Người thành thị vỡ mộng bỏ phố về quê
Với Andrew Joseph, cuộc sống nông thôn được tóm gọn trong hai chữ: hải ly. Ông đã rất khổ sở với những con hải ly con bơi trong khuôn viên nhà rộng hơn 16.000m2, ở thị trấn Saugerties, New York. Nơi đó, ông chủ công ty PR ở Manhattan và bạn đời, Paul Pearson, đến tránh dịch từ tháng 3/2020.
"Tôi nhanh chóng nhận ra hải ly là những sinh vật khủng khiếp, khó chịu và phá hoại. Chúng đã đắp đập ở ba nơi trên con suối nhỏ, tạo thành một đầm lầy sau nhà tôi và xây một cái hang to như cái xe tải nhỏ", người đàn ông 51 tuổi nói.
Ông nộp đơn xin giấy phép săn bắt và chờ người đánh bẫy hải ly tới. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra sơ bộ, người này không xuất hiện nữa. Rồi một đêm, vợ chồng Joseph nghe tiếng nổ súng từ nhà hàng xóm. Những con hải ly biến mất.
Andrew Joseph sống ở Saugerties, một thị trấn nhỏ cách thành phố New York hai giờ lái xe về phía Bắc. Ảnh: Tony Cenicola
Hai mùa đông xảy ra đại dịch, người New York chuyển đến vùng ngoại ô hoặc xa hơn để tránh nơi đông người. Quyết định chuyển đến nơi ở mới đa phần chỉ được tìm hiểu qua mạng xã hội.
Nhưng đến những người nhiệt tình nhất với cuộc sống thôn dã cũng thừa nhận có hàng loạt nhược điểm không lường trước như sâu bệnh, thiệt hại tài sản, cô lập xã hội, phụ thuộc vào ôtô, khan hiếm người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc trẻ em. Những thứ đó, người ở nông thôn đang phải vật lộn cả đời.
Những người kém nhiệt tình hơn chọn quay lại thành phố hoặc hy vọng sẽ sớm làm được vậy khi đủ tiền mua nhà, khi thị trường bất động sản New York đang tái bùng nổ.
Theo một báo cáo của cơ quan thống kê bang New York, tháng 11/2021, xu hướng di cư khỏi thành phố hồi tháng 3/2020 tự đảo ngược vào tháng 7/2021, khi trường học, văn phòng và hoạt động nghệ thuật, giải trí mở cửa.
Rebekah Rosler, 42 tuổi, thành lập nhóm Facebook tên "Into the Unknown" (Về miền hư vô) đầu năm 2020 cho biết có hai tháng cực trong số 13.500 thành viên. Thái cực thứ nhất, theo Rosler, là người New York bị đại dịch thôi thúc thực hiện sớm giấc mơ rời thành phố và không hề thất vọng. Còn lại là những người rời đi một cách bốc đồng hơn và giờ háo hức trở lại.
Jasmine Trabelsi (42 tuổi, ở Williamsburg, Brooklyn) thuộc thái cực thứ hai. Mùa thu năm 2020, cô cùng chồng bỏ phố đến Woodstock. Đôi vợ chồng làm trong ngành công nghệ quyết định mua ngôi nhà ba phòng ngủ ở đây, giá khoảng 600.000 USD, chỉ sau vài phút.
Sự hưng phấn không kéo dài bao lâu. "Chúng tôi có vài người bạn ở khu vực này, nhưng Covid không phải thời điểm thích hợp để đến một nơi mà bạn ít người thân quen", cô nói. Nhiều ngôi nhà gần đó chủ chỉ ở theo mùa nên rất vắng vẻ. Nhà Trabelsi ở trên đỉnh núi nên cô thấy cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp và dịch vụ rất xa vời.
Giữa tháng 8/2021, khi Trabelsi bị thương ở lưng và gặp khó khi tìm bác sĩ điều trị. Cả gia đình đành trở lại nhà ở Brooklyn và dự định bán ngôi nhà ở Woodstock sau mùa trượt tuyết, vì con gái thích môn này. "Sau lần này, tôi nhận ra mình là một người thành phố chính gốc", cô nói.
Annette Schaich, 58 tuổi và chồng dọn dẹp khu vườn trong trang trại hơn 80.000m2, ở phía nam New Hampshire. Ảnh: Tony Cenicola
Annette Schaich, 58 tuổi, làm việc trong ngành thiết kế ở New York trải qua đại dịch ở phía nam New Hampshire. Đôi vợ chồng quản lý một trang trại hơn 80.000 m2, khiến sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng. "Tôi bị đau lưng hơn hai năm trước khi căt cỏ. Đây là một trong những hiểm họa của cuộc sống nông thôn", bà nói.
Chồng bà ngã từ trên thang xuống khi sửa chuồng trại, dẫn đến gãy đầu gối. Chồng Schaich may mắn tìm được bệnh viện như ý. Bà cho biết, không phàn nàn gì cuộc sống nông thôn, nhưng sẽ hạnh phúc hơn nếu có nhiều món ăn hơn.
Tuy nhiên, ở thị trấn Saugerties, ông Joseph, người bị ám ảnh bởi những con hải ly đã đảo ngược quản điểm về nơi sống lý tưởng. Ngôi nhà ở nông thôn của ông bị mất điện sau trận bão tuyết vào đầu tháng này. Ông đã sống hai đêm trước khi chạy trốn đến căn hộ ở Harlem. Khi thành phố phục hồi sức sống, ông cũng chăm chỉ về lại thành phố hơn.
"Nông thôn là nơi hoàn hảo để tránh xa đại dịch, nhưng tôi lại thèm muốn năng lượng đô thị. Tôi khát khao điều đó", ông nói.
Xem thêm
Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/vo-mong-bo-pho-ve-que-4432395.html