Ngô đồng là cây gì? Tác dụng và ý nghĩa của cây ngô đồng
I. Cây ngô đồng là cây gì?
Ngô đồng là loài thực vật có hoa thuộc họ Cẩm Quỳ, được chia ra làm hai loại: ngô đồng thân gỗ và ngô đồng cảnh. Mỗi loại cây lại có xuất xứ, tên gọi, công dụng với những đặc điểm khác nhau.
1. Cây ngô đồng thân gỗ
Cây ngô đồng thân gỗ có tên khoa học là Firmiana Simplex, tên tiếng Anh là Chinese Parasol tree, thường được gọi dân gian là cây bo rừng, cây tơ xanh, cây tơ đồng... thuộc họ Trôm (Sterculiaceae).
Cây là loại thân gỗ, có chiều cao trung bình 15-17m , đường kính 40-50cm. Vỏ cây nhẵn nhụi, màu xám khi già. Lá có dạng chân vịt phân thành 3-5 thùy, mọc cách nhau, dài và rộng từ 8-35cm, không có răng cưa nhưng mặt dưới có lớp lông mềm.
Cây ngô đồng ở Cố đô Huế
Hoa ngô đồng rất đẹp, có màu hồng nhạt, thường nở vào mùa thu. Hoa có năm cánh và đơn tính. Ở Việt Nam, có loại hoa sẽ nở dịp cuối xuân, đầu hè, chụm lại và màu đỏ.
Cây ngô đồng ở Cù Lao Chàm
Quả cây ngô đồng gồm nhiều múi dẹt, vỏ cứng ghép lại với nhau thành hình tròn và là loại quả độc.
Quả cây ngô đồng gồm nhiều múi dẹt, vỏ cứng ghép lại với nhau thành hình tròn
2. Cây ngô đồng cảnh
Cây ngô đồng cảnh có tên khoa học là Jatropha Podagrica, thường được gọi với nhiều cái tên khác như dầu lai lá sen, cây dầu lai có củ, cây sen lục bình… thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Cây có nguồn gốc từ Châu Mỹ.
Hình ảnh cây ngô đồng cảnh
Cây thường có thân phình ở gần gốc giống chiếc lọ. Loại cây này có chiều cao trung bình khoảng 40-100cm, phân thành nhiều nhánh khác nhau. Cuống lá dài khoảng 10-20 cm. Lá cây thường bóng, phiến lá chia thành 3-5 thùy to, mặt lá dưới thường nhạt hơn so với mặt phía trên.
Cây ngô đồng cảnh thường có thân phình ở gần gốc giống chiếc lọ
Hoa ngô đồng cảnh thường có màu đỏ tươi, mọc thành chùm dày, rộng khoảng 25cm nhìn giống hệt cành san hô. Cuống hoa dài khoảng 20cm, có màu xanh xám và thẳng. Cả hoa cái và hoa đực đều có 5 cánh. Phần thùy nhụy có màu xanh lá cây, các vòi nhụy rất ngắn và bầu nhụy có màu trắng như củ hành. Hoa đực thì thường có lớp bao phấn phủ bên ngoài màu vàng tươi.
Hoa ngô đồng cảnh thường có màu đỏ tươi, mọc thành chùm dày, nhìn giống hệt cành san hô
Quả ngô đồng có hình bầu dục, thường có 3 hạt. Lúc quả non thường có màu xanh, khi chín màu vàng. Khi khô, hạn rất dễ bung ra và phát tán khắp nơi. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, các hạt nhanh chóng nảy mầm thành cây mới và tiếp tục vòng đời của nó.
Quả ngô đồng có hình bầu dục, lúc non thường có màu xanh, khi chín màu vàng
II. Tác dụng của cây ngô đồng
1. Công dụng của cây ngô đồng trong đời sống hàng ngày
- Cây ngô đồng cảnh: được nhiều người ưa chuộng trồng trong nhà với công dụng làm đẹp không gian xung quanh và để trang trí nhà cửa. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng cây làm quà tặng bạn bè, đồng nghiệp cũng rất hữu ích.
- Cây ngô đồng thân gỗ: chiều cao cùng với tán lá to dày sẽ giúp che mát vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, gỗ của cây khá nhẹ và thường được dùng làm nhạc cụ bởi âm thanh tạo ra khá vang và trong.
2. Cây ngô đồng chữa bệnh gì?
- Chống nhiễm trùng vết thương: Người bị các vết thương hở như đứt tay, trầy xước tay chân có thể lấy lá cây ngô đồng đắp trực tiếp lên vết thương. Như vậy sẽ giúp cầm máu và chống nhiễm trùng rất hiệu quả. Ngoài ra, có thể lấy nhựa ngô đồng bôi lên vết thương để cải thiện bệnh.
- Chữa mụn nhọt: Với những bệnh nhân bị mụn nhọt mới sưng tấy, lấy lá cây ngô đồng ép lấy phần nhựa, sau đó dùng nhựa lá bôi lên khu vực da bị mụn nhọt sẽ giúp giảm bớt tình trạng sưng đau, mưng mủ. Phương pháp này cần thực hiện kiên trì, nhiều lần để nhựa cây khô lại.
Nếu mụn nhọt quá to, có thể lấy khoảng 1-3 lá ngô đồng đem rửa sạch, để ráo nước rồi giã nhuyễn cùng một ít muối và đắp trực tiếp lên nốt mụn. Sử dụng vải băng cố định lại để tinh chất lá ngô đồng giúp làm giảm sưng tấy. Áp dụng cách làm này khoảng 3-5 ngày để vết nhọt nhanh khỏi.
- Chữa ghẻ lở: Với tình trạng da bị ghẻ lở lâu ngày, hãy lấy lá ngô đồng đã rửa sạch để chà xát nhẹ nhàng. Như vậy, các vùng ghẻ lở sẽ được sát khuẩn và thuyên giảm cơn ngứa. Thực hiện kiên trì cách làm này trong khoảng vài ngày, các nốt ghẻ sẽ không còn còn ngứa nữa và nhanh chóng lành làn da.
- Chữa sa tử cung: Đầu tiên, cần lấy khoảng 3 cuống lá của cây đem rửa sạch rồi giã nát và đắp trực tiếp lên vùng tử cung bị sa. Với cách làm này, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh làm ảnh hưởng đến tử cung và khả năng sinh sản sau này.
- Bồi bổ cho nam giới: Cây ngô đồng là dược liệu vô cùng có lợi đối với phái mạnh. Chỉ cần sử dụng thân cây đã thái mỏng, sao vàng và phơi khô, sau đó đem ngâm làm rượu thuốc sẽ giúp cải thiện vấn đề sinh lý, tăng cường sinh lực.
- Chữa phong thấp: Người mắc bệnh phong thấp hãy lấy rễ cây ngô đồng để nấu lấy nước uống hàng ngày, các triệu chứng về bệnh sẽ thuyên giảm dần theo thời gian.
- Chữa hạch sưng đau: Trước hết, dùng dao rạch lấy một đường ở thân cây và hứng lấy phần nhựa cây. Tiếp đến, bạn dùng một miếng vải và tăm bông thấm vào phần nhựa cây để bôi vào vùng da bị sưng hạch. Áp dụng cách làm này 1 ngày 1 lần để cải thiện tình trạng bệnh.
Cây ngô đồng có nhiều công dụng đối với sức khỏe
- Chữa ho gà: Người bệnh có thể sử dụng phần thân và cuống lá cây ngô đồng đem sắc thành nước uống hàng ngày. Cơn ngứa rát và đau do ho gà gây ra sẽ được giảm bớt và tiêu biến.
- Làm thuốc nhuộm tóc: Ít người biết rằng cây ngô đồng có thể dùng làm thuốc nhuộm đen tóc, giúp tóc mềm mượt, bóng khỏe hơn. Đem chặt nhỏ cây rồi đốt thành tro và trộn với dầu gội. Sử dụng hỗn hợp này để gội đầu mỗi ngày. Đây là cách giúp bạn nhanh chóng sở hữu được mái tóc đen, đẹp như ý muốn.
- Chữa một số chứng bệnh khác: Trong dân gian, mọi người sử dụng dược liệu để đốt cháy lấy than mịn và trộn chung với dầu để chữa bệnh lòi dom, bệnh trĩ, thấp khớp, lao phổi, bệnh hậu môn…
III. Ý nghĩa phong thủy của cây ngô đồng
- Cây ngô đồng thân gỗ: Là loại cây vô cùng nổi tiếng trong văn hóa của Trung Quốc, khi trưởng thành thì vô cùng cao lớn, vững chãi, mọc thẳng đứng. Cây chỉ gồm một màu xanh tươi tốt, mang lại cảm giác thanh tịnh, tao nhã nhưng vẫn rất kỳ vĩ.
Ngô đồng được mệnh danh là vua của các loài cây, là biểu tượng của bến đỗ an yên, thái hòa và tôn quý. Người xưa từng có câu: “Trồng cây ngô đồng, Phượng Hoàng tất sẽ bay đến”, vì chim Phượng Hoàng là loài quý hiếm cho nên người ta tin rằng sẽ gặp được may mắn, cát tường khi trồng cây trong nhà. Trong tranh ảnh và nhiều tác phẩm nghệ thuật từ xa xưa, Phượng hoàng không bao giờ ở thế tung cánh bay mà luôn đứng hoặc nghỉ ngơi trong tâm thái bình thản, an nhiên tĩnh tại.
Trong tranh ảnh, phượng hoàng không bao giờ ở thế tung cánh bay mà luôn đứng hoặc nghỉ ngơi trên cây ngô đồng
- Cây ngô đồng cảnh: mang vẻ đẹp tươi mát, lá cây nhìn tươi xanh giống lá sen, thân hình giống búp sen, hoa dạng cụm đỏ, nhìn bao quát cả cây như một búp hoa sen khổng lồ đầy đủ các bộ phận.
Do hình dạng độc đáo nên người ta quan niệm rằng cây có khả năng xua được tà khí, hút vận may đến gia chủ, đồng thời hóa giải tai nạn, mang đến sự an lành. Ngoài ra, cây ngô đồng không cần chăm sóc nhiều chúng vẫn tỏa ra sức sống dạt dào nên nó biểu tượng cho sự sung mãn, trường tồn, trường thọ, như ý và cát tường.
Cây ngô đồng có khả năng xua được tà khí, hút vận may đến gia chủ, đồng thời hóa giải tai nạn, mang đến sự an lành
Theo thuyết ngũ hành trong phong thủy, cây ngô đồng hợp mệnh Mộc nên cũng phù hợp với mệnh Hỏa vì Mộc sinh Hỏa. Trồng cây này trong nhà sẽ thu hút nhiều dòng năng lượng tốt, may mắn trong công việc.
IV. Cách trồng cây ngô đồng giúp phát triển tốt nhất
Bạn có thể trồng cây ngô đồng thông qua hai phương pháp là gieo hạt hoặc chiết cành. Tuy vậy gieo bằng hạt được nhiều người lựa chọn hơn với tỷ lệ thành công cao. Ngoài ra cần lưu ý một số yếu tố như sau:
1. Chọn hạt giống
Hãy lựa chọn hạt giống chắc khỏe, trưởng thành và không bị mắc bệnh để tiến hành trồng cây ngô đồng. Hoặc bạn có thể tách lấy hạt từ quả trực tiếp của cây để trồng.
2. Loại đất trồng
Hãy chọn loại đất mùn để đảm bảo độ tơi xốp, màu mỡ và dinh dưỡng khi trồng cây. Ngoài ra đất mùn có khả năng thoát nước tốt nên không lo gây ngập úng cho rễ. Bạn có thể tìm mua sẵn đất tại các cửa hàng bán đồ nông sản hoặc nếu là đất thường thì hãy trộn thêm xơ dừa, phân ủ và mùn cưa hoặc xỉ than để cải thiện thêm về chất lượng.
3. Nước tưới
Tiến hành gieo hạt vào trong đất, vun đất sao cho cao khoảng 2-3cm trên bề mặt hạt để giúp hạt giống có thể phát triển dễ dàng. Cây ngô đồng không cần quá nhiều nước tưới để phát triển, chỉ cần đủ để đất và cây có độ ẩm là được. Tốt nhất mỗi ngày bạn nên tưới sát gốc 1 lần, có thể tăng thêm khi trời vào mùa hè.
Chăm sóc cây ngô đồng đúng cách giúp cây phát triển tốt và khỏe mạnh
4. Điều kiện ánh sáng và nhiệt độ
Cây ngô đồng có các tán lá to và rộng, chứng tỏ rằng cây rất ưa nắng và cần ánh sáng để phát triển. Bạn nên trồng cây tại những nơi có nhiều ánh sáng để cây có thể quang hợp và phát triển tốt hơn. Nhiệt độ môi trường lý tưởng để trồng cây nên từ 20-25 độ.
5. Bón phân
Nếu như đất trồng có đủ dinh dưỡng thì không nhất thiết phải bón thêm phân cho đất. Tốt nhất chỉ nên tiến hành bón lót vào giai đoạn phát triển mạnh nhất của cây. Sử dụng phân NPK pha loãng với đất để tưới cho cây định kỳ mỗi tháng 1 lần.
6. Phòng sâu bệnh
Cây ngô đồng nếu được chăm sóc tốt sẽ ít có khả năng bị sâu bệnh tấn công. Do đó bạn chỉ cần chú ý quan sát và cắt bỏ các cành lá bị bệnh là được. Có thể phun thuốc để loại trừ các loại sâu bệnh hoặc côn trùng có hại.
V. Cây ngô đồng có độc không?
Mặc dù cây ngô đồng là một loài dược liệu quý, thế nhưng không phải bộ phận nào của cây cũng có thể sử dụng được. Chỉ có thân, lá, rễ của cây là có thể được sử dụng để bào chế thành thuốc, còn hoa và quả chứa độc tố gây nguy hiểm tới tính mạng của bạn nếu như lỡ ăn phải.
Quả ngô đồng chứa độc tố gây nguy hiểm tới tính mạng của bạn nếu như lỡ ăn phải
Hoa và quả của cây ngô đồng chứa hoạt chất Curin vô cùng độc, nếu như ăn phải sẽ gây chóng mặt, buồn nôn, rối loạn hệ thần kinh trung ương, bỏng rát ở cổ họng, thậm chí là tử vong. Do đó nếu bạn định trồng cây ngô đồng cảnh ở trong nhà thì cần tuyệt đối để xa tầm với của trẻ nhỏ hoặc vật nuôi.
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/cay-canh-vuon/cay-ngo-dong-dac-diem-tac-dung-y-nghia-va-cach-trong-c283a523987.html