Người đàn ông 3 lần tự sát vì mắc bệnh trầm cảm

19:00' 29-09-2020
Nhiều năm mắc bệnh trầm cảm và cho rằng bản thân là gánh nặng đối với gia đình, người đàn ông ở Hà Nội đã tìm đến cái chết.


    Biến cố xảy ra không được giải quyết trong 2 tuần đầu tiên sẽ trở thành nguyên nhân gây trầm cảm, ảnh hưởng tâm lý con người. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể diễn biến thành mạn tính, dẫn đến ý tưởng tự tử, thậm chí làm hại bản thân và người xung quanh.

    Bệnh nhân M. (57 tuổi, Hà Nội), điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Hà Nội), cho biết ông lấy vợ năm 1993, có 2 con.

    "Tôi được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm từ năm 1996 sau khi chủ động tới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm khám. Thời điểm đó, tôi làm tài xế cho một cơ quan nhưng sau này, họ giải thể. Khó khăn khi tìm việc, tôi lang thang, phụ bán hàng, làm việc vặt và bắt đầu uống rượu", ông M. chia sẻ.

    benh nhan tu sat 3 lan anh 1

    Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Hà Nội) có hành vi tự sát nhiều lần. Ảnh minh họa: Quốc Vương.

    Tuy nhiên, mất việc và trở thành gánh nặng kinh tế không phải nguyên nhân chính dẫn tới trầm cảm. Việc lái xe đường dài, luôn lao động với cường độ cao nhưng đột ngột rảnh rỗi khiến ông M. hụt hẫng.

    Năm 1996, ông được điều trị nội trú tại Bạch Mai trong 2 tháng. Sau thời gian này, ông xuất viện, điều trị ngoại trú kết hợp uống thuốc và có kết quả tích cực. Tuy nhiên, 10 năm sau, căn bệnh quái ác trở lại.

    3 lần cố gắng tự sát

    Năm 2004, 27 ngày sau khi vợ chồng ông M. sinh thêm một bé trai, cháu được tiêm phòng tại trạm xá y tế và không may tử vong. Ông M. u uất và quyết định tự sát lần đầu tiên với 2 nắm thuốc điều trị trầm cảm. May mắn, vợ ông về nhà sớm, phát hiện và đưa chồng đi cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

    "Khi hồi tỉnh, tôi có cảm giác buồn, u uất và không thấy hối hận", bệnh nhân chia sẻ. Sau khi hồi phục, ông tới Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) để điều trị tâm thần bằng máy sốc điện.

    Lần tự sát thứ 2 xảy ra vào tháng 10/2018. Ông M. nhịn ăn 16 ngày và cân nặng còn hơn 30 kg (trầm cảm từ chối ăn). Dù được mọi người khuyên nhủ, ông nhất quyết không ăn bất cứ thứ gì. Ông M. nằm trên giường đến khi gần ngất xỉu và được gia đình đưa trở lại bệnh viện điều trị.

    Mới đây, sau khi xuất viện 23 ngày, ông xích mích với đám thanh niên gần nhà và có biểu hiện mất kiềm chế, gây thương tích cho một người trong số đó. Sau khi hết kích động, ông chia sẻ mình cảm thấy có lỗi.

    Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Chỉnh, khoa 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, giải thích: "Hành vi này có thể liên quan tình trạng trầm cảm của bệnh nhân. Trong trầm cảm, bệnh sẽ xuất hiện 2 loại khí sắc là giảm và kích thích. Khí sắc kích thích là bệnh nhân bị tác động về mặt tâm lý bởi môi trường và phản ứng mạnh hơn, thậm chí đánh nhau, đập phá nhưng sau đó giảm xuống trạng thái buồn".

    Biến cố trên là cú sốc với ông M. Bệnh nhân cảm thấy cuộc sống quá khắc nghiệt và không thể hòa hợp nên quyết định dùng mảnh sắt, tự rạch cổ tay trái nhằm tự sát.

    benh nhan tu sat 3 lan anh 2

    Vết sẹo trên cổ tay trái do hành vi tự sát của ông M. Ảnh: Quốc Vương.

    Bệnh nhân may mắn được phát hiện sớm và cấp cứu trong tình trạng đứt gân. Sau 10 ngày, ông được chuyển tới Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 với cổ tay được cố định bằng nẹp.

    Kiên trì điều trị và cố gắng vượt qua

    Người đàn ông này tâm sự: "Trong những lần tự sát, tôi cũng không rõ lý do bản thân buồn bã, ủ rũ. Tôi không giao tiếp với ai và luôn có tâm trạng chán nản. Chỉ một khó khăn rất nhỏ, tôi cũng tự nghĩ nó lớn, dẫn đến tự sát".

    Thạc sĩ Nguyễn Hữu Chỉnh cho biết bệnh nhân khi nhập viện xuất hiện triệu chứng buồn chán, bi quan về cuộc sống, nghĩ bản thân không còn giá trị. Ông cho rằng mình là gánh nặng của gia đình khi họ đã tốn nhiều công sức nhưng không có kết quả.

    "Dù được phát hiện sớm, bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Bệnh nhân điều trị nội trú ổn nhưng khi trở về nhà không uống thuốc theo chỉ dẫn", thạc sĩ Chỉnh cho hay.

    Thông thường, các bệnh nhân trầm cảm trên 45 tuổi phải dùng thuốc cả đời. Nguyên nhân là thuốc chỉ giúp điều trị triệu chứng. Bệnh nhân sẽ bộc phát bệnh ngay khi dừng uống thuốc.

    benh nhan tu sat 3 lan anh 3

    Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Chỉnh, khoa 1, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Ảnh: Quốc Vương.

    Sau thời gian điều trị, bệnh nhân tiến triển tích cực. Tuy nhiên, tình trạng sức khỏe tâm thần chưa trở về mức bình thường. Bệnh nhân tiếp tục mất ngủ, còn triệu chứng buồn chán, bi quan và lo âu.

    Theo thạc sĩ Chỉnh, ý tưởng tự sát của bệnh nhân đôi khi vẫn xuất hiện. Do đó, các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi hành vi của bệnh nhân. Ngoài ra, hướng điều trị sắp tới là duy trì thuốc chống trầm cảm, bệnh nhân được kết hợp kiểm tra tâm lý.

    Chuyên gia này khuyến cáo: "Bệnh trầm cảm có thể xảy ra ở mức độ nặng hoặc nhẹ. Tuy nhiên, hành vi tự sát có thể gặp ở mọi thể. Ngay khi có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, bệnh nhân buộc phải nhập viện điều trị".

    Điểm đặc biệt của hành vi tự sát ở bệnh nhân trầm cảm là họ rất tỉnh táo. Do đó, họ có khả năng sắp xếp việc tự tử hợp lý nhằm tăng tỷ lệ thành công. Nếu không điều trị, giám sát kịp thời, khả năng bệnh nhân trầm cảm tự sát thành công rất lớn. Một số phương pháp thường được họ lựa chọn là uống thuốc, cắt tay hay treo cổ.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Steve's Liquor Vùng: Springvale Sth. Phone: 9708 2535
Xem thêm

Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/nguoi-dan-ong-3-lan-tu-sat-vi-mac-benh-tram-cam-post1133483.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ