Người Thổ Nhĩ Kỳ tuyệt vọng dưới đống đổ nát
Khi niềm hy vọng mờ dần cũng là lúc nỗi đau buồn và tức giận trào dâng trong lòng cô gái 23 tuổi vì phản ứng chậm chạp của chính quyền sau thảm họa động đất nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua ở Gaziantep, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Trận động đất 7,8 độ lúc rạng sáng 6/2 đã giết chết hơn 9.500 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, hàng chục nghìn nạn nhân bị thương, nhiều người không nơi trú ẩn trong giá rét mùa đông.
Người phụ nữ khóc khi xem nhân viên cứu hộ tìm kiếm trong đống đổ nát ở Diyarbakir, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7/2. Ảnh: AFP
"Tôi không còn nước mắt để khóc", Firat nói, nhắc đến người anh họ mắc kẹt dưới đống đổ nát của tòa nhà bị san phẳng do động đất ở thành phố Ganziantep.
Không đội cứu hộ nào có mặt tại hiện trường trong 12 giờ quan trọng đầu tiên sau thảm họa, buộc người thân của nạn nhân và cảnh sát địa phương phải đào bới bằng tay, theo các nhân chứng. Khi lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp đến vào tối 6/2, họ chỉ làm việc vài tiếng rồi nghỉ ngơi.
"Người dân đã vô cùng tức giận và phản ứng với lực lượng cứu hộ vào sáng 7/2. Cảnh sát đã phải can thiệp", Celal Deniz, 61 tuổi, có em trai và các cháu vẫn mắc kẹt, nói.
Trong giá rét, Deniz và người nhà cố tìm chỗ sưởi ấm quanh đống lửa nhóm ngoài trời, không xa tòa nhà bị phá hủy.
"Không có nơi nào mà đội cứu hộ của chúng tôi không thể tiếp cận", Kerem Kinik, người đứng đầu tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ của Thổ Nhĩ Kỳ, nói trên truyền hình.
Tuyên bố này khiến Deniz bất bình. "Họ không biết các nạn nhân đã trải qua những gì", ông nói. "Tất cả các loại thuế chúng tôi nộp từ năm 1999 biến đi đâu rồi?"
Ông nhắc tới "thuế động đất", được áp dụng sau trận động đất lớn tàn phá diện rộng khu vực tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ và giết chết 17.400 người hơn 20 năm trước. Số tiền thuế thu được ước tính 4,6 tỷ USD, dùng để phòng chống thiên tai và phát triển các cơ quan cứu hộ khẩn cấp. Nhưng cách chính phủ sử dụng số tiền đó không được công khai.
Khi không có đủ lực lượng cứu hộ, các tình nguyện viên cho hay họ phải tự đào bới và làm những công việc nặng nhọc để tìm kiếm nạn nhân.
"Chúng tôi đến giúp đỡ những người đáng lẽ được tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ giải cứu", Ceren Soylu, thành viên một nhóm tình nguyện do đảng Iyi đối lập thành lập, nói.
Sự hiện diện của đảng Iyi tại hiện trường là lời cảnh báo với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người sẽ tái tranh cử vào tháng 5. Cách ông xử lý hậu quả trận động đất có thể tác động lớn tới kết quả bầu cử.
Ở Gaziantep, nơi những dư chấn mạnh vẫn xảy ra, cư dân đang sống trong cảnh thiếu thốn mọi thứ. Hàng quán đóng cửa, không có khí sưởi vì đường ống dẫn gas bị khóa để tránh cháy nổ, đường sá hư hỏng nặng, xăng dầu khan hiếm. Chỉ có các tiệm bánh vẫn mở cửa, cùng dòng người xếp hàng dài.
Một số khu vực hẻo lánh hứng chịu thiệt hại nặng nề, nhưng lực lượng cứu hộ và viện trợ nhân đạo chưa thể tiếp cận.
"Đường bị phá hủy, rất khó để đưa hàng viện trợ tới những khu vực này", Gokhan Gungor, đầu bếp tình nguyện phân phát thực phẩm cho người sống sót, nói. "Ở đó người dân thiếu nước và thức ăn".
Người sống sót vây quanh đống lửa sưởi ấm ở Kahramanmaras, gần tâm chấn động đất, ngày 7/2. Ảnh: AFP
Nhiều người sống sót cảm thấy bị bỏ rơi vì phải tự mình chiến đấu với thời tiết lạnh giá. Một số người không kịp xỏ giày, mặc quần áo ấm khi vội lao khỏi nhà để tránh động đất.
Chiều 7/2, lực lượng cứu hộ và chó nghiệp vụ tiếp tục được triển khai tới Gaziantep.
Nhưng đã quá muộn, một phụ nữ giấu tên cho biết. Cô cho hay dì của mình vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát. "Chúng tôi đang chờ chết", cô nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nguoi-tho-nhi-ky-tuyet-vong-tuc-gian-vi-chien-dich-cuu-ho-cham-chap-4568132.html