Nếu thấy mình luôn có “giác quan thứ 6”, bạn đích thị là người có khả năng ngoại cảm
1. Ngoại cảm là gì?
Ngoại tức là “ngoài”, “cảm” là cảm nhận, cảm thấy bằng những giác quan sẵn có của con người, như khứu giác, vị giác, thị giác, thính giác, xúc giác. Ngoại cảm là cảm nhận những thứ bên ngoài mình mà chúng ta hay gọi là “giác quan thứ 6”.
Theo từ điển Việt Nam (xuất bản năm 1958), “ngoại cảm” có nghĩa “vì cảnh tượng bên ngoài mà cảm động”, “cảm xúc với thế giới bên ngoài” (sensation impression provenant de l’extérieur), sự cảm động có tính cách nhất thời, không kéo dài cả đời.
Người có được khả năng ngoại cảm với tần suất nhiều lần lặp lại hơn nhiều người bình thường gọi là “nhà ngoại cảm”. Ngoại cảm là một khả năng đặc biệt của con người, mà cho tới bây giờ chưa được khoa học chứng minh.
Người có khả năng ngoại cảm không sử dụng những giác quan bình thường, mà có khả năng cảm nhận bằng giác quan thứ sáu rõ ràng và liên tục hơn những người thường như khả năng nói chuyện với người chết, khả năng theo dõi con người, tiên đoán tương lai, biết được quá khứ của một thực thể nào đó.
2. Phân loại các kiểu ngoại cảm phổ biến
Sau khi hiểu ngoại cảm là gì chúng ta có thể tạm chia ra các loại ngoại cảm như:
– Ngoại cảm bẩm sinh: Tức là ngay từ khi sinh ra đã có khả năng ngoại cảm. Thời gian tồn tại có thể đến cuối đời. Tại Ấn độ, thời của đức Phật có rất nhiều nhà tiên tri (ngày xưa người ta dùng thuật ngữ là nhà tiên tri). Chẳng hạn nhà tiên tri A-tu-đà biết rất rõ về tướng trạng cùng những dự đoán của ông về cuộc đời đức Phật khá chuẩn xác và thành công.
– Ngoại cảm hình thành sau khi phải trải qua một biến cố mang tính chất bước ngoặt, đột biến về sinh học, tâm sinh lý của con người. Tuy nhiên, số này cực hiếm, chủ yếu là do một sang chấn tâm lý nào đó hay bị ốm thập tử nhất sinh nhưng vẫn sống.
– Ngoại cảm có do rèn luyện theo những phương pháp đặc biệt. Họ học hành nghiên cứu một cách bài bản. Tuy nhiên là số người này lại rất hiếm.
Phân loại ngoại cảm theo tính chất, công năng còn có các loại ngoại cảm như:
– Thần giao cách cảm: khả năng giao lưu ý nghĩ giữa những người không giao tiếp với nhau, không nhìn thấy nhau.
– Tiên tri: khả năng biết trước các việc xảy ra trong tương lai.
– Hậu tri: là khả năng giải đoán quá khứ.
– Thấu thị: khả năng nhìn thấy các vật ngoài tầm mắt hay bị che khuất.
– Tâm vận: khả năng dùng năng lực tâm linh để di chuyển các vật thể.
Xác suất thành công của từng nhà ngoại cảm là khác nhau, cũng giống như chúng ta đã từng làm thuần thục việc nào đó nhưng vẫn có lúc phạm sai lầm. Tuy nhiên năng lực ngoại cảm không phải lúc nào cũng ổn định. Ở một độ tuổi nào đó họ nhìn đâu cũng thấy vong, thấy mộ nhưng ở thời gian khác thì khả năng ấy biến mất. Họ trở lại một người hoàn toàn bình thường. Vấn đề là, họ có đủ dũng cảm để công khai sự thật ấy không mà thôi. Hoặc chính họ cũng không biết mình còn khả năng đó hay không.
3. Ngoại cảm có thật không?
Ngoại cảm có thật hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi không có hồi kết. Là một trong số ít người đã và đang nghiên cứu về con người, tâm linh một cách bài bản nhất ở Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Ngọc Mai khẳng định ngoại cảm là hiện tượng có thật.
TS Nguyễn Ngọc Mai – Trưởng phòng Nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng truyền thống, Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng: “Trên thế giới, những người xuất hiện khả năng đặc biệt, phi thường gọi là khả năng tâm linh và thời điểm có khả năng xảy ra thì gọi là xuất hiện tâm linh. Còn ở Việt Nam gọi là khả năng ngoại cảm”. Cũng theo bà Mai thì khả năng tâm linh được biểu thị ở nghĩa rộng hơn so với ngoại cảm, hay nói cách khác, ngoại cảm chính là một dạng của khả năng tâm linh.
Có thể lý giải bản chất của hiện tượng này giống như cơ chế bắt sóng của vô tuyến điện. Vũ trụ có nhiều thứ gồm cả có hình ảnh và phi hình ảnh. Tất cả các vật tồn tại trong vũ trụ đều phát ra sóng. Nhà ngoại cảm là người bắt được sóng đó và ghi nhận lại trong bộ não. Đó là lý do vì sao người ta có thể giao tiếp với người âm, đi tìm mộ…
Bình thường cũng có rất nhiều người bắt được tần số này và riêng nhà tâm linh hay nhà ngoại cảm là những người có khả năng bắt được những sóng này nhiều hơn người bình thường.
Hiện tượng ngoại cảm có thể là do sự trùng lặp về tần số sóng não khiến họ có thể cảm nhận được người khác, đọc được ý nghĩ của họ, hay nói chuyện với người đã chết.
Nhiều người bình thường cảm nhận được cả việc người thân sắp mất, điều này được giải thích như là một dạng sóng phát ra và người ta bắt được tín hiệu sóng đó. Vì khi người ta sắp mất đi thì họ hay nhớ đến người thân yêu nhất, gắn bó nhất với mình, khi đó từ trường sóng phát ra. Người nào có sóng phù hợp sẽ bắt được sóng đó, cảm nhận được điều đó rất thật.
Hoặc bình thường chúng ta đều có linh cảm nhẹ về mọi vật xung quanh, ví dụ như có thể cảm nhận thấy ai đó đang nhìn chằm chằm vào bạn từ phía sau, hoặc cảm giác điều không may sắp xảy ra. Hay có những người được người thân báo mộng và sau đó chuyện này xảy ra giữa đời thực, đôi khi nghĩ về ai đó thì ngay lập tức họ gọi điện cho bạn.
Một cách giải thích khác đó là nhiều người có trực giác tốt hơn số đông còn lại. Họ cũng sử dụng năm giác quan giống như những người bình thường khác, tuy nhiên, cách họ sử dụng bộ não để giải quyết thông tin lại ở mức cao hơn. Nhờ đó chỉ qua giọng điệu hay cử chỉ, nét mặt của một ai đó mà biết họ là người tốt, người xấu hay đang nói dối hay không…
4. Ngoại cảm theo góc nhìn Phật giáo
Phật giáo đề cập đến khái niệm thần thông là gì, đó là những năng lực đặc biệt, mà theo ngôn ngữ ngày nay, một phần trong số đó được hiểu đồng nghĩa với ngoại cảm.
Sáu phép thần thông được kinh điển đạo Phật mô tả bao gồm:
(1) Thiên nhãn thông tức khả năng nhìn thẩm thấu của con mắt mà không lệ thuộc vào con mắt giác quan thông thường;
(2) Thiên nhĩ thông tức năng lực nghe các âm thanh đặc biệt không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian vật lý;
(3) Thần túc thông – năng lực khinh thân độn thổ, thần biến bằng nhiều hình dạng ở nơi này và nơi khác;
(4) Túc mạng thông tức năng lực nắm bắt được vận mệnh của con người từ đại cương đến chi tiết, diễn ra trong đời quá khứ dựa trên qui luật nhân quả của bản thân và những người khác;
(5) Tha tâm thông tức năng lực thấu rõ tâm trạng, cảm xúc và nhận thức thầm kín của người khác; và
(6) Lậu tận thông tức năng lực và tuệ giác nhìn thấy tất cả khổ đau được nhổ tận gốc rễ khỏi cảm xúc, nhận thức, thân và tâm, đời sống và sinh hoạt.
Phần lớn nhà ngoại cảm nước ta rơi vào hai trường hợp đầu tiên số (1) và (2), một phần rất nhỏ của Thiên nhãn thông và Thiên nhĩ thông. Vì thế, khả năng họ nhìn thấy, nghe thấy là có thật nhưng quan trọng là với mục đích gì. Vì nếu với mục đích tư lợi thì mọi việc họ làm sẽ tuân theo Quy luật nhân quả và hiểm họa khôn lường.
Article sourced from TUVINGAYNAY.
Original source can be found here: https://tuvingaynay.com/ngoai-cam-la-gi-co-that-khong-ban-co-tin-minh-co-kha-nang-ngoai-cam.html