Nga: Chiến sự lần này không nhằm mục đích chống lại 'kẻ thù nhân loại'

02:00' 17-03-2022
Chuyên gia đánh giá Moskva và Kiev đang đàm phán với nhiều mục tiêu cả trong lẫn ngoài chiến trường và ưu tiên hàng đầu hiện là hành lang nhân đạo.


    "Tôi không đứng ở vị trí cho phép lên tiếng ủng hộ hay phản đối chiến tranh. Là một người bình thường, tôi không ủng hộ bất kỳ cuộc chiến nào vì đây là vấn đề sinh mạng con người. Nhưng ở vị trí một học giả, tôi hiểu những điều đang diễn ra tại Ukraine xuất phát từ những lý do khách quan", chuyên gia khoa học chính trị Timofey Bordachev, phó giáo sư Khoa Kinh tế Thế giới và Các vấn đề Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp - Đại học Nghiên cứu Tổng hợp Quốc gia Nga (HSE), trả lời VnExpress trong cuộc gọi từ Moskva. HSE nằm trong top 100 cơ sở giáo dục quốc tế về nghiên cứu chính trị và quốc tế, xã hội học, lịch sử, kinh tế và kinh tế lượng, theo Bảng xếp hạng Đại học Thế giới Quacquarelli Symonds (QS) của Anh.

    Bordachev, người có hơn 140 bài viết, sách nghiên cứu cho các nhà xuất bản học thuật Nga lẫn quốc tế, nhận định Nga thực chất vẫn theo đuổi ba đề xuất cơ bản trên bàn đàm phán gồm kết thúc hiện diện mọi hạ tầng quân sự Mỹ thiết lập trên lãnh thổ Ukraine, thực thi thỏa thuận Minsk mà các bên đã ký vào năm 2015 cam kết tôn trọng lợi ích của người dân vùng Donbass và Ukraine phải cam kết xây dựng điều luật ngăn những đảng phái dân tộc chủ nghĩa bài xích Nga thăng tiến trên chính trường.

    Các quan chức Nga và Ukraine tham gia cuộc đàm phán lần hai tại khu vực Brest, Belarus, ngày 3/3. Ảnh: Reuters.

    Các quan chức Nga và Ukraine tham gia cuộc đàm phán lần hai tại khu vực Brest, Belarus, ngày 3/3. Ảnh: Reuters.

    Thỏa thuận Minsk được Bộ tứ Normandy, gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức, thúc đẩy tại thủ đô của Belarus năm 2015, nhằm kết thúc cuộc xung đột đẫm máu khi đó đã kéo dài 10 tháng ở miền đông Ukraine.

    Tuy nhiên, thỏa thuận chưa từng được triển khai đầy đủ, khiến giao tranh vẫn tiếp diễn suốt 7 năm qua. Moskva tuyên bố họ chỉ là quan sát viên và cho rằng thỏa thuận phải được thực thi giữa chính phủ Ukraine và phe ly khai ở miền đông. Trong khi đó, Kiev từ chối đàm phán trực tiếp với phe ly khai, khiến các điều khoản của thỏa thuận, ngoài lệnh ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng, gần như không thể thi hành.

    "Dưới góc nhìn của nước Nga, chiến sự lần này không nhằm mục đích chống lại 'kẻ thù nhân loại' như Thế chiến II. Chúng tôi mở chiến dịch vì những lo ngại chính trị và an ninh rất cụ thể", ông nói và cho rằng nếu những lo ngại này được giải quyết "chính phủ Nga sẽ không chần chừ kết thúc hoạt động quân sự tại Ukraine".

    Bordachev tin rằng Moskva vẫn kỳ vọng giải quyết vấn đề Ukraine bằng đàm phán và chiến dịch quân sự là phương án "cùng đường" để buộc Kiev nghiêm túc thực thi thỏa thuận Minsk sau 8 năm bế tắc. Ông không đồng tình với những nhận định của truyền thông và giới chức phương Tây thời gian qua rằng Moskva muốn thay đổi chế độ và "vô hiệu hóa" đầu não chính phủ Ukraine.

    Bordachev lập luận quân đội Nga từ đầu chiến dịch đến nay chưa oanh kích tòa nhà chính phủ hay quận tập trung cơ quan chính quyền tại Kiev. Chính phủ, Văn phòng Tổng thống và Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine vẫn hoạt động bình thường.

    "Nga gây bất ngờ khi không nhắm đến mục tiêu hàng đầu trong mọi chiến sự là chính phủ của đối thủ", ông nói, đồng thời lưu ý rằng vật cản lớn nhất trong đàm phán là cách Moskva nhìn nhận những chính sách ở Kiev quá lệ thuộc vào Washington. "Nga không muốn triệt tiêu những cá nhân có quyền hiến định sẽ ngồi vào bàn đàm phán. Đây là chỉ dấu rất quan trọng cho thấy Nga vẫn tin các bên rồi sẽ tìm hướng giải quyết hòa bình".

    Tuy nhiên, giới chức Ukraine và truyền thông phương Tây liên tiếp cáo buộc Nga đang nhắm đến mục tiêu dân sự, có thể kể đến hai vụ tấn công bằng tên lửa vào tháp truyền hình Kiev và quảng trường trung tâm thành phố Kharkov cạnh toà nhà hành chính tỉnh cùng ngày 1/3. Một bệnh viện nhi và phụ sản tại thành phố Mariupol ngày 9/3 cũng trúng tên lửa Nga khiến ít nhất 17 người thiệt mạng trong đó có phụ nữ, trẻ em và nhân viên y tế, theo thông báo từ chính phủ Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên án việc Nga bao vây thành phố gây nên khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Kiev nhiều lần báo động viện trợ nhu yếu phẩm và lương thực cho dân thường, cũng như nỗ lực sơ tán gặp bế tắc do phía Nga liên tục vi phạm khung giờ ngừng bắn. Giới chức Ukraine ước tính hơn 2.187 cư dân tại Mariupol đã thiệt mạng tính đến ngày 13/3.

    Theo chuyên gia Nga, mục tiêu quan trọng nhất của đàm phán Nga - Ukraine vẫn là giải quyết vấn đề nhân đạo trong thời gian diễn ra chiến sự, cụ thể là thiết lập và duy trì các hành lang cho dân thường sơ tán khỏi những thành phố lớn. Mục tiêu này đòi hỏi chính phủ Nga và Ukraine duy trì liên lạc một cách có hệ thống, "đối thoại mỗi ngày".

    Ông thừa nhận cách đàm phán liên tục như thế "gần như vô nghĩa về mặt chiến lược" nhưng sẽ tạo điều kiện để các bên sơ tán dân thường trong khả năng.

    Bordachev đánh giá phía Nga nhận thức rõ rủi ro thương vong dân thường ngoài dự kiến. Ông cho rằng giảm thương vong là một trong những lý do "chiến dịch quân sự đặc biệt", phát động từ ngày 24/2, tiến triển chậm hơn những dự báo ban đầu của giới quan sát quốc tế.

    Chuyên gia đồng thời cho rằng chính phủ Nga không muốn áp dụng cùng chiến thuật như Mỹ khi phát động chiến dịch quân sự tại Iraq hay Afghanistan, dùng hỏa lực áp đảo bất chấp thương vong dân thường.

    Theo ước tính của Liên Hợp Quốc ngày 12/3, chiến sự tại Ukraine bước sang tuần thứ ba đã khiến hơn 500 dân thường thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương. Tuy nhiên, Bordachev lưu ý rằng chiến dịch quân sự Mỹ tại Iraq năm 2003 khiến 7.600 người chết sau hơn ba tuần đầu tiên.

    Dự án phi chính phủ Iraq Body Count (IBC), được Guardian đánh giá là đơn vị thống kê đáng tin cậy nhất về thương vong tại Iraq tính từ cuộc chiến năm 2003 đến khi Mỹ rút quân, ước tính ít nhất 7.400 dân thường Iraq thiệt mạng trong tháng đầu Mỹ mở chiến dịch quân sự "Sốc và Choáng ngợp" (Shock and Awe).

    Lực lượng vũ trang Ukraine chuẩn bị điểm phòng thủ trước một doanh trại ở Kiev ngày 26/2. Ảnh: AP.

    Lực lượng vũ trang Ukraine chuẩn bị điểm phòng thủ trước một doanh trại ở Kiev ngày 26/2. Ảnh: AP.

    Vòng đàm phán thứ tư giữa Kiev và Moskva tạm hoãn vào ngày 14/3 với lý do các bên cần thời gian chuẩn bị, làm rõ lập trường và họp lại trong hôm nay.

    Phái đoàn hai nước đã tổ chức ba vòng đàm phán tại Belarus. Lần thứ nhất kéo 5 tiếng vào ngày 28/2 tại Gomel. Lần thứ hai diễn ra vào ngày 3/3 tại Belovezhskaya Pushcha và lần thứ ba vào ngày 7/3 tại Brest. Ngày 10/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cũng gặp trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ, bên lề Diễn đàn Ngoại giao Antalya.

    Dù giới chức Nga lẫn Ukraine ngày 13/3 đồng loạt tuyên bố đối thoại có tiến triển tích cực và tăng hy vọng đạt một hình thức thỏa thuận chung, chiến sự trên thực địa tiếp tục diễn biến phức tạp khi các bên không chấp nhận ngừng bắn để đàm phán.

    Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt từ ngày 24/2 tới nay, Nga chưa kiểm soát hoàn toàn bầu trời Ukraine, dù sở hữu một trong những lực lượng không quân tốt nhất thế giới. Lực lượng Nga dưới mặt đất cũng chưa thể khép vòng vây với thủ đô Ukraine, khi đoàn xe quân sự dài 64 km đối mặt với nhiều vấn đề hậu cần và đang phải phân tán thành các đội hình nhỏ ở ngoại ô Kiev. Chiến dịch kéo dài có thể sẽ gia tăng tổn thất cho cả Nga và Ukraine, đặc biệt khi Moskva dường như đã từ bỏ kế hoạch tiến công chớp nhoáng và thay bằng chiến thuật vây hãm các thành phố lớn. Hoạt động pháo kích vào các khu đô thị có thể gây thương vong ngoài dự tính cho dân thường.

    Một số nhà quan sát nhận định đối thoại là hình thức để các bên câu giờ cho những tính toán trên chiến trường. Nga đã kiểm soát được một số thành phố chiến lược phía nam Ukraine như Kherson và Melitopol, đồng thời bao vây thành phố cảng Mariupol thuộc tỉnh Donetsk, tiến gần hơn đến viễn cảnh thiết lập một hành lang quân sự từ bán đảo Crimea đến vùng ly khai Donbass.

    "Tôi cho rằng đàm phán phục vụ cùng lúc nhiều mục đích với cả hai phía", Bordachev bình luận về giả thuyết Nga muốn kéo dài đối thoại để giữ đà tiến quân trên thực địa. "Ưu tiên số một vẫn là duy trì các hành lang nhân đạo. Cả chính phủ Nga và Ukraine đều muốn 'câu giờ' xem xét tình hình. Mục tiêu chung thứ ba là nuôi hy vọng cho ý tưởng giải pháp hòa bình".

    Khi được hỏi về triển vọng phái đoàn hai nước đạt thỏa thuận ngừng bắn chung, hay ít nhất là ngừng mở rộng quy mô hoạt động quân sự, chuyên gia Nga cho rằng tình hình hiện nay quá phức tạp để dự báo. Ông đánh giá lệnh ngừng bắn đòi hỏi sự tham gia sâu hơn của quốc tế hoặc giám sát bởi bên thứ ba không tham gia vào xung đột, chẳng hạn một nước châu Á, Mỹ Latinh hay Trung Đông.

    Trong cuộc phỏng vấn với VnExpress hồi đầu tháng 3, nhà phân tích chính trị Ukraine Andrey Buzarov cũng đưa ra đánh giá tương tự về triển vọng đàm phán. Ông không lạc quan về khả năng các bên tìm ra giải pháp thực chất cho các vấn đề chính trị vì đề xuất và điều kiện từ cả hai phía còn quá nhiều mâu thuẫn. Khả năng Kiev - Moskva tìm ra tiếng nói chung trong những nội dung quan trọng nhất như lệnh ngừng bắn hay khởi động hòa đàm là rất thấp do chiến sự thực chất vẫn diễn ra khi các bên ngồi vào bàn hội đàm. Nội dung khả thi nhất vào thời điểm này là nhất trí về "thỏa thuận lập hành lang nhân đạo sơ tán người tị nạn, trẻ em và người nước ngoài khỏi vùng chiến sự".

    Chuyên gia tại Kiev nhận định chiến sự ở Ukraine đã bước vào giai đoạn giằng co, trong bối cảnh các lực lượng vũ trang Ukraine chứng tỏ được năng lực kháng cự bền bỉ trước đà tiến công của quân đội Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn quyết tâm bám trụ ở thủ đô Kiev, trở thành biểu tượng khích lệ người dân ở lại cùng quân đội chiến đấu. "Trong những năm qua, đặc biệt từ khi Tổng thống Zelesnky bắt đầu nhiệm kỳ, người Ukraine đã nhận thức rằng chúng tôi chỉ có thể dựa vào chính mình. Chúng tôi chỉ có thể dựa vào sức mạnh nội tại khi đối mặt mọi mối đe dọa", Buzarov nói.

    Bordachev cũng cho rằng mức chân thành trong đàm phán song phương vẫn là dấu hỏi lớn. Trong khi Nga là bên nổ phát súng đầu tiên với chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2, đẩy căng thẳng leo thang thành xung đột vũ trang, Ukraine đã đánh mất niềm tin ở Moskva khi trì hoãn thực thi nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Donbass năm 2015. Bordachev nhắc rằng mục tiêu cuối cùng của Moskva là thực thi thỏa thuận Minsk.

    "Nga sẽ ngừng mọi hoạt động quân sự một khi chúng tôi đạt được những đảm bảo rằng chính phủ Ukraine không tái diễn những gì họ đã làm suốt 8 năm qua", ông nói.



    Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Marian College Vùng: Sunshine West. Phone: 9363 1711
Xem thêm

Truờng trung học tại trung tâm Sunshine có nhiều học sinh gốc Việt theo học và thành công nhất


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/chuyen-gia-nhan-dinh-ve-trien-vong-dam-phan-giua-nga-va-ukraine-4438776.html


Để lại Tên và mobile, chúng tôi sẽ tìm cho bạn những nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất.

TÌM DỊCH VỤ