Người Mỹ nhận ra Covid-19 không thể nhanh chóng biến mất

03:00' 20-08-2021
Nhiều người Mỹ từng đón mùa hè với niềm tin rằng Covid-19 sẽ sớm biến mất ở Mỹ, nhưng sau đó nhận ra chỉ còn cách sống chung với nó.


    Người Mỹ đang bước vào một giai đoạn mới đáng thất vọng của đại dịch, khi họ nhận ra rằng Covid-19 không thể sớm biến mất. Một quốc gia từng chờ mong đại dịch chấm dứt giờ buộc phải điều chỉnh lại cách tiếp cận với Covid-19.

    "Chúng tôi không thể mong đợi nó biến mất để không bao giờ phải nghĩ về nó nữa", Emily Martin, nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan, nói.

    Mùa hè năm nay ở Mỹ bắt đầu với những tín hiệu đầy lạc quan. Mỹ ghi nhận tổng số ca nhiễm mới thấp nhất từ đầu đại dịch, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho phép người đã tiêm chủng đầy đủ có thể bỏ khẩu trang ở hầu hết mọi nơi.

    Nhưng chỉ vài tuần sau, đợt bùng phát mới xuất hiện với chủng Delta lây lan nhanh, khiến nhiều bệnh viện một lần nữa đối mặt nguy cơ quá tải. Tỷ lệ nhập viện đã chạm ngưỡng cao nhất kể từ mùa đông. Tại nhiều khu vực ở phía nam, gồm các bang như Mississippi, Louisiana và Florida, biến chủng Delta khiến số ca nhiễm tăng kỷ lục và gây áp lực cho các phòng điều trị đặc biệt.

    "Tôi từng nghĩ rằng mọi thứ đã tốt lên", Anthony Monteiro, 30 tuổi ở Tampa, bang Florida, người cung cấp thiết bị y tế cho các bệnh viện, nói. "Có quá nhiều bệnh nhân Covid-19. Tôi cảm thấy nCoV ở khắp mọi nơi trong không khí".

    Khoảng 130.000 ca nhiễm mới được báo cáo ở Mỹ mỗi ngày, gần gấp đôi mức cao nhất mùa hè năm ngoái. Dù một số điểm nóng ban đầu của mùa hè như Missouri và Nevada đã có những tín hiệu tích cực, phần lớn đất nước tiếp tục ghi nhận số ca tăng mạnh.

    Người dân đeo khẩu trang xuống phố ở Lake Oswego, bang Oregon hôm 11/8. Ảnh: AP.

    Người dân đeo khẩu trang xuống phố ở Lake Oswego, bang Oregon hôm 11/8. Ảnh: AP.

    Trong đợt bùng phát mới nhất, Mỹ đã được trang bị những loại vaccine hiệu quả cao để ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Vaccine được cung cấp miễn phí cho tất cả người từ 12 tuổi, nhưng mới chỉ một nửa dân Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ, với tốc độ khoảng 700.000 liều mỗi ngày, tăng nhẹ sau khi Delta xuất hiện.

    Các bang miền nam có tỷ lệ tiêm chủng thấp là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bùng phát mới. Tuy nhiên, ngay cả những bang có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn, số ca nhiễm cũng đang gia tăng. Oregon và Hawaii, hai bang có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, đã ghi nhận số ca nhiễm hàng tuần cao kỷ lục, trong khi số ca nhiễm mới hàng ngày cũng tăng gấp đôi ở các khu vực được tiêm chủng nhiều tại New England.

    Nhưng phần lớn đất nước vẫn mở cửa. Ngoại trừ Hawaii, nơi Thống đốc gần đây áp các biện pháp hạn chế tụ tập và dùng bữa tại nhà hàng, hầu hết giới chức các bang khác tránh động thái tương tự và không đóng cửa doanh nghiệp, thay vào đó chọn triển khai quy định đeo khẩu trang hoặc thúc đẩy tiêm chủng.

    Louisiana và Oregon đã khôi phục quy định đeo khẩu trang. San Francisco yêu cầu chứng nhận tiêm chủng tại các nhà hàng, quán bar và phòng gym. Một số học khu và thành phố cũng yêu cầu đeo khẩu trang, trong khi nhiều nhà tuyển dụng và trường học thông báo kế hoạch yêu cầu tiêm chủng.

    Tại Jackson, bang Mississippi, Thị trưởng Chokwe Antar Lumumba vẫn giữ quy định khẩu trang sau thông báo nới lỏng của CDC hồi tháng 5. Những ngày gần đây, khi số ca nhiễm và nhập viện tăng mạnh, ông Lumumba thông báo nhân viên thành phố phải sớm trình chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm thường xuyên. Thị trưởng Jackson nói các biện pháp hạn chế khác, như về kinh doanh, đang được xem xét.

    Nhưng một số quan chức khác không ủng hộ hạn chế mới hoặc lo rằng biện pháp kiểm soát có thể phản tác dụng và gây chia rẽ giữa đại dịch. CDC đã khuyến cáo đeo khẩu trang trở lại nhưng không khuyến nghị đóng cửa doanh nghiệp.

    Một khảo sát của Gallup thực hiện cuối tháng 7, khi số ca nhiễm bắt đầu tăng, chỉ ra 59% người trả lời cho rằng đây là khuyến nghị tốt để những người khỏe mạnh trở lại cuộc sống bình thường, trong khi 41% nghĩ tốt hơn là ở nhà nhiều nhất có thể.

    "Tôi không tin quy định y tế cộng đồng trong tương lai có thể hiệu quả hơn những gì đã thấy ở quá khứ. Chúng đều không đủ hiệu quả", Dan Partridge, giám đốc Sở Y tế hạt Lawrence-Douglas ở Kansas, nói. Ông khuyến nghị đeo khẩu trang và tiêm chủng, nhưng không muốn áp quy định bắt buộc hoặc hủy sự kiện.

    Thống đốc Kentucky Andy Beshear, thành viên đảng Dân chủ, nói ông lo ngại đợt bùng phát mới sẽ trở thành giai đoạn chết chóc nhất trong đại dịch, nhưng không có ý định áp phong tỏa lần nữa. Khoảng 47% dân số bang đã tiêm chủng đầy đủ.

    "Chúng tôi đã có vaccine, đồng nghĩa không cần phải đóng cửa lần nữa", Beshear nói. "Chúng tôi có thể chống lại đợt bùng phát này, với những người đã tiêm chủng và đeo khẩu trang khi cần".

    Nhiều người Mỹ sống ở các thành phố từng đánh bại Covid-19 cho biết họ giờ nhận ra rằng nó chưa từng biến mất. Tại New Bedford, thành phố ở bang Massachusetts với khoảng 100.000 người, số ca nhiễm đã giảm xuống mức chưa tới 5 ca mỗi ngày hồi tháng 6. Hiện tại, ca nhiễm mới là 40 ca mỗi ngày, nhưng thành phố không có động thái sẽ đóng cửa hoặc hạn chế kinh doanh.

    Stephen Silva, tài xế 65 tuổi, nói kể từ khi dịch bùng phát, ông đã "thận trọng nhất có thể", bằng cách đeo khẩu trang, tiêm chủng và tránh nơi đông người. Điều ông từng mơ là trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng giờ hy vọng đó dần biến mất.

    "Tôi không biết khi nào cuộc sống có thể trở lại như chúng ta từng biết", Silva nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nguoi-my-tan-mong-covid-19-bien-mat-4341685.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ