Nhật Bản khiến Trung Quốc hổ thẹn vì tàu ngầm

13:01' 30-01-2018
Chiếc tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc bị Nhật Bản phát hiện vì quá ồn ào và là sự hổ thẹn của Hải quân Trung Quốc.


    Hình ảnh chiếc tàu ngầm của Trung Quốc bị phát hiện gần Senkaku được công bố trên báo chí Nhật Bản
    Hình ảnh chiếc tàu ngầm của Trung Quốc bị phát hiện gần Senkaku được công bố trên báo chí Nhật Bản
     

    Nắn gân Nhật Bản

    Hồi giữa tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc đã bị phát hiện ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Theo ông Onodera, chiếc tàu của Trung Quốc là một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.

    Cụ thể, chiếc tàu ngầm của Trung Quốc thuộc lớp Shang bị phát hiện ngày 11/1 trong khi đang hoạt động ngầm ngoài lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

    Tokyo đã phản đối Bắc Kinh, cho rằng sự hiện diện của tàu ngầm này tại khu vực tranh chấp làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên.

    Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tàu ngầm lớp Shang là loại tàu ngầm tấn công mới được trang bị tên lửa hạm đối hạm có tầm bắn tối đa 40 km và ngư lôi.

    Ông Onodera cho biết tàu ngầm này có khả năng mang theo tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân. Ông Onodera nhấn mạnh :"Chúng tôi đặc biệt quan ngại những hành động đơn phương gia tăng căng thẳng. Chúng tôi sẽ sẵn sàng để phản ứng nhanh nếu sự việc tương tự xảy ra".

    Một nguồn tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng Trung Quốc có thể đã phái tàu ngầm đi để thử khả năng tuần tra của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.

    Trong khi đó, báo chí Hong Kong cho biết, chiếc tàu ngầm lớp Shang dài 110m của Hải quân Trung Quốc đã xuất hiện trên vùng biển quốc tế với quốc kỳ Trung Quốc ngày 12/1 sau khi bị Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản theo sát trong 2 ngày.

    Một số chuyên gia quân sự cho rằng tàu ngầm này đã buộc phải nổi lên mặt nước, song một số khác nói rằng hiện vẫn chưa đủ thông tin để khẳng định lập luận đó.

    Máy bay săn ngầm Kawasaki P-1 của Nhật Bản

    Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản từ lâu đã trở nên căng thẳng bởi các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm hải quân Trung Quốc tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

    Các chuyên gia quân sự đánh giá rằng việc hành trình dưới biển của con tàu này sớm bị phát hiện cho thấy nó không hoạt động “đủ êm” như cần thiết. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết các tàu và máy bay chống tàu ngầm đã theo dõi tàu ngầm của Trung Quốc kể từ ngày 10/1.

    Tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc đã được đưa vào hoạt động kể từ năm 2006, với sứ mệnh tại Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương.

    Theo một báo cáo trình Quốc hội Mỹ năm 2017, 2 trong số các tàu ngầm của Trung Quốc, Type 093, được đóng hồi thập niên 2000, và ít nhất 2 tàu ngầm khác, phiên bản cải tiến 093A - được đưa vào biên chế năm 2016.

    Nhật Bản không cho biết con tàu được phát hiện gần lãnh hải của họ là một trong các tàu ngầm loại cũ hay phiên bản được cải tiến, nhưng giới chuyên gia khẳng định đó là tàu ngầm loại mới.

    Tàu ngầm này được cho là có hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng dùng cho tên lửa hành trình chống hạm YJ-18 và được cho là sánh ngang với các tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ - hay ít nhất hoạt động êm hơn tàu lớp Han 091 thế hệ trước.

    Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn một nguồn tin quân sự tại Bắc Kinh yêu cầu giấu tên nói rằng “đây là sự hổ thẹn của Hải quân Trung Quốc” và rằng con tàu này bị phát hiện là bởi nó quá “ồn ào”.

    Còn nhà bình luận quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh cho rằng vụ việc này cho thấy năng lực chống tàu ngầm mạnh mẽ của Nhật Bản, được sự hậu thuẫn về công nghệ của quân đội Mỹ.

    Ông Zhou nói: “Việc tàu ngầm bị phát hiện không phải là điều quá tồi tệ, nó buộc Trung Quốc phải nỗ lực hơn để khiến các tàu ngầm hoạt động êm hơn. Là một cường quốc quân sự, Trung Quốc đủ tự tin để khắc phục các điểm yếu và các thất bại của họ”.

    Năm 2004, một tàu ngầm hạt nhân lớp Han 091 đã bị phát hiện khi nó xâm phạm vùng lãnh hải của Nhật Bản gần địa điểm xảy ra vụ việc mới đây. Tuy nhiên, con tàu này vẫn lặn cho đến khi trở về lãnh hải Trung Quốc, bất chấp sự rượt đuổi của các tàu và máy bay Nhật Bản.

    Tàu ngầm lớp Hán 091 của Trung Quốc

     

    Trong vụ việc mới nhất, có ý kiến cho rằng chiếc tàu ngầm của Trung Quốc đã buộc phải nổi lên mặt nước và rằng việc Hải quân Trung Quốc để các vũ khí của họ bị phát hiện và chụp hình là điều “ngớ ngẩn”.

    Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chiếc tàu Trung Quốc cắm cờ khi nổi lên cũng là một thông lệ. Có nhiều lý do khác để lý giải tại sao con tàu này lại nổi lên, ví dụ như sự cần thiết để trao đổi thông tin, định hướng hay các vấn đề kỹ thuật.

    Giới phân tích quân sự Trung Quốc thì cho rằng tàu ngầm Trung Quốc không tiến vào lãnh hải Nhật Bản, bởi vậy Hải quân Nhật Bản đã vi phạm luật quốc tế khi theo dõi con tàu này.

    Theo báo cáo của Quốc hội Mỹ, Hải quân Trung Quốc có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm hạt nhân lên 6 chiếc, trước khi tạo ra thế hệ tàu ngầm tiếp theo loại 095 mà họ hy vọng sẽ hoạt động êm hơn khi ra mắt vào những năm 2020.

    Còn theo tờ Asahi của Nhật Bản, Trung Quốc đã bộc lộ tham vọng muốn tiến ra các vùng biển xa hơn để phục vụ chủ nghĩa bá quyền trên biển của nước này. Nằm trong lộ trình đó, Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh Hải quân và gia tăng số lượng tàu thuyền trên biển, đặc biệt là tàu ngầm và tàu sân bay.

    Theo đó, bước vào thế kỷ 21, Hải quân Trung Quốc đã dần chuyển từ chiến lược “Phòng ngự biển gần” sang chiến lược “Bảo vệ biển xa” nhằm triển khai năng lực tác chiến tại các vùng biển xa hơn như Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

    Hải quân Trung Quốc đang thể hiện rõ tham vọng vươn xa

    Do đó, Trung Quốc đã chú trọng tới việc phát triển đội tàu sân bay và tàu ngầm, đồng thời bắt đầu cử các đội tàu này tham gia chiến dịch chống cướp biển tại vùng biển Somali trên Ấn Độ Dương từ năm 2013.

    Trước các động thái của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, một số nước lớn trong khu vực tỏ ra rất cảnh giác. Ấn Độ cũng đang xây dựng 1 căn cứ tàu ngầm dưới lòng đất theo mô hình căn cứ tàu ngầm Hải Nam của Trung Quốc để sẵn sàng đối phó với Trung Quốc.

    Hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc tại đây cũng trở thành một vấn đề ngoại giao trong khu vực. Tháng 9/2014, vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Sri Lanka, tàu ngầm Trung Quốc cũng lần đầu tiên cập cảng Colombo tại Sri Lanka trong bối cảnh quan hệ Nhật-Trung rất căng thẳng.

    Sau đó, bất chấp sự phản đối của Ấn Độ, Chính quyền Tổng thống Mahinda Rajapakse thân Bắc Kinh khi đó lại tiếp tục cho phép tàu ngầm Trung Quốc cập cảng. Điều này đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến ông Rajapakse thảm bại trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2015.

    Rút kinh nghiệm đó, Tổng thống Maithripala Sirisena đã từ chối cho tàu ngầm Trung Quốc cập cảng khi Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi thăm Sri Lanka hồi tháng 5/2017.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
Big Sam Market Vùng: Niddrie. Phone: 9366 2237
Xem thêm

chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...


Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2050521


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ