Nghị sĩ Mỹ kêu gọi Australia tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông
Trong cuộc phỏng vấn trước khi bắt đầu phiên Tham vấn cấp Bộ trưởng Australia - Mỹ (Ausmin) tại San Francisco, Mỹ ngày 23/7, Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Courtney cho biết ông hy vọng cuộc họp này sẽ dẫn tới quyết định của Australia trong việc tiến hành các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Theo ông Courtney, động thái này của Australia sẽ giúp “thay đổi cán cân trong khu vực trước những yêu sách phi pháp của Trung Quốc hòng kiểm soát một trong những vùng biển quan trọng nhất trên thế giới”.
Joe Courtney, đồng chủ tọa cuộc họp kín của nhóm Những người bạn Australia tại Quốc hội Mỹ, cho biết việc tiến hành tuần tra đảm bảo tự do trên Biển Đông có thể khiến Australia “lo ngại một chút”. Tuy nhiên, ông Courtney khẳng định điều quan trọng là cần gửi tới Trung Quốc thông điệp về sự quyết tâm của các đồng minh như Mỹ và Australia nhằm đối phó với các hoạt động phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông.
“Đây là một ưu tiên lớn. Có thể hơi đáng lo một chút cho Australia khi thực hiện bước đi đó, nhưng tôi hy vọng Đô đốc Harris sẽ đóng vai trò như một đại sứ vì ông ấy cũng là người ủng hộ mạnh mẽ và thuyết phục trong vấn đề này”, Thượng nghị sĩ Courtney nói, đề cập tới cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải Quân Mỹ Harry Harris.
Tuy vậy, đề xuất của Thượng nghị sĩ Mỹ Courtney đã không nhận được sự ủng hộ của Ngoại trưởng Australia Julie Bishop. Bà Bishop cho rằng việc Australia tiến hành một cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải đơn phương nhằm đối phó với Trung Quốc trong khi Australia chưa từng làm như vậy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới là “một bước đi táo bạo” của nước này.
Theo bà Bishop, ngược lại với Australia, Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra trên khắp thế giới, bao gồm cả các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Thay vào đó, Ngoại trưởng Bishop cho biết Australia sẽ vẫn đưa các tàu và máy bay đi qua các vùng biển quốc tế trên Biển Đông, song không tiến hành tuần tra một mình.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những gì mà chúng tôi vẫn làm và chúng tôi chắc chắn sẽ vẫn giữ nhịp độ di chuyển của chúng tôi đi qua các vùng biển quốc tế trên Biển Đông”, bà Bishop cho biết.
Chủ đề tuần tra đảm bảo tự do hàng hải sẽ tiếp tục được thảo luận trong các cuộc họp kéo dài 2 ngày trong khuôn khổ Ausmin với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Ngoại trưởng Australia Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne.
Mỹ thường xuyên điều các tàu chiến đi lại ở khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Động thái này của Washington đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Australia cũng thường xuyên đưa các tàu và máy bay tới gần khu vực 12 hải lý xung quanh các thực thể gây tranh cãi trên Biển Đông, song chưa bao giờ thực sự đi vào vùng nước này. Do vậy, bất kỳ hành động tuần tra đơn phương nào của Australia trên Biển Đông đều có nguy cơ chọc giận Trung Quốc và vấp phải sự trả đũa của Bắc Kinh.
Theo báo The Australian, trong bối cảnh quan hệ Australia - Trung Quốc đang ở trong giai đoạn căng thẳng sau khi Australia thông qua luật kiểm soát sự can thiệp của nước ngoài, Australia được cho là không muốn tạo thêm căng thẳng với bất kỳ quốc gia nào. Tuy vậy, chính phủ của Thủ tướng Malcom Turnbull vẫn tuyên bố ủng hộ các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông.
Trước đó, các quan chức ngoại giao và quốc phòng Anh và Australia đã cùng nhau thảo luận về các chiến dịch hợp tác hải quân chung tại Thái Bình Dương, bao gồm kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mới nhất và đắt nhất của Hải quân Anh tới Biển Đông.
Article sourced from DANTRI.
Original source can be found here: http://dantri.com.vn/the-gioi/nghi-si-my-hoi-thuc-australia-tuan-tra-tu-do-hang-hai-tren-bien-dong-20180724074629948.htm