Ngoài Italy và Đức, Pháp cũng là tâm điểm của dịch COVID-19 ở châu Âu
Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tại khu cách ly của một bệnh viện ở Cremona, miền Bắc Italy. (Ảnh: AFP)
Cơ quan Y tế công cộng Pháp công bố cuối ngày 4/3 cho biết thêm 73 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 lên 285 người.
Cùng với Italy và Đức, Pháp là một trong những tâm điểm của dịch COVID-19 ở châu Âu. Nước này vẫn đang ở giai đoạn 2 của dịch bệnh và dường như sẽ không thể thoát khỏi giai đoạn 3 khi dịch được chính thức công bố với hàng loạt các biện pháp nghiêm ngặt được áp dụng.
Sau cuộc họp nội các chiều 4/3, chính phủ tuyên bố sẽ không hoãn các cuộc bầu cử địa phương bất chấp cuộc khủng hoảng COVID-19, với vòng một dự kiến diễn ra ngày 15/3 và vòng hai vào ngày 22/3 tới. Gần 47,7 triệu người đã đăng ký cử tri và sẽ bầu ra khoảng 500.000 ủy viên Hội đồng thành phố.
Nguồn tin từ Điện Elysée cho biết Tổng thống Emmanuel Macron sẽ tham gia một cuộc họp tư vấn vào chiều 5/3 với khoảng 30 bác sỹ, nhà khoa học và quản lý phòng thí nghiệm. Đến nay, 4 người đã tử vong và 12 người đã khỏi bệnh tại Pháp.
Cùng ngày, Thụy Điển đã ghi nhận thêm 22 ca mới nhiễm bệnh, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 52 người.
Theo Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển, trong số các ca nhiễm mới có 16 trường hợp được xác nhận tại thủ đô Stockholm. Hiện chưa rõ nguồn lây bệnh của 4 trong 31 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở Stockholm.
Khác với những trường hợp còn lại, 4 người trên không có mối liên quan rõ ràng đến việc lây nhiễm ở nước ngoài hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh ở nước ngoài.
Du khách đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Rome, Italy. (Ảnh: THX)
Tại Hà Lan, giới chức y tế cho biết đã có thêm 15 ca được chẩn đoán nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 38 người. Trong số các ca mới nhiễm bệnh, 4 người đã nhập viện để điều trị trong khi 11 người được cách ly tại nhà.
Đa số các trường hợp được chẩn đoán nhiễm COVID-19 đều vừa trở về từ miền Bắc Italy hoặc tiếp xúc với người bệnh trước đó. Trong khi đó, nhà chức trách đang điều tra một số bệnh nhân chưa rõ nguồn lây nhiễm.
Tại Áo, Bộ Y tế xác nhận riêng trong ngày 4/3 nước này có thêm 5 trường hợp nhiễm bệnh, nâng tổng số ca dương tính với virus SARS-Cov-2 tại quốc gia này lên 29 người.
Bộ Y tế Áo cho biết tại thủ đô Vienna có 15 ca nhiễm, bang Niederösterreich có 5 ca, bang Steiermark 4 ca, bang Salzburg 3 trường hợp và 2 trường hợp ở bang Tyrol.
Đến chiều 4/3, các cơ sở y tế, bệnh viện ở Áo đã làm xét nghiệm cho trên 3.100 trường hợp. Theo giới chức Áo, đã có khoảng 8.000 cuộc điện thoại mỗi ngày gọi tới đường dây nóng để hỏi các vấn đề liên quan tới virus.
Để hỗ trợ các công ty Áo gặp khó khăn khi dịch bùng phát, Chính phủ Áo đã đưa ra gói kích thích ngắn hạn với nhiều biện pháp hỗ trợ các công ty gặp khó khăn, trong đó có cung cấp khoản tín dụng lên tới 10 triệu euro.
Cùng ngày 4/3, nguồn tin Liên minh châu Âu (EU) cho biết một nhân viên của Hội đồng châu Âu tại Brussels đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trở thành trường hợp thứ hai trong các tổ chức EU nhiễm bệnh này.
Người đàn ông trên được phát hiện có triệu chứng vài ngày trước và đang được điều trị y tế. Trước đó, một quan chức của Cơ quan Quốc phòng châu Âu thuộc EU có trụ sở tại Brussels đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2 sau khi trở về từ Italy.
Chính thức trở về từ Italy ngày 23/2, nhưng nhân viên này không dự một cuộc họp với 30 quan chức từ các tổ chức khác của EU.
Tính đến ngày 4/3, Bỉ ghi nhận 23 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 10 trường hợp mới trong 24 giờ qua. Chín trong số 10 người mới nhiễm bệnh đều trở về từ Italy.
Bất chấp lo lắng về dịch bệnh, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố liên minh sẽ duy trì các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, huy động hàng nghìn binh sỹ.
Liên minh gồm 29 thành viên dự kiến tiến hành hơn 20 cuộc tập trận trong năm nay, trong đó có cuộc tập trận “Defender 2020” do Mỹ chỉ huy với sự tham gia của 20.000 binh sỹ Mỹ được triển khai đến châu Âu.
Trả lời phỏng vấn tại thủ đô Zagreb của Croatia trong khuôn khổ cuộc họp Bộ trưởng quốc phòng EU, ông Stoltenberg cho biết liên minh đang lên kế hoạch dự phòng cho trường hợp dịch bùng phát mạnh, nhưng hiện các cuộc tập trận dự kiến vẫn diễn ra theo kế hoạch. Theo ông, tổ chức đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ vì dich bệnh hoàn toàn có nguy cơ gây hậu quả xấu cho NATO.
Italy, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất ở châu Âu bởi COVID-19, hiện là nơi tổ chức cuộc tập trận chiến tranh tàu ngầm Dynamic Manta của NATO, với sự tham dự của 10 quốc gia đồng minh. Italy cũng sẽ tổ chức một cuộc tập trận chiến tranh điện tử kéo dài 5 ngày bắt đầu từ 8/3.
Tổng Thư ký Stoltenberg cho biết NATO hiện hạn chế khách ra vào trụ sở của tổ chức tại Brussels và khuyến cáo các chỉ huy quân sự phòng ngừa lây lan virus SARS-CoV-2.
Article sourced from VIETNAMPLUS.
Original source can be found here: http://www.vietnamplus.vn/so-ca-nhiem-covid19-tiep-tuc-tang-manh-tai-chau-au/626697.vnp