Người chần chừ tiêm chủng ở Singapore sẽ trở nên lạc lõng
Khi chính phủ Singapore tháng trước công bố các biện pháp phân biệt rõ ràng những người tiêm và chưa tiêm vaccine Covid-19, chúng đã đạt hiệu quả tức thì. Tỷ lệ tiêm chủng tăng vọt, từ 70% dân số đủ điều kiện đã hoàn thành phác đồ tiêm hai mũi vào ngày 8/8 lên 78% hai tuần sau đó.
Các nhà hàng mở cửa trở lại phục vụ ăn uống tại chỗ từ ngày 10/8 đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ, và một tuần sau, các quy tắc về làm việc tại nhà được nới lỏng, cho phép khoảng 50% nhân viên trở lại văn phòng. Trung tâm thương mại và rạp chiếu phim được đón thêm khách đã tiêm chủng và việc đo thân nhiệt tại cửa ra vào cũng dừng lại.
Một nhân viên y tế được tiêm vaccine Covid-19 tại Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm của Singapore hồi tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Reuters.
Bà mẹ hai con tên Ong, 38 tuổi, do dự về công nghệ vaccine mRNA và trì hoãn tiêm chủng càng lâu càng tốt vì lo ngại về các phản ứng bất lợi từ những loại vaccine mà cô cho là được phát triển quá nhanh.
"Tôi lo ngại về tình trạng viêm cơ tim, một trong những tác dụng phụ tiềm ẩn của vaccine", cô nói. WHO đã nhiều lần khẳng định tác dụng phụ này rất hiếm gặp và lợi ích của vaccine vượt xa rủi ro tiềm tàng.
Khi chính phủ Singapore công bố các biện pháp hạn chế mới đối với người chưa tiêm chủng, Ong cho biết cô cảm thấy vô cùng áp lực. "Tôi thấy như mình là một kẻ bị xã hội ruồng bỏ", cô chia sẻ. "Vì thế, tôi miễn cưỡng quyết định tiêm vaccine để có thể hưởng cảm giác tự do".
Ong chọn vaccine Pfizer và đã tiêm mũi thứ nhất. Sau mũi tiêm đầu tiên, cô mệt mỏi, đau đầu và buồn nôn trong hai ngày. Trong lúc chờ đợi được chứng nhận tiêm chủng đầy đủ, trạng thái chỉ có hiệu lực hai tuần sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai, cô ăn uống tại nhà và không giao tiếp xã hội như trước đây.
Các quy định có hiệu lực từ ngày 10/8 tại Singapore cấm những người trên 13 tuổi chưa tiêm vaccine dùng bữa tại nhà hàng. Người chưa tiêm chủng cũng bị cấm đến phòng gym khép kín hay tham gia các lớp thể dục trong nhà không đeo khẩu trang và được khuyến khích chỉ tụ tập tối đa hai người.
Có nhiều cách để giải quyết vấn đề này, nhưng chúng khá tốn kém. Một người chưa tiêm vaccine có thể dùng bữa trong nhà hàng nếu mang theo kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính do cơ sở y tế cấp với mức phí 22,5-48,5 USD.
Lim, 42 tuổi, giáo viên dạy nhảy, đã tiêm đủ hai mũi vaccine và tin rằng tiêm chủng là hành động cao cả nhằm phục vụ lợi ích của toàn nhân loại.
"Tất cả chúng ta đều khao khát kết nối. Nếu tiêm chủng có thể giúp xây dựng lại các kết nối, hoạt động kinh doanh, mở cửa trở lại du lịch thì tôi rất vui khi làm điều đó", cô nói.
Lim nhận thấy có sự chia rẽ giữa người tiêm chủng và người chưa tiêm trên mạng xã hội. Cô cho rằng thông tin sai lệch đã gây ảnh hưởng xấu đến một bộ phận cộng đồng.
Biển quảng cáo tại một nhà hàng ở khu Chinatown, Singapore, có dán lưu ý chỉ phục vụ khách hàng đã tiêm vaccine. Ảnh: Reuters.
"Những người đã tiêm vaccine đang tiếp tục cuộc sống, nhưng những người bài vaccine đang tự khiến họ phải chịu nhiều tổn thương tinh thần hơn khi thổi bùng giận dữ trên mạng xã hội", Lim cho hay.
Tính đến ngày 13/9, 81% trong 5,9 triệu dân Singapore đã tiêm hai mũi vaccine Pfizer và Moderna. Gần đây, Singapore đã cho phép tiêm một số loại vaccine khác nằm trong danh sách sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bao gồm Sinovac của Trung Quốc.
Tan là một trong số những người chưa tiêm chủng. Gần 40 tuổi và đang cho con bú, Tan cho biết lý do chính khiến cô quyết định không đi tiêm là vì chưa có kiến thức đầy đủ về tác dụng phụ của vaccine mRNA đối với trẻ em.
"Chưa có nghiên cứu dài hạn nào về ảnh hưởng của công nghệ mRNA lên cơ thể người, vậy nên, tôi chọn cách đặt niềm tin vào hệ thống miễn dịch của mình và các chiến lược tăng cường miễn dịch khác mà tôi đã sử dụng thời gian qua", cô nói. Tan uống thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C, D và kẽm, đồng thời theo đuổi chế độ ăn hoàn toàn từ thực vật và tập thể dục thể thao thường xuyên.
Là người tin tưởng mạnh mẽ vào quyền tự do và trách nhiệm cá nhân, Tan cho rằng những người chưa tiêm chủng đang bị phân biệt đối xử ở Singapore, song cô không quan tâm đến các hạn chế mà người chưa tiêm chủng như cô phải chịu. "Nếu mọi người muốn phán xét tôi thì đó là việc của họ", Tan cho hay.
Sau một năm rưỡi sống dưới các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, nhiều người dân Singapore quyết định tiêm chủng để giúp đất nước mở cửa trở lại một cách an toàn. Nhưng số ca Covid-19 đang có xu hướng tăng trở lại khiến chính quyền phải khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động xã hội không thiết yếu.
Với Ong, cô không khỏi cảm thấy thất vọng trước các thông báo gần đây từ giới chức. "Với hơn 80% dân số đã tiêm vaccine, chính phủ vẫn khuyến cáo người dân tránh các hoạt động xã hội và ban hành những quy định xét nghiệm mới liên tục thay đổi và rất khó hiểu", Ong than thở.
Cô muốn Singapore trở lại "cuộc sống bình thường" nhưng vẫn muốn mọi người tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng. "Chúng ta phải chấp nhận sự thật là hầu hết mọi người sẽ mắc Covid-19, nhưng rồi sẽ hồi phục", Ong nói.
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nguoi-chan-chu-tiem-chung-lac-long-o-singapore-4357186.html