Nghệ thuật làm thức ăn giả tại Nhật Bản: Không thể phân biệt thật giả
Làm mô hình thức ăn giả được xem là một loại hình nghệ thuật thủ công đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và có truyền thống từ lâu đời.
Ngoài việc nó khiến món ăn trông bắt mắt, hấp dẫn và kích thích vị giác, việc trưng bày thức ăn giả còn giúp khách hàng có cái nhìn bao quát về món ăn họ sẽ chọn lựa. Một chiến lược kinh doanh rất tuyệt vời: những gì bạn thấy là những gì bạn sẽ nhận được sau khi gọi món.
Ý tưởng nảy đến bất ngờ
Thế nhưng, ít ai biết rằng ý tưởng làm thức ăn giả xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1926, do Iwasaki Takizo – một công dân sống tại Osaka nghĩ ra. Ý tưởng này nảy sinh trong hoàn cảnh gia đình ông đang gặp khó khăn, khi vợ ông bị bệnh nặng.
Vào một đêm nọ, Taziko ngồi cạnh vợ để săn sóc cho bà dưới ánh nến le lói trong căn phòng. Tâm trạng ông rối bời vì không biết làm cách nào có tiền để trang trải cuộc sống. Bỗng Takizo thấy sáp nến đang chảy, ông dùng ngón tay hứng lấy và thấy dấu vân tay của mình in lên miếng sáp khi miếng sáp khô lại. Thấy kỳ lạ, ông tiếp tục đổ sáp nến khi còn nóng chảy xuống chiếu và phát hiện miếng sáp khi khô cũng in rõ ràng đường lằn chiếu.
Việc trưng bày thức ăn giả còn giúp khách hàng có cái nhìn bao quát về món ăn họ sẽ chọn lựa.
Và rồi ông nảy ra ý tưởng làm món ăn từ sáp nến. Sau một thời gian mày mò, học hỏi từ những người thợ làm đồ vật bằng sáp nến, Taikizo tự tay làm những mô hình món ăn. Sản phẩm đầu tiên ông tặng vợ là mô hình món trứng cuộn omelet phủ sốt cà, và vợ ông hoàn toàn sửng sốt vì không thể phân biệt thực giả.
Sau đó, Taikizo nhìn thấy tiềm năng kinh doanh trong những sản phẩm bản sao của mình và quyết định tiên phong trong việc tạo ra loại hình nghệ thuật mới, trở thành tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp thực phẩm. Đây được coi là chuyển biến lớn trong cuộc đời Iwasaki Taikizo cũng như trong nền ẩm thực Nhật Bản.
Sản phẩm đầu tiên ông tặng vợ là mô hình món trứng cuộn omelet phủ sốt cà, và vợ ông hoàn toàn sửng sốt vì không thể phân biệt thực giả.
Iwasaki quả thực là một người có tầm nhìn xa khi đây là thời gian "chín mùi" cho cuộc cách mạng làm mô hình thức ăn giả. Sự kết hợp của đô thị hóa, nền văn hóa ẩm thực phát triển mạnh mẽ cùng với xu hướng thưởng thức những món ăn kỳ lạ của các nước đã tạo ra cái nôi nuôi dưỡng nghệ thuật Sampuru vào những năm 1920.
Một tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mỉ
"Nó đã là truyền thống của Nhật Bản rồi. Người Nhật cẩn thận lắm, họ muốn biết trước món họ ăn sẽ trông như thế nào", Fujita, 38 tuổi, nghệ nhân chế tác đồ ăn giả, cho biết. Nhà báo Yasunobu Nose, người đã từng viết sách về sản phẩm bản sao, cho rằng bộ môn nghệ thuật này bắt nguồn từ quan điểm của người Nhật: ngoài đòi hỏi món ăn phải ngon miệng, nó còn phải thỏa mãn được thị giác của người ăn.
Mỗi chiếc sampuru là một tác phẩm nghệ thuật và gần như được làm thủ công bằng chính đôi tay của những nghệ nhân cao tay nghề. Mọi sản phẩm thức ăn giả không được sản xuất hàng loạt, mà mỗi nhà hàng, quán ăn sẽ có những yêu cầu riêng, không nhà hàng nào giống nhà hàng nào. Tuy nhiều công ty khác cũng vận dụng mô hình sản xuất hàng loạt có giá cả phải chăng hơn, người ta vẫn chuộng những tác phẩm được làm một cách thủ công, vốn rất đắt đỏ. Mỗi một vật mẫu sampuru thường có giá gấp 10 đến 20 lần so với giá của món ăn thật đó.
Mỗi chiếc sampuru là một tác phẩm nghệ thuật và gần như được làm thủ công bằng chính đôi tay của những nghệ nhân cao tay nghề.
Theo Fujita, mọi thực phẩm đều có thể làm mẫu vật giả. Đầu tiên, nhựa trộn màu sẽ được đun nóng từ 10-30 phút, sau đó đổ vào khuôn (được tạo ra bằng cách nhấn thực phẩm cần tạo vào silicon nóng chảy) và để nguội cho đến khi cứng lại. Tiếp theo, nghệ nhân sẽ đánh bóng khối sản phẩm rồi thực hiện công đoạn sơn vẽ, và cuối cùng phủ một lớp sơn bóng để bản quản màu bề mặt.
Fujita cho biết công đoạn khó nhất là làm sao để màu trên sản phẩm giả giống thật nhất có thể. Chưa hết, mọi chi tiết nhỏ nhặt cũng phải bắt chước làm sao cho thật giống, do đó họ đều tốn công sức tạo ra từng bộ phận nhỏ của sản phẩm với số lượng nhân đôi, nhân ba. Chẳng hạn như, nếu muốn làm mô hình đĩa cơm, họ phải làm riêng lẻ từng hạt cơm một bằng cách dùng keo đính lên nhiều hạt cườm màu trắng.
Với những món sử dụng đũa như mì ramen, mọi thành phần của món ăn sẽ được chế tác riêng lẻ rồi sau đó lắp ráp vào trong chiếc bát một cách cẩn thận. Những nghệ nhân còn tạo hình sản phẩm kết hợp với đũa, muỗng và trang trí thêm những vật dụng khác trong nhà hàng. Sợi mì được làm từ những chuỗi nhựa dẻo kéo dài và uốn cong y như thật. Lát thịt lợn, tỏi xắt nhỏ và nửa quả trứng luộc sẽ được đúc khuôn tỉ mỉ trước khi cho vào nước lèo bằng nhựa cứng.
Mỗi chiếc sampuru là một tác phẩm nghệ thuật và gần như được làm thủ công bằng chính đôi tay của những nghệ nhân tay nghề cao.
Nghệ thuật Sampuru trong đời sống thường nhật
Ngày nay, ứng dụng của thức ăn giả tại Nhật rất rộng. Ví dụ như dùng cho những buổi chụp ảnh quảng cáo, đặc biệt là các sản phẩm dễ tan chảy như kem hoặc dùng cho việc giáo dục. Ngoài ra nó giúp việc chọn món trong nhà hàng trở nên nhanh hơn vì khách hàng biết rõ họ muốn gì.
Không những thế, đây là thứ giúp Nhật Bản trở nên đặc biệt và vô tình được khách du lịch nước ngoài yêu mến. Vì tiếng Anh không phổ biến tại đây, họ chỉ cần chỉ vào món muốn dùng là nhân viên có thể hiểu ý dễ dàng ngay lập tức.
Nếu muốn làm mô hình đĩa cơm, họ phải làm riêng lẻ từng hạt cơm một bằng cách dùng keo đính lên nhiều hạt cườm màu trắng.
Giống như những tác phẩm nghệ thuật, các thức ăn giả có giá không hề rẻ, một miếng bít tết khoảng 500.000 VND, miếng sushi giá 600.000 VND, ly bia giá 1.300.000 VND và một bữa ăn đầy đủ có giá đắt hơn thế. Các nhà kinh tế học cho biết đây là nền công nghiệp có giá trị khoảng 60 đến 90 triệu USD hàng năm.
Tuy lớn như vậy, nhưng ngành công nghiệp này đang sụt giảm dần, lí do chính vì các thực phẩm giả hầu như không có hạn sử dụng và không ai cần thay thế nó. Rất may mắn nó vẫn là thứ thu hút các khách du lịch từ nhiều nơi trên thế giới.
Móc khoá hình chén thức ăn rất phổ biến ở Nhật Bản.
Nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm cho du khách được mở ra tại Nhật, chủ yếu là móc khóa hình chén thức ăn. Du khách còn có thể tự làm một chiếc sampuru trị giá cỡ 230.000 VND từ sáp nóng chảy, vì phương pháp cổ điển an toàn hơn cho du khách so với phương pháp sử dụng nhựa nóng chảy. Các du khách được hướng dẫn đổ sáp nóng chảy vào nước lạnh cho sáp cứng lại, sau đó bỏ vào khuôn để tạo hình.
Nhật Bản có lẽ là nơi duy nhất mà chủ nhà hàng dành số tiền đầu tư khổng lồ để thiết kế thực đơn trực quan cho khách hàng, chính là những mô hình thức ăn bằng nhựa. Dường như ở đất nước này, mọi thứ đơn giản nhỏ nhặt cũng đều có thể được nâng lên một đẳng cấp khác và trở thành một loại hình nghệ thuật. Tất nhiên, những sản phẩm nghệ thuật thức ăn giả này còn đắt hơn cả đồ thật.
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from KENH14.
Original source can be found here: http://kenh14.vn/nghe-thuat-lam-thuc-an-gia-tai-nhat-ban-nhin-that-hon-ca-do-an-that-loi-nhuan-sieu-khung-voi-gia-cao-ngat-nguong-20180115184631525.chn