng tôi thấy việc yêu cầu một nhóm đông người tụ tập tại các cửa hàng trong khoảng thời gian nhất định không phải là một ý tưởng hay”, công ty đưa ra trong tuyên bố mới nhất.
Tình trạng hỗn loạn dễ bắt gặp ở nhiều siêu thị. Ảnh: The Sun. |
Bên cạnh đó, chuỗi H-E-B cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng thực phẩm địa phương, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng hệ thống đặt hàng trực tuyến của họ.
Phần lớn các chuỗi tạp hóa ở Mỹ đều cung cấp dịch vụ giao hàng trực tuyến để giảm thiểu tiếp xúc giữa người với người. Nhiều cửa hàng cũng đóng cửa sớm hơn thường lệ để nhân viên có thêm thời gian dọn dẹp và khử trùng.
Mặc dù chính quyền khuyến cáo người dân không nên ồ ạt đi mua tích trữ, tình trạng cháy hàng vẫn xảy ra. Nỗi sợ dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều mặt hàng hết ngay tức khắc, như nước rửa tay, giấy vệ sinh, thịt tươi...
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from Zing.