Nga không kích những lực lượng thân Mỹ tại Syria
Giới chức quân đội Mỹ cho biết không quân Nga thời gian qua tiến hành hàng loạt vụ không kích nhắm vào những lực lượng thân Mỹ tại Syria, khiến Lầu Năm Góc tăng lo ngại nguy cơ tính toán sai lầm dẫn đến xung đột ngoài ý muốn giữa hai cường quốc.
Giới quan sát cho rằng nỗi lo này là có cơ sở, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước vốn đã leo thang nghiêm trọng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, còn Washington liên tục bơm vũ khí cho Kiev, bất chấp mọi cảnh báo từ Moskva.
Nỗi quan ngại lên đến đỉnh điểm hôm 15/6, khi không quân Nga tấn công căn cứ quân sự al-Tanf, gần biên giới Syria - Jordan. Đây là nơi cố vấn Mỹ huấn luyện nhóm dân quân Maghawir al-Thawra được Washington hậu thuẫn, với cái cớ ngăn phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy.
Phía Nga đã báo trước cho Mỹ về cuộc không kích thông qua đường dây nóng, được quân đội hai nước sử dụng trong nhiều năm qua để giảm rủi ro va chạm. Moskva nói chiến dịch nhằm đáp trả một vụ tấn công của phiến quân Maghawir al-Thawra, khiến lực lượng quân đội chính phủ Syria chịu thương vong và mất một phương tiện cơ giới.
Binh sĩ Mỹ cùng phương tiện quân sự tại căn cứ al-Tanf, miền nam Syria tháng 11/2017. Ảnh: US Army.
Các quan chức Mỹ tiết lộ họ đã nhanh chóng cảnh báo nhóm Maghawir al-Thawra ở al-Tanf, đồng thời đảm bảo không có quân nhân Mỹ hiện diện gần khu vực không kích. Lực lượng Mỹ sau đó phát hiện hai cường kích Su-25 và một chiếc Su-24 Nga lượn quanh al-Tanf trước khi đánh bom cơ sở trong khuôn viên căn cứ. Đơn vị Mỹ đồn trú tại đây không cần thay đổi vị trí, do khoảng cách giữa nơi đóng quân của họ và điểm bị tập kích vẫn đảm bảo an toàn.
Theo đánh giá bước đầu của Lầu Năm Góc, lực lượng Nga tại Syria đã nhận chỉ thị báo trước về cuộc không kích cho phía Mỹ. Họ muốn đảm bảo bom không rơi trúng quân nhân Mỹ và cũng thừa biết Mỹ sẽ cảnh báo đồng minh nhóm Maghawir al-Thawra. Điều đó cho thấy Nga chưa muốn nhắm đến lính Mỹ, nhưng vẫn sẵn sàng quấy nhiễu hoạt động quân sự Mỹ tại Syria. Moskva đã nhiều lần áp dụng chiến thuật này trong những năm qua, dẫn đến một số vụ chạm trán nguy hiểm.
Tháng 2/2018, một nhóm 500 dân quân thân chính phủ Syria và những người được cho là lính đánh thuê cho công ty an ninh Wagner của Nga vượt sông Euphrates gần Deir Ezzor. Nhóm áp sát khu vực do quân Mỹ và đồng minh kiểm soát, buộc các chỉ huy Mỹ đề nghị không kích giải vây. Mike Pompeo, trong phiên điều trần tại Thượng viện trước khi nhậm chức ngoại trưởng, khẳng định "vài trăm lính Nga" đã thiệt mạng trong vụ không kích.
Moskva năm đó từ chối bình luận chi tiết về vụ chạm trán. Bộ Quốc phòng Nga nói nhóm tay súng vượt sông Euphrates không hoạt động theo chỉ đạo của Moskva.
Tháng 8/2020, đoàn xe tuần tra của quân đội Mỹ lại chạm trán với đoàn xe giám sát lệnh ngừng bắn của Nga ở phía đông Syria. Va chạm giữa các phương tiện quân sự hai bên khiến một số quân nhân Mỹ chấn thương. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) khi đó chỉ trích đoàn tuần tra của Nga "hành động thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp", vi phạm những quy tắc ngăn xung đột mà hai nước nhất trí vào tháng 12/2019.
Một quan chức Mỹ chỉ trích Nga đang "đi trên dao" bằng hàng loạt vụ không kích ở Syria gần đây. Tuần qua, khi biệt kích Mỹ đang tập kích để bắt nghi phạm chế bom cho IS ở đông bắc Syria, Nga đã triển khai hai tiêm kích bom Su-34 áp sát khu vực tác chiến. Hai máy bay này chỉ rút đi sau khi Mỹ điều động tiêm kích F-16 đến cảnh cáo.
"Chúng tôi muốn tránh tính toán sai lầm và những hành động có thể dẫn đến xung đột không cần thiết. Mục tiêu của chúng tôi không thay đổi. Tuy nhiên, cách phía Nga hành xử thời gian qua mang tính khiêu khích và leo thang", tướng Erik Kurilla, người đứng đầu Bộ tư lệnh Trung tâm quân đội Mỹ, lo ngại.
Mỹ duy trì hiện diện quân sự tại Syria với nhiệm vụ ngăn IS trỗi dậy sau khi đánh bại tổ chức khủng bố này vào năm 2019. Khoảng 900 lính Mỹ đang đồn trú ở Syria, trong đó khoảng 200 người đóng ở al-Tanf, căn cứ quân sự án ngữ tuyến cao tốc nối giữa Iraq và Syria.
Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng các lực lượng đồng minh Nga và Iran muốn Mỹ từ bỏ cứ điểm chiến lược này trong nhiều năm qua nhưng không thành công.
Oanh tạc cơ Nga Tu-22M3 hạ cánh xuống căn cứ Hmeimim tại Syria ngày 25/5/2021. Ảnh: Zvezda.
Máy bay Nga từng không kích al-Tanf vào năm 2016, khi các đơn vị Mỹ không có mặt và hai tiêm kích F-18 có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ vừa được rút đi tiếp nhiên liệu.
Năm 2017, tướng Vladimir Zarudnitsky, tư lệnh chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, ra tối hậu thư 48 tiếng cho Mỹ rút khỏi al-Tanf, đặt hai lực lượng vào tình thế đối đầu nguy hiểm. Sau khi tướng Stephen Townsend, chỉ huy chiến dịch chống IS do Mỹ dẫn đầu, từ chối rút quân, phía Nga cũng rút tối hậu thư để tránh xung đột.
Giới quan sát nhận định Nga đã tính toán kỹ lưỡng với loạt vụ không kích vừa qua ở Syria, được tiến hành giữa giai đoạn căng thẳng Washington - Moskva gia tăng vì chiến sự Ukraine. Trong bối cảnh đó, tránh đối đầu trực diện với quân đội Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc.
Tiina Hyypa, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Helsinki, và Aaron Pilkington, chuyên viên phân tích Trung Đông cho không quân Mỹ, cảnh báo xung đột vũ trang tại Ukraine có thể khiến tình hình Syria thêm phức tạp. Nga khó rút quân hoàn toàn khỏi chiến trường Syria trong tương lai gần, trong khi vấn đề Ukraine được xếp cao hơn Syria trên thang ưu tiên chiến lược của Moskva.
"Khi Moskva quyết định không phát lệnh tổng động viên để phục vụ chiến dịch quân sự tại Ukraine, họ buộc phải tái bố trí nguồn lực từ Syria để giải quyết bài toán quân số, đảm bảo hoàn thành những mục tiêu được ưu tiên hơn", hai chuyên gia nhận định.
Seth J. Frantzman, bình luận viên tờ Jerusalem Post, nói loạt vụ không kích vừa qua cho thấy Moskva chủ đích gửi thông điệp răn đe Washington rằng không quân Nga không sợ bị trả đũa khi oanh kích các mục tiêu đồng minh Mỹ ở Syria.
Các chuyên gia nhận định Nga đang muốn thể hiện họ không giảm tập trung cho Trung Đông, sau khi đã đầu tư nhiều năm cho hiện diện quân sự lẫn ảnh hưởng chính trị ở khu vực. Nếu muốn chứng tỏ sức mạnh giữa bối cảnh nguồn lực bị giảm bớt, lực lượng Nga ở Syria phải gia tăng hoạt động thị uy nhắm vào các nhóm dân quân đồng minh với Mỹ.
"Xu hướng này sẽ khiến rủi ro leo thang xung đột ở Syria tăng đáng kể và làm xáo trộn tình thế cân bằng mong manh hiện nay", Hyypa cùng Pilkington cảnh báo.
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nga-di-tren-dao-khi-khong-kich-dong-minh-my-o-syria-4477995.html