Người ủng hộ Trump lo ngại về Harris, người ủng hộ Harris lo ngại về Trump
Hầu hết cử tri Mỹ nói rằng động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy họ đi bỏ phiếu bầu tổng thống là kỳ vọng về những gì ứng viên có thể làm nếu trở thành người đứng đầu Nhà Trắng.
Nhưng trong nhiều cuộc bầu cử, cử tri cũng bị thúc đẩy bởi nỗi sợ về những gì ứng viên phe kia có thể làm nếu thắng cuộc. Điều này được coi là đặc biệt đúng trong bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP
Người ủng hộ Trump lo ngại về Harris
Chris Monk đến từ Montrose, Colorado, nhân viên bốc dỡ cho hãng vận tải UPS, đã hai lần tới dự sự kiện vận động tranh cử của Donald Trump tại bang chiến trường Michigan và ủng hộ cựu tổng thống nhiệt thành.
Khi được hỏi về nỗi sợ lớn nhất về Phó tổng thống Kamala Harris, Monk cho biết bà nhận thấy ứng viên đảng Dân chủ "không thực sự vì người dân". "Harris chỉ làm những gì tốt cho chính mình và nhóm tinh hoa của bà ấy", Monk nói.
Monk tin rằng nền kinh tế Mỹ "đã chịu tổn thất lớn" và sẽ chỉ thiệt hại hơn nữa nếu Harris đắc cử. Theo bà, với tư cách là Phó tổng thống trong gần 4 năm qua, Harris đã có cơ hội giải quyết vấn đề lạm phát và thực hiện những hành động khác mà bà từng hứa hẹn, nhưng vẫn chưa làm được gì nhiều.
"Tôi ở đây để ủng hộ Trump vì tôi tin rằng ông ấy thực sự vì người dân và đây là điều chúng ta cần ở một người lãnh đạo đất nước", Monk nhấn mạnh.
Scott Doyen, nhà thầu xây dựng tại Bay City, Michigan, đã dán lên xe bức ảnh Trump với khuôn mặt đầy máu, giơ nắm đấm lên cao sau vụ ám sát hụt ở Pennsylvania hồi tháng 7. Doyen cho biết lý do chính khiến ông không bỏ phiếu cho bà Harris là nỗi sợ về làn sóng nhập cư trái phép vào Mỹ.
"Nếu những người di cư trái phép tiếp tục vượt biên với số lượng lớn, sẽ có bao nhiêu người trong số đó là thành viên băng đảng hay tội phạm?", ông đặt câu hỏi, lặp lại những tuyên bố của Trump rằng người di cư "mang gene xấu" vào Mỹ.
Là một nhà thầu chuyên xây dựng nhà ở, Doyen cho hay ông đã bị cạnh tranh gay gắt bởi những lao động nhập cư không giấy tờ sẵn sàng chấp nhận công việc với thù lao thấp hơn nhiều. Ông nói rằng đã nghe được không ít lời phàn nàn từ khách hàng về chất lượng công trình do lao động nhập cư thi công.
Ông Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Saginaw, Michigan, hôm 3/10. Ảnh: AFP
"Chất lượng đi đôi với chi phí", ông nói. "Lao động giá rẻ không thể mang tới chất lượng cao".
Harris "đơn giản là không quan tâm đến người dân Mỹ", Doyen cho hay. "Nếu bà ấy được bầu, người dân Mỹ sẽ phải hối tiếc".
Sarah O'Dea, đến từ Frankenmuth, thành phố khác thuộc bang Michigan, cho hay vấn đề biên giới, nhập cư và giá cả hàng hóa là những nỗi sợ lớn nhất của bà nếu Harris trở thành tổng thống.
"Đây là lần đầu tiên trong đời tôi phải dùng máy tính khi đi mua hàng tạp hóa và điều đó thật đáng buồn", bà nói. "Chúng tôi yêu Trump vì chúng tôi muốn thấy nước Mỹ trở lại như thời ông ấy còn làm tổng thống".
Người ủng hộ Harris lo ngại về Trump
Shonda Edgerle, 51 tuổi, quản lý một cơ sở lắp ráp xe bán tải của General Motors tại thành phố Flint, Michigan, là người ủng hộ Phó tổng thống Harris. Edgerle cho hay bà biết nhiều người, giống như bà, đứng về phía ứng viên đảng Dân chủ nhưng không dám nói ra vì sợ bị những người ủng hộ cựu tổng thống Trump quấy rối.
Edgerle lo ngại nhất về việc Trump nếu thắng cử sẽ tiếp tục công kích quyền phá thai của phụ nữ và theo đuổi chương trình nghị sự cực đoan. "Điều đó thật đáng sợ với tôi", bà nói.
LaShawn Lenton, 53 tuổi, đã có 13 năm làm nhân viên quản giáo ở Michigan và lo sợ có thể bị "tước mất tự do" nếu cựu tổng thống Trump đắc cử.
"Tôi có con và cháu. Tôi thực sự tin rằng chúng ta nên tôn trọng quyền của phụ nữ. Tôi thực sự ủng hộ và tôi cảm thấy rằng không ai, đặc biệt là chính phủ, có thể kiểm soát những gì phụ nữ có thể làm với cơ thể mình", bà nói, đề cập tới quyền phá thai.
Eugene Behme, 66 tuổi, là thợ lắp ống nước ở Flint, đến buổi vận động tranh cử của Phó tổng thống Harris ở thành phố này hôm 4/10 vì "muốn có một đám đông lớn để chọc tức Trump".
Behme nói đùa rằng nỗi sợ lớn nhất nếu Trump thắng cử lần nữa là ông sẽ phải chuyển đến Canada. Behme cho biết hành động của Trump trong cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1/2021 khiến cựu tổng thống không có tư cách tranh cử và ông thực sự lo lắng về tương lai nước Mỹ nếu Trump quay trở lại.
"Ông ấy có cả một đội quân những người ủng hộ. Điều đó được thể hiện rõ ràng vào ngày 6/1", Behme nói. "Có những cá nhân, giáo phái đang theo dõi từng lời ông ấy nói. Và vì vậy, nếu Trump được bầu lại, đội quân của ông ấy sẽ tràn ra đường, thử tưởng tượng quyền lực mà ông ấy có với đội quân này? Thật đáng sợ".
James Logie, 27 tuổi, cũng đến từ Flint, mắc bệnh động kinh và hiện sống nhờ khoản trợ cấp 1.000 USD mỗi tháng cho người khuyết tật. Một số tháng, chi phí thuốc men của anh lên tới 500 USD. Logie cho biết Phó tổng thống Harris và Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực để giảm chi phí thuốc kê đơn cho những người như anh.
Bà Harris tại buổi vận động tranh cử ở Flint, Michigan, hôm 4/10. Ảnh: AFP
Logie lo lắng cho tương lai nếu cựu tổng thống Trump đắc cử, sợ rằng ông sẽ thực sự áp dụng cái gọi là Dự án 2025, tài liệu gồm các đề xuất theo hướng bảo thủ bị chỉ trích là "cực đoan", do nhiều người liên quan đến cựu tổng thống soạn thảo.
"Tôi đã nghe rất nhiều về Dự án 2025 và những ảnh hưởng nó có thể gây ra với mọi người, đến phụ nữ và quyền sinh sản của họ, thuế bán hàng", anh nói. "Tôi không biết nó có đề xuất nào liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe không, nhưng dựa trên những điều tôi nghe được, nó khá đáng sợ".
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/noi-lo-lang-cua-cu-tri-my-ve-harris-va-trump-4801919.html