Nhiều nước đề xuất EU phê duyệt viện trợ khẩn cấp cho người tị nạn Ukraine
Hãng thông tấn Séc (CTK) ngày 3/5 đưa tin đại diện hàng chục quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) cung cấp thêm tài chính để giúp giải quyết vấn đề người tị nạn từ Ukraine.
Trong bức thư chung gửi Uỷ ban châu Âu, các quốc gia trên, trong đó có Cộng hòa Séc, đã đề xuất EU sử dụng các khoản dự trữ bất thường từ ngân sách hoặc EC cần linh hoạt hơn trong việc quản lý ngân sách trợ cấp quốc gia trong các quỹ liên kết.
Nội dung thư nhấn mạnh các quốc gia EU ‟cần làm mọi cách trong khả năng vì Ukraine và người dân Ukraine trong thời điểm hiện nay.ˮ
Bức thư có chữ ký của đại diện các chính phủ Séc, Slovakia, Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria và Croatia.
Theo nội dung thư, các chính phủ nêu trên đề xuất EU phê duyệt viện trợ khẩn cấp bằng ngân sách lấy từ Quỹ dự trữ đoàn kết và viện trợ khẩn cấp (SEAR) hoặc từ các khoản dự trữ khác trị giá hàng tỷ euro của EU.
Ngoài ra, số tiền chưa sử dụng đến thuộc ngân sách EU trong năm 2022 cũng có thể được huy động để viện trợ.
Đại diện các chính phủ EU cũng kêu gọi EC gia hạn thời hạn hoàn thành các dự án từ giai đoạn kết thúc Chương trình hỗ trợ của EU giai đoạn 2014-2020, qua đó cho phép các khoản trợ cấp được hoàn trả một năm sau đó.
Bộ trưởng Phát triển Khu vực của Séc Ivan Bastos nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện nay liên quan đến người tị nạn Ukraine cũng đang ảnh hưởng đến những người thụ hưởng các dự án thuộc Chương trình 2014-2020, trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thiếu nguyên vật liệu và nguồn nhân lực khiến nhiều dự án khó hoàn thành đúng thời hạn.
Kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine, đã có khoảng 5,5 triệu người tị nạn từ Ukraine di chuyển tới các quốc gia EU, chủ yếu là Ba Lan và các nước Đông Âu.
EC đã cho phép các quốc gia thành viên EU sử dụng khoản tiền tồn trong giai đoạn thực hiện Chương trình hỗ trợ 2014-2020 để đối phó với làn sóng tị nạn.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bastos, riêng đối với Séc, nguồn ngân sách do EU hỗ trợ là chưa đủ do Séc đã sử dụng gần hết số tiền được cấp, trong khi số còn lại không thể huy động do các điều khoản ràng buộc mang tính phức tạp và ngặt nghèo.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: https://www.vietnamplus.vn/nhieu-nuoc-yeu-cau-eu-bo-sung-ngan-sach-ho-tro-nguoi-ti-nan-ukraine/788104.vnp